Thứ năm, 28/03/2024 14:15 GMT+7

Bàn giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ

Chiều ngày 27/3/2024, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ; Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ - KH&CN) và Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh - ĐHQG TP. HCM) phối hợp tổ chức Tọa đàm “Đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ”. Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh tham dự và chủ trì Tọa đàm.
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Minh nhấn mạnh vai trò của việc nâng cao tiềm lực KH&CN và khẳng định năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ (CGCN) tại Việt Nam hiện nay. Theo Thứ trưởng, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, CGCN trong các trường đại học có ý nghĩa quan trọng và đã đạt được nhiều kết quả trong thời gian qua. Các cơ quan quản lý nhà nước cần đặc biệt coi trọng việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động này. Tọa đàm “Đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ” là cơ hội để các bên trao đổi, thảo luận những vấn đề về chính sách, khó khăn, vướng mắc và kinh nghiệm thực tiễn triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST) và CGCN. 
 
Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh phát biểu tại Tọa đàm.
Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (ĐHBK) Mai Thanh Phong, ĐHQG TP. HCM là đơn vị nòng cốt đào tạo, nghiên cứu các lĩnh vực về KH&CN và có nền tảng để thúc đẩy phát triển hoạt động KH&CN. Trường ĐHBK nói riêng và ĐHQG TP. HCM nói chung thời gian qua đã tổ chức nhiều hoạt động để thúc đẩy phát triển KH&CN. Đồng chí mong muốn các đại biểu cùng trao đổi, chia sẻ, gợi mở các giải pháp cũng như nội dung hợp tác liên quan trong thời gian tới. 
 
Hiệu trưởng Trường ĐHBK - ĐHQG TP. HCM Mai Thanh Phong phát biểu tại Tọa đàm.
Tham luận về ĐMST và những vấn đề thực tiễn đặt ra trong quản lý nhà nước về ĐMST, ông Nguyễn Đức Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết, trong các thành tố của Hệ thống ĐMST quốc gia, doanh nghiệp được coi là trung tâm, với 4 nhóm: nhóm doanh nghiệp quy mô lớn đi đầu, dẫn dắt những doanh nghiệp vệ tinh, doanh nghiệp phụ trợ; nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, ứng dụng và đổi mới công nghệ; nhóm các doanh nghiệp KH&CN, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ, sáng chế...; nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, có tiềm năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, ý tưởng, mô hình kinh doanh mới. Ngoài ra, còn có các thành tố khác là các viện, trường, giáo dục đào tạo, thị trường, sở hữu trí tuệ, liên kết quốc tế và hạ tầng... 
Về thực trạng ĐMST tại doanh nghiệp hiện nay, ông Nguyễn Đức Hoàng cho biết, các doanh nghiệp lớn có đủ năng lực và nhiều khả năng thực hiện ĐMST nhưng chưa có liên kết và thúc đẩy hiệu ứng lan toả sang khu vực khác. Doanh nghiệp nhỏ và vừa năng lực ĐMST còn hạn chế, đặc biệt là năng lực quản lý, nguồn nhân lực. Doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo có tỷ lệ ĐMST cao hơn lĩnh vực dịch vụ. Với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và liên doanh, có nhiều khả năng ĐMST hơn doanh nghiệp nội địa nhưng ít thực hiện ĐMST do chủ yếu tập trung vào lắp ráp. 
Hiện nay, quản lý nhà nước về ĐMST đặt ra một số vấn đề như: Chưa có sự thống nhất, đầy đủ trong các quy định về định danh, phân định chức năng, nhiệm vụ cho các đối tượng hoạt động ĐMST và khởi nghiệp sáng tạo (KNST); cơ chế, chính sách hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật, nâng cao năng lực bộ máy, con người, kinh phí triển khai các nội dung hoạt động cho các doanh nghiệp ĐMST và doanh nghiệp KNST, các tổ chức hỗ trợ hoạt động ĐMST và KNST; chưa có chính sách thúc đẩy sự phối hợp trong khai thác, tối ưu hóa nguồn lực của các ngành, các cấp cùng tham gia xây dựng hệ thống ĐMST, hệ sinh thái KNST quốc gia...
Do đó, cần xây dựng và thực thi pháp luật để thể chế hóa các định hướng chính sách, chiến lược thành hành động cụ thể; đưa ra cơ chế, giải pháp là đường dẫn cho cách thực thi; kiểm tra giám sát, đánh giá hiệu quả việc thực thi, làm rõ bản chất của ĐMST, phân cấp việc quản lý, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp...
Tham luận tại Tọa đàm, ông Nguyễn Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ cho biết, pháp luật về CGCN được quy định tại Luật CGCN năm 2017; Nghị định số 76/2018/NĐ-CP năm 2018; hệ thống các văn bản pháp luật khác có liên quan về đầu tư, công nghệ cao, doanh nghiệp KH&CN, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phụ trợ…
Các trường hợp bắt buộc phải đăng ký CGCN gồm CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam, CGCN từ Việt Nam ra nước ngoài, CGCN trong nước có sử dụng vốn nhà nước hoặc ngân sách nhà nước (trừ trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN).
Công nghệ khuyến khích chuyển giao gồm 2 nhóm: Các công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao (99 công nghệ); công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam đáp ứng một trong mười yêu cầu tại Khoản 2, Điều 9, Nghị định 76/2018/NĐCP (143 công nghệ). Ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12/2023/QĐ-TTg về cấp Giấy chứng nhận CGCN khuyến khích chuyển giao, đây là căn cứ quan trọng để thực hiện ưu đãi đầu tư.
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, đăng ký CGCN sẽ giúp đảm bảo pháp lý cho việc thực thi hợp đồng CGCN; tính giá trị của hợp đồng CGCN vào chi phí sản xuất sản phẩm; làm căn cứ để được hưởng các ưu đãi về thuế (như thuế nhập khẩu thiết bị CGCN…). 
Chia sẻ kinh nghiệm ĐMST và CGCN, ông Phạm Trần Vũ - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK cho biết, doanh thu từ dịch vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ giai đoạn 2018-2023 của Trường khoảng 899 tỷ đồng. Về ĐMST, có 4 yếu tố được nhấn mạnh trong Chiến lược khởi nghiệp ĐMST của Trường Đại học Bách khoa là truyền cảm hứng (đã tổ chức 113 sự kiện giai đoạn 2012 - 2023), đào tạo (môn học Khởi nghiệp ĐMST đưa vào 60% chương trình đào tạo, 61 khóa ngắn hạn tổ chức từ 2012 - 2023), trải nghiệm (1.529 sinh viên, học sinh TP. HCM tham gia cuộc thi “Bách Khoa Innovation” 2018 - 2023, 50 cá nhân/nhóm sinh viên đoạt giải cuộc thi KH&CN, ĐMST mỗi năm), ươm tạo (74 dự án khởi nghiệp 2012 - 2023, gọi vốn hơn 2 triệu USD). 
Tuy nhiên, hiện Trường ĐHBK đang gặp một số khó khăn, thách thức như hệ thống chính sách tạo động lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu chưa nhất quán, đồng bộ; tốc độ phát triển công nghệ, tính liên ngành trong nghiên cứu đưa ra các yêu cầu ngày càng cao để thực hiện ĐMST; cơ sở vật chất - hạ tầng kỹ thuật phục vụ nghiên cứu khoa học và ĐMST chưa đáp ứng tốc độ phát triển công nghệ và thị trường... 
Trường ĐHBK đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm như chủ động xây dựng giải pháp khuyến khích thương mại hóa kết quả nghiên cứu; chủ động xây dựng, kết hợp các nghóm nghiên cứu mạnh, tăng cường phát triển hợp tác trong và ngoài nước để các nhóm thực hiện ĐMST; đầu tư, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để phát triển các phòng thí nghiệm có chiều sâu theo giai đoạn, xây dựng cơ chế sử dụng chung; tổ chức đào tạo kiến thức, tư duy và quy trình khởi nghiệp ĐMST cho giảng viên, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và đa dạng người học; xây dựng, phát triển Hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trong dài hạn nhằm hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động ĐMST. 
 
Toàn cảnh Tọa đàm.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ nhiều nội dung nhằm thúc đẩy phát triển ĐMST và CGCN như hợp tác giữa đại học với doanh nghiệp, hợp tác viện/ trường - doanh nghiệp - nhà nước, tháo gỡ cơ chế chính sách, định giá tài sản, xử lý tài sản kết quả đầu ra...

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ.

Lượt xem: 1350

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)