Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Vụ ĐTG; lãnh đạo Sở KH&CN TPHCM và đại diện lãnh đạo các sở/ban/ngành thuộc các tỉnh thành khu vực miền Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long; các tổ chức giám định và các doanh nghiệp, đơn vị có liên quan tại khu vực miền Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ ĐTG Nguyễn Hoàng Linh cho biết, Vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế động lực quan trọng và lớn nhất cả nước, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực phía Nam, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
Thời gian qua, thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về KH&CN liên quan đến xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên; giám định chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong dự án đầu tư và cấp Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao, Bộ KH&CN đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành 03 Quyết định gồm: Quyết định số 12/2023/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về cấp Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao; Quyết định số 29/2023/QĐ-TTg ngày 19/12/2023 Thủ tướng Chính phủ về quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên; Quyết định số 33/2023/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 Thủ tướng Chính phủ về quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện giám định chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong dự án đầu tư.
Theo đó, việc tổ chức Hội nghị nhằm hướng dẫn và chia sẻ về việc xác định các dự án đầu tư có hay không sử dụng công nghệ lạc hậu tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên, đồng thời Hội nghị cũng hướng dẫn và thảo luận về các yêu cầu đối với tổ chức giám định, thủ tục chỉ định tổ chức giám định trong hoạt động giám định máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ trong dự án đầu tư phục vụ mục đích của các cơ quan quản lý nhà nước ngành KH&CN…
Ngoài ra, Hội nghị cũng trao đổi về hoạt động cấp Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ, khuyến khích chuyển giao nhằm giúp các doanh nghiệp thực hiện quyền lợi của mình, đặc biệt trong lĩnh vực được ưu đãi đầu tư. Theo thống kê, khu vực phía Nam có khoảng 800 dự án đầu tư dự kiến có nhu cầu cần được gia hạn, chiếm tỷ trọng lớn trên toàn quốc. “Sau khi ban hành chúng tôi nhận thấy sự quan tâm lớn của các địa phương, sở ngành nên mong muốn trao đổi, lắng nghe ý kiến của các đại biểu về việc triển khai 03 Quyết định trên”, Vụ trưởng Nguyễn Hoàng Linh cho biết.
Vụ trưởng Nguyễn Hoàng Linh cho biết, Bộ KH&CN đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành 03 Quyết định liên quan đến gia hạn dự án đầu tư và cấp Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ.
Cũng tại Hội nghị, Giám đốc Sở KH&CN TPHCM Nguyễn Việt Dũng cho biết, theo số liệu báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, TPHCM đã thu hút 1.202 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn 598.3 triệu USD trong tổng số 12.398 dự án FDI còn hiệu lực và năm 2023 có 296 lượt dự án thực hiện điều chỉnh (trong tháng 4/2024 có 63 dự án điều chỉnh). Mặc dù, hiện các địa phương đang tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp; tạo nhiều thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, cá nhân, tổ chức, tuy nhiên vẫn phải chọn lọc các dự án đầu tư công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, dự án đổi mới công nghệ nhằm hạn chế dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Việc tổ chức Hội nghị cũng thể hiện tính cấp thiết đối với TPHCM nói riêng và các địa phương nói chung về cách thức triển khai các thủ tục liên quan đến 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã nêu ý kiến thảo luận về quy định thực hiện xác định công nghệ lạc hậu tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên để làm căn cứ trong việc gia hạn dự án đầu tư; chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp liên quan đến xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên và hoạt động giám định máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ trong dự án đầu tư; cấp Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao…