Thứ tư, 12/06/2024 16:12 GMT+7

Hội nghị Ban bổ trợ Khoa học và Công nghệ lần thứ 60

Ngày 03-13/6/2024 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Bonn, Cộng hoà Liên bang Đức diễn ra Hội nghị lần thứ 60 (SB60) Ban bổ trợ Khoa học và Công nghệ (SBSTA), Ban Bổ trợ thực hiện (SBI) của Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC).
Tham dự Hội nghị, Đoàn Việt Nam có đại diện đến từ các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hội nghị nhằm thúc đẩy triển khai thực hiện các quyết định đã được thông qua tại Hội nghị COP28 tổ chức tại các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) năm 2023 và chuẩn bị cho Hội nghị COP29 được tổ chức vào tháng 11/2024 tại Baku, Azerbaijan.
Toàn cảnh Hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận: Chương trình làm việc UAE về chuyển đổi công bằng (JTWP); Mục tiêu định lượng toàn cầu mới về tài chính khí hậu; Đánh giá nỗ lực toàn cầu (GST); Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cho giai đoạn 2025 - 2035; Mục tiêu toàn cầu về thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đó, về JTWP, các bên tham gia xây dựng hướng dẫn thực hiện JTWP được thiết lập tại COP28. Các quốc gia phát triển và một số quốc gia đang phát triển cho rằng phạm vi của JTWP nên tập trung vào chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi lực lượng lao động. Trong khi hầu hết các nước đang phát triển cho rằng phạm vi JTWP cần bao trùm cả 3 trụ cột xã hội, kinh tế, môi trường và phải kèm theo nguồn lực thực hiện trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có sự lựa chọn phù hợp và khả năng đáp ứng của từng quốc gia. Về nội dung này, đại diện đoàn Việt Nam đề nghị nhấn mạnh các cách tiếp cận đối với chuyển đổi công bằng dựa trên các ưu tiên phát triển do quốc gia tự quyết định; để nghị sửa “đối thoại xã hội - Social Dialog” thành tham vấn thường xuyên với các bên liên quan; nêu chi tiết hơn về các phương tiện thực hiện để phù hợp với nhu cầu của các nước đang phát triển như tăng cường hỗ trợ tài chính, đặc biệt là tài chính công và giá rẻ, tăng cường tiếp cận công nghệ sạch và nâng cao năng lực.
Đại diện đoàn Việt Nam tham gia phát biểu tại Hội nghị.
Đối với mục tiêu toàn cầu mới về tài chính khí hậu - một trong những trọng tâm của hội nghị COP29 nhằm thảo luận mức huy động tài chính khí hậu hằng năm từ các quốc gia phát triển cho ứng phó với biến đổi khí hậu tại các quốc gia đang phát triển, Hội nghị cho biết mức đóng góp mới từ 2025 trở đi sẽ từ mức sàn 100 tỷ USD trên cơ sở nhu cầu và ưu tiên của các nước đang phát triển. SB60 đang xây dựng dự thảo tài liệu đàm phán bao gồm mục tiêu, thành phần định lượng và cấu trúc của nguồn tài chính để thông qua tại Hội nghị COP29; đồng thời, tổ chức Đối thoại Sham el-Sheikh về điều chuyển dòng tài chính và các vấn đề liên quan tới Quỹ thích ứng.
Toàn cảnh một phiên họp của SBSTA lần thứ 60.
Về GST, SB60 tập trung thảo luận về phạm vi đối thoại hằng năm triển khai kết quả GST lần thứ nhất. Về NDC giai đoạn mới, các quốc gia tập trung thảo luận cách thức nâng mục tiêu trong NDC, đảm bảo các mục tiêu đó được thực hiện một cách minh bạch và gắn kết NDC với các mục tiêu dài hạn của từng quốc gia. Bên cạnh đó, đối với mục tiêu toàn cầu về thích ứng biến đổi khí hậu, các quốc gia tập trung thảo luận các giải pháp đảm bảo nguồn lực cho các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu. 
Đối với những nội dung trên, phía đại diện đoàn Việt Nam đã đề xuất tài liệu cần đảm bảo đối thoại UAE là khung để các bên thảo luận việc thực hiện kết quả GST; xác định khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ trong việc thực hiện NDC; khẳng định việc cung cấp tài chính từ các nước phát triển để thực hiện các mục tiêu có điều kiện trong NDC là chìa khóa để thực hiện các mục tiêu về giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu hướng tới mục tiêu tăng 1,5 độ C (giai đoạn đến năm 2050).
Tại Hội nghị, các đại biểu của đoàn Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia, trao đổi và thống nhất các nội dung Việt Nam cần nêu ý kiến trong các phiên đàm phán kỹ thuật có liên quan và có nhiều buổi làm việc song phương với các đối tác.
Các đóng góp cụ thể của Việt Nam tại các phiên họp toàn thể, phiên họp kỹ thuật đã được Ban điều hành và các đại biểu tham gia ghi nhận. Cuộc họp SB60 sẽ tiếp tục thảo luận xây dựng các dự thảo quyết định để trình xem xét, thông qua tại Hội nghị COP29 vào cuối năm 2024.
Đoàn Việt Nam thảo luận chuẩn bị ý kiến tham gia các phiên họp.
Hội nghị SB60 là sự kiện quốc tế lớn và quan trọng, được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, tác động ngày càng nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của các nước và sinh kế của người dân; đòi hỏi các quốc gia hành động khẩn trương, mạnh mẽ và tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp hành động để đạt được mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris. Bộ Khoa học và Công nghệ sẵn sàng tạo điều kiện, chủ động phối hợp với Phái đoàn thường trực Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành có liên quan trong lĩnh vực biến đổi khí hậu nhằm hội nhập quốc tế đa phương và nâng cao vị thế của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế.
 

Nguồn: Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên

Lượt xem: 953

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)