Thứ sáu, 08/03/2024 11:20 GMT+7

Thúc đẩy hợp tác KH,CN&ĐMST với CSIRO - Tổ chức KH&CN đa ngành hàng đầu thế giới

Hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam và Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO) - một trong những tổ chức KH&CN đa ngành lớn nhất thế giới sẽ tạo điều kiện ngày càng tốt hơn cho các nhà khoa học, các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới.
Sáng 8/3/2024, tại Thủ đô Canberra, tiếp tục chương trình thăm chính thức Australia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và làm việc tại Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO) - một trong những tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) đa ngành lớn nhất thế giới. Cùng tham dự có Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, các thành viên đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Tim Watts.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu đã nghe Tổng Giám đốc CSIRO Doug Hilton báo cáo về các hoạt động hợp tác với Việt Nam; tham quan triển lãm giới thiệu các kết quả hợp tác giữa CSIRO và Việt Nam; chứng kiến Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và Tổng Giám đốc CSIRO ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai cơ quan.
CSIRO là cơ quan KH&CN của Chính phủ Australia, được thành lập vào năm 1916. Hiện nay, CSIRO là một trong những tổ chức KH&CN đa ngành lớn nhất thế giới, gồm 5.500 nhân viên với 57 cơ sở trên khắp Australia và các văn phòng đại diện tại Hoa Kỳ, Chile, Pháp, Singapore, Indonesia và Việt Nam; đóng góp giá trị khoảng 4,5 tỷ đô-la Australia cho nền kinh tế Australia thông qua các hoạt động KH&CN.
CSIRO có nhiều thành công trong việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, hiện có trên 170 công ty khởi nghiệp từ các thành tựu khoa học công nghệ của CSIRO, giá trị vốn hóa các công ty do CSIRO đầu tư đạt trên 1 tỷ đô-la Australia.
CSIRO có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Bộ KH&CN Việt Nam trong nhiều năm qua, thông qua các hoạt động hợp tác nghiên cứu tại Việt Nam. CSIRO là cơ quan quản lý Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo (Aus4Innovation-A4I) do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) tài trợ cho Việt Nam với tổng kinh phí 33,5 triệu đô-la Australia, thực hiện trong giai đoạn 10 năm (2018-2028).
 
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu (Ảnh: VGP).
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Australia đối với Chương trình A4I từ năm 2018 đến nay, trong đó CSIRO quản lý trực tiếp Chương trình với sự phối hợp triển khai tích cực của Bộ KH&CN Việt Nam. Các kết quả của Chương trình đã góp phần giúp các ngành quan trọng của Việt Nam như nông nghiệp, thương mại hóa được các kết quả nghiên cứu; nắm bắt được các lợi ích kinh tế trong khi vẫn đảm bảo cơ hội việc làm cho lực lượng lao động của Việt Nam trong tương lai, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo Bộ trưởng, hai bên đã thống nhất để triển khai pha 2 cho dự án này, cùng với việc ký kết và đưa vào triển khai Biên bản ghi nhớ giữa Bộ KH&CN và CSIRO sẽ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy 1 trong “6 điểm hơn” mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh khi tuyên bố hai nước nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất, đó là “thúc đẩy hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn”.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Việt Nam coi đổi mới sáng tạo, phát triển KH&CN là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, do đó đang tập trung vào các lĩnh vực mới như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, nhất là tập trung vào nghiên cứu ngành sản xuất chíp bán dẫn, hydrogen... Việt Nam cũng ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp vì coi đây là trụ đỡ của nền kinh tế.
 
Theo Thủ tướng, những định hướng của CSIRO trong tập trung cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp… đều phù hợp với các chính sách phát triển của Việt Nam (Ảnh: VGP).
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng với những thành tựu, kết quả của CSIRO và cảm ơn CSIRO đã hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực từ những năm 1980 khi Việt Nam còn rất nhiều khó khăn, góp phần cụ thể hoá nội dung quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện hai nước.
Theo Thủ tướng, để đạt được những thành tựu phát triển vừa qua, Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế, trong đó có Australia. Ông cho biết đã cảm nhận rõ tình cảm của nhân dân Australia đối với Việt Nam, nhất là các nhà khoa học Australia rất chân thành, tin cậy, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với nhau. 
 
Thủ tướng chứng kiến Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và Tổng Giám đốc CSIRO ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai cơ quan (Ảnh: VGP).
Thủ tướng khẳng định việc hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là không có giới hạn. Thủ tướng đề nghị hai bên xây dựng các dự án cụ thể từ nguồn quỹ đầu tư 2 tỷ đô-la của Australia cho Đông Nam Á; mong muốn hợp tác với CSIRO tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả rất tốt đẹp những năm qua, triển khai các chương trình, dự án hợp tác thiết thực, hướng vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, chuẩn bị kỹ lưỡng, mang lại sản phẩm, kết quả cụ thể.
CSIRO có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Bộ KH&CN trong nhiều năm qua, thông qua các hoạt động hợp tác nghiên cứu tại Việt Nam. Tháng 3/2018, CSIRO và Bộ KH&CN đã ký Thỏa thuận hợp tác (MoU) nhằm thúc đẩy và hỗ trợ hợp tác nghiên cứu giữa các tổ chức nghiên cứu Việt Nam và Australia, trong các lĩnh vực mà CSIRO có thế mạnh gồm: Nông nghiệp và Thực phẩm, Y tế và An ninh sinh học, Năng lượng, Tài nguyên đất và nước, Công nghệ chế tạo, Thăm dò khoáng sản, Khoa học đại dương và khí quyển, Công nghệ thông tin và Dữ liệu.
Hiện nay, CSIRO là cơ quan quản lý Chương trình A4I do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) tài trợ cho Việt Nam với tổng kinh phí 33,5 triệu đôla Australia, thực hiện trong giai đoạn 10 năm (2018-2028). Bộ KH&CN Việt Nam là đối tác chiến lược trong tổ chức thực hiện. Mục tiêu của Chương trình A4I góp phần tăng cường năng lực hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Chương trình A4I giai đoạn 1 (2018-2023) có 4 hợp phần cơ bản sau: Xây dựng tầm nhìn chiến lược số (Digital Foresighting) để cung cấp dự báo về nền kinh tế số trong tương lai của Việt Nam 25 năm tới; Thương mại hóa kết quả nghiên cứu (SCP) nhằm xây dựng năng lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu và các công cụ thương mại hóa, hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm một cách hiệu quả; Cơ chế tài trợ cạnh tranh (Competitive Grants) cung cấp các gói tài trợ từ 100.000 đến 1 triệu đôla Australia cho các dự án hợp tác nghiên cứu, phát triển ý tưởng đổi mới sáng tạo đã được thử nghiệm giữa các viện, trường, doanh nghiệp Việt Nam và Australia, hướng tới phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững ở Việt Nam; Hỗ trợ chính sách về đổi mới sáng tạo (Innovation Policy) trao đổi các mô hình và kinh nghiệm trong xây dựng chiến lược, chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ phát triển  hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.
Trải qua 5 năm thực hiện giai đoạn 1 (2018-2023), Chương trình A4I đã đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam. 
A4I đã rất thành công khi đưa được nhiều kinh nghiệm, mô hình đổi mới sáng tạo cũng như những công nghệ tiên tiến vào ứng dụng trong bối cảnh Việt Nam. Có thể kể đến trong số đó như các kinh nghiệm trong việc thương mại hóa cũng như phát triển thị trường công nghệ cho Việt Nam. A4I đã hỗ trợ Việt Nam phát triển cẩm nang thương mại hóa, hệ thống hóa các quy trình để đưa công nghệ tới thị trường. 
Đặc biệt, cuối tháng 8, CSIRO và Bộ KH&CN đã phối hợp triển khai vòng tài trợ lần thứ 4 của Chương trình A4I với chủ đề “Đổi mới sáng tạo công nghệ cao nhằm giải quyết các thách thức trong nông nghiệp hướng đến phát triển bền vững”.
 
 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN (tổng hợp)

Lượt xem: 1156

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)