Chủ nhật, 23/06/2024 21:12 GMT+7

Bến Tre nâng cao chuỗi giá trị đặc sản địa phương bằng chỉ dẫn địa lý

Việc tạo lập, bảo hộ xác lập quyền Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) 9 sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre không chỉ mang lại giá trị cao hơn cho nông sản xuất khẩu mà còn đem đến những hiệu quả rõ nét cho sản phẩm ngay tại thị trường trong nước.
9 sản phẩm được bảo hộ CDĐL
Bến Tre là tỉnh nằm cuối nguồn sông Cửu Long, tiếp giáp với biển Đông và các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, là một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cung cấp lương thực, thực phẩm cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Địa lý Bến Tre với những đặc thù riêng, được thiên nhiên ban tặng những lợi thế, góp phần hình thành nên những đặc sản danh tiếng cho Vùng.
Đến nay, toàn tỉnh có 9 sản phẩm được bảo hộ CDĐL “Bến Tre” là: dừa xiêm xanh, bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng, xoài tứ quý, gạo Nàng keo, cua biển, tôm càng xanh và nghêu. Bến Tre trở thành địa phương dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và thuộc top đầu cả nước về số lượng CDĐL được xây dựng thành công.
Dừa xiêm “Bến Tre” được cấp CDĐL.
Năm 2018, tỉnh mới chỉ có 2 sản phẩm đầu tiên được cấp chứng nhận CDĐL là dừa xiêm xanh và bưởi da xanh. Các sản phẩm được mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó có Mỹ và Trung Quốc. Đây cũng là 2 sản phẩm được tỉnh đặc biệt quan tâm mời gọi doanh nghiệp đăng ký xây dựng mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ, Trung Quốc…
Năm 2020, sầu riêng là sản phẩm thứ 3 của tỉnh được cấp CDĐL “Bến Tre”. Đây là một trong những sản vật tiêu biểu nhất của vùng Chợ Lách. Mặc dù diện tích trồng không lớn, khoảng hơn 2.200 ha, nhưng sầu riêng Bến Tre nổi tiếng thơm ngon, được nhiều người trong và ngoài nước ưa chuộng. Sản phẩm sầu riêng mang CDĐL gồm: Monthong và Ri6. Hai giống này có vai trò chủ đạo, chiếm khoảng 90% về diện tích, sản lượng sầu riêng toàn tỉnh.
Sau trái sầu riêng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan khẩn trương xây dựng, tạo lập và đăng ký CDĐL “Bến Tre” cho tôm càng xanh và cua biển. Tôm càng xanh được cấp chứng nhận CDĐL “Bến Tre” vào năm 2021. Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển CDĐL “Bến Tre” dùng cho sản phẩm tôm càng xanh” là một trong các nhiệm vụ KH&CN trọng tâm, nhằm triển khai kế hoạch hành động phát triển ngành tôm tỉnh đến năm 2025. Toàn bộ diện tích “Cua biển Bến Tre” được nuôi theo phương thức quảng canh. Tại huyện Thạnh Phú, cua biển có thể được nuôi xen với tôm hoặc cá trong ruộng lúa, rừng ngập mặn, hoặc trong các ao/đầm. Trong đó, nuôi cua biển trong vuông tôm là cách làm truyền thống đã có từ nhiều năm qua và cho thêm thu nhập từ 10-15 triệu đồng/ha/năm.
CDĐL “Bến Tre” cho tôm càng xanh.
Xoài tứ quý được cấp CDĐL Bến Tre vào năm 2022. Để quản lý và khai thác hiệu quả CDĐL, Bến Tre đã xây dựng các mối liên kết giữa hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp; xây dựng mã số vùng trồng xoài xuất khẩu; hỗ trợ tư vấn chứng nhận VietGAP cho nông dân tại 2 xã Thạnh Phong, Thạnh Hải (Thạnh Phú). Đến nay, đã xây dựng thành công quy trình chế biến và bảo quản 3 sản phẩm từ xoài tứ quý là xoài sấy dẻo, nước uống xoài và bột xoài. Đồng thời, chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất và ứng dụng hiệu quả mô hình thiết bị chế biến và bảo quản, phát triển các sản phẩm từ xoài tứ quý cho Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú.
Chôm chôm Java, Gạo Nàng keo Thạnh Phú và nghêu “Bến Tre” là các sản phẩm tiếp theo của Bến Tre được cấp CDĐL, nâng tổng số CDĐL của Bến Tre lên nhóm dẫn đầu cả nước. 
Giống lúa Nàng keo là giống lúa mùa cổ truyền được người dân trồng và gìn giữ từ hàng trăm năm. Do có tính chịu mặn cao, lúa Nàng keo rất thích hợp với mô hình lúa tôm ở các vùng đất ven biển nơi đất bị ngập nước khi thủy triều lên hoặc bị xâm ngập mặn và mô hình canh tác lúa tôm đang trở thành phương thức canh tác thông minh để thích ứng với biến đổi khí hậu. Người trồng lúa Nàng keo không sử dụng phân bón hóa học, chủ yếu dùng phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng, chế phẩm sinh học và các loại phân ủ từ các sản phẩm tự nhiên (tép ủ...). Có 3 sản phẩm từ con nghêu được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bến Tre đăng ký bảo hộ CDĐL, gồm: nghêu tươi (nghêu sống), nghêu nguyên con hấp chín đông lạnh, thịt nghêu hấp chín đông lạnh. Không chỉ ở trong nước, nghêu “Bến Tre” là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam, cũng là sản phẩm thủy sản đầu tiên của Đông Nam Á được cấp Chứng nhận MSC do Hội đồng Quản lý biển (Marine Stewardship Council) cấp cho “một đơn vị nghề cá” khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Cơ hội bảo hộ CDĐL tại nước ngoài
Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản Việt Nam gắn với bảo hộ CDĐL đã và đang trở thành một định hướng quan trọng nhằm nâng cao giá trị, khẳng định thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế.
Theo Giám đốc Sở KH&CN Bến Tre Lâm Văn Tân, bên cạnh 9 sản phẩm đã được chứng nhận, Bến Tre tiếp tục triển khai đăng ký xác lập quyền bảo hộ CDĐL cho các sản phẩm dừa công nghiệp, tôm thẻ, bò và gà; bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận mang CDĐL “Bến Tre” cho sản phẩm bưởi da xanh, dừa xiêm xanh, sầu riêng tại Canada và Trung Quốc. Như vậy, đến nay, Bến Tre đã và đang xây dựng 13 CDĐL, là tỉnh dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và thuộc top đầu cả nước. Điều này đã tạo nên điểm khởi đầu mới cho vùng đất cù lao trên cuộc hành trình dài sắp tới, với kỳ vọng tạo đột phá mới cho kinh tế nông nghiệp.
Trong khuôn khổ Hội nghị giao ban KH&CN Vùng ĐBSCL lần thứ 27 tại tỉnh Bến Tre, Cục SHTT; Sở KH&CN tỉnh Bến Tre đã công bố tạo lập, bảo hộ xác lập quyền CDĐL cho một số sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre.
Theo ông Trần Ngọc Tam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, CDĐL khẳng định lợi thế riêng của địa phương trong phát triển và quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm nông nghiệp đặc sản. Bên cạnh đó, việc duy trì chất lượng sản phẩm mang CDĐL tại Bến Tre được xem là công cụ quan trọng bảo đảm chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng. CDĐL không chỉ mang lại giá trị cao hơn cho nông sản tại thị trường trong nước mà còn đẩy mạnh xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục SHTT (Bộ KH&CN) cho biết, bảo hộ CDĐL đã được chứng thực trên thực tế có tác dụng gia tăng giá trị và uy tín của nhiều sản phẩm. Để được bảo hộ CDĐL, các sản phẩm phải có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính mà chủ yếu là do điều kiện địa lý mang lại, để các sản phẩm được bảo hộ CDĐL nổi bật hơn, thậm chí có giá trị hơn so với các sản phẩm tương tự trên thị trường. Mặt khác, việc áp dụng bảo hộ CDĐL còn giúp ngăn ngừa và chống lại các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, làm mất đi giá trị và danh tiếng của sản phẩm mang CDĐL.
Đặc biệt, một số sản phẩm gắn CDĐL cũng đã được đẩy mạnh xuất khẩu và bảo hộ CDĐL ở nước ngoài như thanh long Bình Thuận, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang)... Đây cũng là động lực cho người dân thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô thương mại. Bởi vậy, CDĐL là công cụ hữu hiệu để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt ra nước ngoài.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Bảy, điểm đặc biệt của cam kết về CDĐL theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) là ngoài cam kết về các tiêu chí liên quan đến hệ thống đăng ký CDĐL, các bên còn cam kết bảo hộ một danh mục các CDĐL gồm 169 CDĐL của EU được bảo hộ tại Việt Nam và 39 CDĐL của Việt Nam được bảo hộ tại EU. Mức độ bảo hộ dành cho các CDĐL này tương ứng với mức độ bảo hộ chỉ dành cho rượu vang và rượu mạnh trong Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền SHTT  (Hiệp định TRIPS) cũng như Luật SHTT hiện hành. 
Vì vậy, việc ký kết và thực thi Hiệp định EVFTA sẽ mang lại cơ hội cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi 39 CDĐL của Việt Nam (phần lớn là nông sản) được bảo hộ tự động tại EU - thị trường xuất khẩu quan trọng với 28 thành viên. Việc này không chỉ bảo đảm quyền đối với các CDĐL dùng cho nông sản Việt Nam vốn đã có mặt trên thị trường EU từ lâu mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường cho các đặc sản khác đã được cấp CDĐL.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các vùng, miền phát triển các đặc sản của địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 về Chiến lược SHTT đến năm 2030; Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 về Chương trình phát triển TSTT đến năm 2030; Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 về Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ KH&CN, các Sở KH&CN, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh đã phối hợp triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển TSTT. Nhờ đó, số lượng sản phẩm được bảo hộ thương hiệu cộng đồng ngày càng tăng nhanh. Sau bảo hộ nhiều sản phẩm đã được khai thác và phát triển thương mại để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 524

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)