Thứ sáu, 22/12/2023 11:07 GMT+7

Hợp tác thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo ngành

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tích cực nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST) ở các cấp, các ngành, đặc biệt là tập trung vào các doanh nghiệp, các ngành kinh tế nhằm đưa KH&CN thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Chiều 21/12/2023, tại Hà Nội, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) và Trường Đại học VinUni đã ký kết hợp tác thúc đẩy hoạt động ĐMST.
Theo thỏa thuận, hai bên sẽ tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực: nghiên cứu về KH,CN&ĐMST; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KH,CN&ĐMST; triển khai các hoạt động thúc đẩy ĐMST trên nền tảng KH&CN.
Hai bên sẽ cùng tăng cường tổ chức các khóa đào tạo; xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực và kết quả của ĐMST cho các ngành, lĩnh vực; xây dựng giải pháp công cụ hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất, chuyển đổi xanh, chuyển đổi sạch.
Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Trường Đại học VinUni ký kết hợp tác thúc đẩy hoạt động ĐMST.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Hoàng Minh khẳng định, ĐMST được coi là cầu nối giữa nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội. Bộ KH&CN thông qua Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ sẽ quan tâm, ủng hộ hoạt động nghiên cứu và đào tạo ở trường Đại học VinUni để có kết quả nghiên cứu phục vụ hoạch định chính sách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.  
Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh bày tỏ mong muốn hợp tác giữa Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Trường Đại học VinUni ngày càng phát triển, có những kết quả cụ thể phục vụ các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp, cơ quan quản lý một cách thiết thực, thúc đẩy ĐMST ở Việt Nam cũng như đóng góp vào tăng cường phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. 
Đồng quan điểm, TS. Lê Mai Lan, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học VinUni khẳng định, ĐMST là động lực quan trọng đối với tăng năng suất hiệu quả, tăng trưởng năng lực cạnh tranh của quốc gia. Để triển khai được cần có cơ chế, sự hợp tác toàn diện với mục tiêu rõ ràng, trước hết cần có con người, đội ngũ tâm huyết có năng lực. 
Ngay sau Lễ ký kết, hai bên đã khởi động dự án phát triển chỉ số ĐMST ngành Việt Nam (VIII). Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho biết, các chủ trương đường lối của Đảng khẳng định, con đường duy nhất để Việt Nam chuyển từ quốc gia thu nhập thấp lên thu nhập trung bình cao là đưa KH&CN vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN và ĐMST, trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã tích cực nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành thúc đẩy hoạt động ĐMST ở các cấp, các ngành, đặc biệt là tập trung vào các doanh nghiệp để đưa KH&CN vào phục vụ các ngành kinh tế, các doanh nghiệp, thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Để đưa KH,CN&ĐMST vào phát triển kinh tế xã hội, các quốc gia sử dụng ba mô hình ĐMST (cấp quốc gia, cấp khu vực và cấp ngành). 
Thứ trưởng Hoàng Minh phát biểu tại Lễ khởi động dự án phát triển chỉ số đổi mới sáng tạo ngành của Việt Nam.
Tại Việt Nam đã triển khai bộ Chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) cấp quốc gia. Qua 8 năm triển khai, với nhiều cải thiện về thứ hạng (tăng 30 bậc), liên tục duy trì vị trí số một và hai trong nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, hai năm gần đây chỉ đứng sau Ấn Độ. Việt Nam luôn là nhóm được các tổ chức quốc tế đánh giá có sự chuyển đổi tốt đưa KH,CN&ĐMST vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tuy nhiên còn rất nhiều dữ liệu chúng ta cần triển khai tiếp. 
Bộ KH&CN cũng đã xây dựng Bộ Chỉ số ĐMST cấp địa phương (PII). Theo đó, Việt Nam là quốc gia thứ 4 triển khai bộ chỉ số này. Hiện Ấn Độ và Trung Quốc là hai quốc gia đang sử dụng hiệu quả bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương. 
Về VIII, theo Thứ trưởng Hoàng Minh cần phải đánh giá được năng lực, thực trạng ĐMST các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, thậm chí là những ngành đang bị cạnh tranh cao hoặc nguy cơ khó phát triển. Từ đó Chính phủ cũng như các ngành, các địa phương có chính sách để điều chỉnh và biện pháp để cải thiện nâng cao năng suất, cạnh tranh. Vì vậy, trực tiếp gắn với phát triển kinh tế - xã hội là ĐMST các ngành. 
VinUni phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước xây dựng bộ chỉ số ĐMST ngành là một công cụ hữu hiệu, không phải chỉ với tổ chức nghiên cứu VinUni mà còn là công cụ thiết thực với các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, từ đó nhìn ra thực trạng của các ngành để có những giải pháp ứng xử phù hợp. Đây là bộ công cụ, bức tranh để các nhà đầu tư trong và ngoài nước hoạch định chiến lược, giải pháp đầu tư của mình khi lựa chọn các ngành đầu tư.
Các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện hai đơn vị ký kết thực hiện nghi thức khởi động dự án.
Với vai trò là đơn vị quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST, Bộ KH&CN giao cho Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ ký hợp tác với VinUni để thực hiện vai trò hỗ trợ kỹ thuật cũng như quản lý đối với các hoạt động thúc đẩy ĐMST của các tổ chức, các trường đại học, trong đó có nội dung về VIII.
Thứ trưởng Hoàng Minh bày tỏ tin tưởng, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia quốc tế, cùng với tiềm lực và vai trò của VinUni cũng như đối tác, chương trình và bộ chỉ số ĐMST cấp ngành sẽ sớm đạt kết quả và triển khai trên thực tiễn. Qua đó cung cấp những công cụ hữu ích cho cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các ngành thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành. 
TS. Lê Mai Lan cho biết, VIII là một trong những sáng kiến tham vọng của VinUni để hiện thực hóa sứ mệnh của mình. VIII vinh dự nhận được sự chỉ đạo và bảo trợ chuyên môn của Bộ KH&CN cũng như sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của Đại học Oxford và Viện Portulans. Đây sẽ là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á tiếp cận đánh giá ĐMST theo ngành, lĩnh vực. 
Trong khuôn khổ Lễ khởi động dự án phát triển VIII, Giáo sư Soumitra Dutta, Đại học Oxford đã có bài trình bày về những kết quả từ nghiên cứu thử nghiệm trong giai đoạn tiền khả thi của dự án. Các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và các nhà quản lý trong các ngành đã có những trao đổi, thảo luận, phản biện đa chiều, để tiếp tục có những hiệu chỉnh trong tương lai hướng đến những kết quả mang lại lợi ích chung.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ.

Lượt xem: 1263

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)