Chủ nhật, 10/12/2023 16:33 GMT+7

Xây dựng cơ chế thí điểm các mô hình kinh tế mới dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Ngày 8/12/2023, tại Hà Nội, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo tổ chức Hội thảo quốc tế “Xây dựng cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù đối với các loại hình mô hình kinh tế mới dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hoàng Minh tham dự và chủ trì Hội thảo.

Trên thế giới, cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù ngày càng thu hút được sự quan tâm của các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách. Mục đích của cơ chế thí điểm, thử nghiệm là tạo môi trường thử nghiệm có kiểm soát trong một phạm vi nhất định nhằm xây dựng khuôn khổ pháp lý áp dụng cho các sản phẩm mới, sản phẩm sáng tạo; đồng thời thể hiện sự phản ứng kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước và đã trở thành một phần quan trọng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các ngành, lĩnh vực công nghệ mới và công nghệ mới nổi.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Minh cho biết, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) phát triển nhanh chóng, tạo ra những sản phẩm công nghệ cao, mô hình, dịch vụ mới. Do đó, việc ứng xử với những sản phẩm, dịch vụ mới rất quan trọng.

Tại Việt Nam, xây dựng cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù đối với các loại hình, mô hình kinh tế mới dựa trên KH,CN&ĐMST được Đảng và Nhà nước xác định là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển mạnh mẽ KH,CN&ĐMST nhằm tạo bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ngày 30/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 690/TTg-KGVX về việc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST. Theo đó, tạo dựng khuôn khổ pháp lý để triển khai các cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù đối với các loại hình, mô hình kinh tế mới dựa trên KH,CN&ĐMST là một trong các định hướng trọng tâm Thủ tướng giao các bộ, ngành, trong đó có Bộ KH&CN thực hiện.

Việc xây dựng cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù đối với các loại hình, mô hình kinh tế mới dựa trên KH,CN&ĐMST là giải pháp quan trọng để kịp thời tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn trong phát triển KH,CN&ĐMST. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, đây cũng là vấn đề mới, do đó đặt ra không ít thách thức với các cơ quan hoạch định chính sách. Việc tổ chức Hội thảo nhằm tạo cơ hội để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, quan điểm trong ứng xử với các sản phẩm mới được tạo ra dựa trên KH,CN&ĐMST. Thứ trưởng mong muốn, các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp đóng góp ý kiến trên cơ sở lý luận và thực tiễn thông qua kinh nghiệm của các nước; khuyến nghị, đề xuất đối với Bộ KH&CN và các bộ, ngành liên quan để xây dựng chính sách phù hợp.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, bà Mira Nagy, Trưởng nhóm hợp phần Việt Nam, Dự án Go Circular, Tổ chức Hợp tác quốc tế Cộng hoà Liên bang (CHLB) Đức cho biết, CHLB Đức đang triển khai các cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới ứng dụng kỹ thuật số cho nền kinh tế tuần hoàn với hai chương trình trọng tâm: Chương trình hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo chu kỳ sản phẩm đổi mới sáng tạo; Chương trình ứng dụng kỹ thuật số để tăng hiệu quả tài nguyên trong quy trình sản xuất tuần hoàn.

Chia sẻ về cơ chế sandbox đối với mô hình kinh tế chia sẻ, TS. Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp cho biết, sandbox là mô hình linh hoạt và cách tiếp cận mới, đáp ứng sự phát triển và nhu cầu đổi mới sáng tạo của các startup lĩnh vực kinh tế chia sẻ trong bối cảnh pháp luật hiện hành chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ.

TS. Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội thảo.

Sandbox là khung pháp lý thử nghiệm áp dụng trong phạm vi hạn chế, cho phép doanh nghiệp triển khai và ứng dụng các công nghệ mới, thử nghiệm hoạt động kinh doanh mới, có tính chất đổi mới sáng tạo trong phạm vi và thời gian xác định, dưới sự giám sát của các nhà quản lý để đánh giá, kiểm nghiệm và điều chỉnh trước khi trở thành chính sách chung. Theo bà Hoa, thị trường Việt Nam được đánh giá là tiềm năng để phát triển kinh tế chia sẻ. Tuy nhiên, nhu cầu hiện thực hóa các sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh doanh sáng tạo vào cuộc sống gặp nhiều khó khăn do sự chưa sẵn sàng của khung pháp lý hiện tại.

Bà Hoa cho rằng, mỗi lĩnh vực cần một sandbox riêng biệt bởi không có công thức chung cho mọi lĩnh vực. Cần đặt ra giới hạn về đối tượng áp dụng, thiết lập quy định của khung pháp lý thử nghiệm theo hướng mở, linh hoạt để nhanh chóng điều chỉnh. Việt Nam cần khung pháp lý về sandbox, khung pháp lý thí điểm sandbox không áp dụng đại trà, mà chỉ dành cho một số ít các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đáp ứng đủ các điều kiện đặt ra.

Chia sẻ về phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam thông qua triển khai cơ chế thử nghiệm, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực cho cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động... góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu; góp phần xanh hóa các ngành kinh tế và cải thiện việc làm, thu nhập cho người lao động... Theo ông Dương, thời gian tới, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, sớm có những “điển hình tốt” thông qua cơ chế thí điểm, đồng thời phát huy trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp.

Ông Trần Thế Trung, Giám đốc FPT Smart Cloud đề xuất chính sách đặc thù cho mô hình AI Lab. Đây là mô hình phát triển và vận hành thử nghiệm công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ứng dụng xây dựng hệ thống giao tiếp nhân viên với khách hàng.

Chia sẻ kinh nghiệm của Thái Lan, bà Nirada Werasopon, Văn phòng Hội đồng chính sách quốc gia về đào tạo sau đại học, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo Thái Lan (NXPO) cho biết, quốc gia này đã xây dựng chính sách KH,CN&ĐMST thông qua cơ chế thử nghiệm về mô hình phát triển dựa trên công nghệ sinh học, kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh. Trong đó, tập trung vào nguồn tài nguyên sinh học có thể tái tạo và chuyển đổi thành sản phẩm có giá trị gia tăng. Kinh tế tuần hoàn với mục đích tối đa hóa nguồn tài nguyên có hạn, trong khi kinh tế xanh giúp giữ vững phát triển xã hội môi trường.

Toàn cảnh Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các nội dung như: xây dựng cơ chế thử nghiệm trong phát triển kinh tế tuần hoàn; đề xuất chính sách thí điểm cho một số lĩnh vực kinh doanh ứng dụng máy bay không người lái; phát triển kinh tế trang trại ứng dụng chuyển đổi số; thử nghiệm mô hình kinh tế mới dựa trên KH,CN&ĐMST...

Lượt xem: 1154

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)