Thứ ba, 30/04/2024 21:44 GMT+7

Xóa bỏ rào cản - Trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực STEM trên toàn cầu

Đó là chủ đề của Hội nghị các nhà khoa học nữ ASEAN - Ấn Độ do Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Singapore (A*STAR) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ, Quỹ nghiên cứu quốc gia Anusandhan (ANF) và Ban Thư ký ASEAN tổ chức tại Singapore từ ngày 24-26/4/2024.

Hội nghị các nhà khoa học nữ ASEAN - Ấn Độ là diễn đàn truyền cảm hứng cho các nhà khoa học nữ chia sẻ về con đường cho phụ nữ tham gia vào lĩnh vực STEM thông qua việc chia sẻ kiến thức khoa học, tháo gỡ rào cản, thúc đẩy quan hệ đối tác và tăng cường hợp tác giữa các nhà khoa học nữ đến từ ASEAN và Ấn Độ.

Hội nghị thu hút hơn 50 đại biểu đến từ 10 nước ASEAN và Ấn Độ. Tham dự Hội nghị, Đoàn Việt Nam có 02 đại diện của Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN (COSTI Việt Nam) cùng 03 nhà khoa học nữ xuất sắc và tham gia vào 03 chủ đề của Hội nghị về Trí tuệ nhân tạo (AI), Y tế và các giải pháp năng lượng bền vững. Sự kiện có ý nghĩa sâu sắc và truyền cảm hứng để trao quyền và tôn vinh phụ nữ trong lĩnh vực STEM.

Toàn cảnh Hội nghị.

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Tiến sĩ Sebastian Kwan, Đại diện của Ban Thư ký ASEAN đã ca ngợi thành tích của các nhà khoa học nữ với tất cả những nỗ lực của họ, nhấn mạnh sức mạnh của sự đoàn kết và đa dạng trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tiến sĩ Nagaboopathy Mohan, Điều phối viên ASEAN của Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ, nhấn mạnh về quan hệ giữa ASEAN và Ấn Độ, khuyến khích các nhà khoa học nữ tăng cường kết nối và hợp tác trong nghiên cứu và phát triển.
Sự kiện bao gồm ba phiên:

* Tại Lễ tôn vinh các nhà khoa học xuất sắc trong lĩnh vực STEM: PGS.TS. Huỳnh Thị Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội đã tham dự và giới thiệu những đột phá khoa học và đổi mới sáng tạo của các nhà khoa học nữ thông qua nghiên cứu của bà về Tối ưu hóa, Học chuyển giao tri thức (Transfer Learning), Tiến hoá đa nhiệm (Multitasking), chia sẻ về những nỗ lực trong việc xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh, kết nối các nhà khoa học trong và ngoài nước.

PGS.TS. Huỳnh Thị Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội trình bày tại Lễ tôn vinh các nhà khoa học xuất sắc trong lĩnh vực STEM.

* Phiên thảo luận của Hội nghị đã diễn ra sôi nổi, khám phá cách giúp các nhà khoa học nữ có thể vượt qua các rào cản hệ thống để tham gia vào lĩnh vực STEM và vai trò quan trọng của các chính sách quốc gia trong việc thúc đẩy phụ nữ nghiên cứu khoa học ở ASEAN và Ấn Độ. PGS.TS. Nguyễn Thị Hiệp, Trưởng khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tham gia vào phiên thảo luận này và chia sẻ con đường phấn đấu của mình trong nỗ lực trở thành nhà khoa học nữ thành công trong lĩnh vực STEM, qua đó truyền sự đam mê với giới trẻ nói chung và nữ giới nói riêng tham gia nghiên cứu khoa học.

PGS. TS. Nguyễn Thị Hiệp, Trưởng Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh trình bày tại phiên thảo luận.

* Tại Phần thi dự án xuất sắc về đổi mới sáng tạo mang lợi ích an sinh xã hội, bà Đỗ Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện COSTI Việt Nam làm thành viên Ban giám khảo.

PGS.TS. Đào Việt Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Nội soi, Đại học Y Hà Nội, Chuyên gia AI trong Y tế đã trình bày về Ứng dụng AI trong nội soi: Con đường mới cho các cơ sở y tế với nguồn lực còn hạn chế. PGS.TS.BS. Đào Việt Hằng khẳng định, qua nghiên cứu đã chứng minh chính những nơi có nguồn lực hạn chế mới nên phát triển dự án AI. Vì ở một cơ sở y tế có máy móc hiện đại, các bác sĩ nội soi có kinh nghiệm thì khả năng bỏ sót tổn thương thấp. Nhưng ở nơi máy móc còn hạn chế, kinh nghiệm bác sĩ còn hạn chế, việc có thêm công cụ hỗ trợ sẽ rất cần thiết để giảm thiểu bỏ sót tổn thương. Cụ thể tại một nước đang phát triển, kinh tế còn khó khăn, có nguồn lực bị hạn chế như Việt Nam thì ứng dụng AI hoàn toàn khả thi và đang hỗ trợ rất nhiều cho công tác khám chữa bệnh. Dự án nhận được sự quan tâm và đồng tình của đại biểu đến từ nhiều nước, trong đó đại diện đến từ COSTI Lào bày tỏ mong muốn những dự án như vậy được chuyển giao và ứng dụng tại Lào, nơi mà máy móc và kinh nghiệm của bác sỹ còn hạn chế, việc có thêm công cụ hỗ trợ vô cùng hữu ích, mang lại lợi ích trực tiếp cho người bệnh.

Bà Đỗ Quỳnh Hoa - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế đại diện COSTI Việt Nam làm thành viên Ban giám khảo.

PGS.TS.BS. Đào Việt Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Nội soi, Đại học Y Hà Nội, Chuyên gia AI trong Y tế đã trình bày tại Phần thi dự án xuất sắc về đổi mới sáng tạo mang lợi ích an sinh xã hội.

Hội nghị các nhà khoa học nữ ASEAN - Ấn Độ mang ý nghĩa thiết thực, tạo cơ hội cho các nữ lãnh đạo và nhà khoa học Việt Nam cũng như các nước thành viên ASEAN và Ấn Độ chia sẻ kinh nghiệm của họ và truyền cảm hứng cho các cô gái và phụ nữ trẻ khác, khuyến khích trao quyền và phát triển khả năng lãnh đạo của phụ nữ vì một tương lai công bằng hơn trong lĩnh vực STEM. Đoàn Việt Nam tham gia đóng góp tích cực và mong muốn tăng cường vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên số ở các lĩnh vực khác nhau, cũng như đề xuất các giải pháp để thu hẹp những khoảng cách về giới đang cản trở sự tham gia của phụ nữ, trẻ em gái trong giáo dục, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Vụ Hợp tác quốc tế.

Lượt xem: 964

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)