Thứ hai, 19/08/2024 06:10 GMT+7

Phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ trong thời đại công nghệ số

Liên hợp thư viện về nguồn tin khoa học và công nghệ (KH&CN) đã không ngừng phát triển và lớn mạnh, tập hợp nguồn lực của các cơ quan thông tin, thư viện trong cả nước để tăng cường năng lực đàm phán bổ sung các nguồn tin KH&CN quốc tế và chia sẻ các nguồn tin nội sinh. Hoạt động của Liên hợp thư viện về nguồn tin KH&CN (Liên hợp) góp phần quan trọng vào việc triển khai Luật KH&CN, Luật Thư viện, Đề án "Phát triển nguồn tin KH&CN phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định tại Hội nghị lần thứ 21 Liên hợp thư viện Việt Nam về nguồn tin KH&CN.

Phát biểu khai mạc, ông Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia, Chủ tịch Liên hợp cho biết: Trong 20 năm qua, Liên hợp đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp tăng cường năng lực, tiềm lực thông tin cho các cơ quan thông tin - thư viện, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả kinh phí bổ sung nguồn tin KH&CN, phục vụ hiệu quả cho cộng đồng nghiên cứu và đào tạo, góp phần thực hiện yêu cầu chuyển đổi số ngành thư viện hiện nay. Đặc biệt, qua 20 kỳ hội nghị toàn quốc được tổ chức, Liên hợp đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo nguồn tin KH&CN cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, giáo dục đào tạo, đổi mới sáng tạo và tăng cường năng lực thông tin cho các cơ quan thông tin thư viện Việt Nam.

 
Ông Trần Đắc Hiến phát biểu khai mạc Hội nghị.

Báo cáo kết quả hoạt động của Liên hợp thời gian qua, ông Đào Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia cho biết: Năm 2004, Liên hợp được thành lập trên cơ sở tự nguyện với 26 thành viên. Sau 20 năm, số lượng các đơn vị tham gia hưởng ứng Liên hợp đã tăng lên gần 100 đơn vị, hằng năm trên 40 đơn vị tham gia đóng góp kinh phí mua các cơ sở dữ liệu KH&CN dùng chung trong khuôn khổ Liên hợp.


Ông Đào Mạnh Thắng trình bày báo cáo kết quả hoạt động của Liên hợp.

Liên hợp đã thống nhất tiếp tục phối hợp bổ sung cơ sở dữ liệu (CSDL) ProQuest Central. Đây là CSDL đa lĩnh vực, bao gồm 25 CSDL đa ngành, xử lý trên 19.000 tạp chí, trong đó hơn 13.000 tạp chí toàn văn. Dữ liệu của Proquest Central bao quát trên 160 lĩnh vực chủ đề khác nhau thuộc các ngành khoa học nòng cốt như: Kinh tế - kinh doanh, Y học, Công nghệ, Khoa học xã hội… Ngoài ra, Proquest Central còn cung cấp toàn văn của 56.000 luận văn trong các lĩnh vực tâm lý học, kinh doanh, khoa học vật lý, y tế, giáo dục… và đưa ra các thông tin về kinh tế, kinh doanh thông qua các báo cáo từ hàng trăm ngành công nghiệp tại 90 quốc gia, cung cấp 43.000 hồ sơ doanh nghiệp, thu thập trên 1.000 tài liệu hội nghị và 1.300 tờ báo quốc tế, bao gồm cả những tờ báo hàng đầu của Mỹ như The Wall Street Journal…

Hoạt động khai thác, sử dụng CSDL ScienceDirect (là CSDL điện tử đa ngành đa lĩnh vực, chất lượng cao của nhà xuất bản Elsevier) tăng nhanh từ năm 2021, khi Bộ KH&CN mua quyền truy cập từ 8 lên 23 chủ đề (gói Freedom Collection). Số bài tải về tăng nhanh dẫn tới chi phí cho một bài giảm xuống, từ 2,31 USD năm 2016 xuống còn 1,29 USD năm 2022. Số lượng và chất lượng các công bố quốc tế của những đơn vị khai thác, sử dụng ScienceDirect cũng tăng cao trong giai đoạn trên 2016-2023.

Từ năm 2011, Cục Thông tin KH&CN quốc gia đã chính thức chia sẻ miễn phí với các thành viên Liên hợp 2 nguồn tin điện tử là CSDL công bố khoa học trong nước và CSDL nhiệm vụ KH&CN các cấp.
Thời gian qua, Cục Thông tin KH&CN quốc gia đã xây dựng Hệ thống quản lý và chia sẻ dữ liệu nghiên cứu KH&CN dùng chung. Hệ thống được xây dựng trên nền tảng trực tuyến sử dụng công nghệ dữ liệu lớn (BigData) cho phép các cá nhân, tổ chức hoạt động KH&CN chia sẻ các dữ liệu hình thành trong quá trình nghiên cứu KH&CN. Các thành viên Liên hợp được cấp tài khoản để chia sẻ và sử dụng dữ liệu dùng chung của hệ thống.


Toàn cảnh Hội nghị.

Ngoài ra, trong năm 2023-2024, Cục Thông tin KH&CN quốc gia phối hợp với các đơn vị thành viên nòng cốt tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn giới thiệu CSDL dùng chung của Liên hợp Thư viện cho cộng đồng nghiên cứu và hướng dẫn các kỹ năng viết, đăng bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế có uy tín, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác nguồn tin KH&CN phục vụ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và tăng cường số lượng, chất lượng các công bố khoa học của Việt Nam.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Lê Xuân Định chúc mừng thành tựu mà Liên hợp đã đạt được trong 20 năm qua. Dưới sự bảo trợ của Bộ KH&CN, Liên hợp đã không ngừng phát triển và lớn mạnh, tập hợp nguồn lực của các cơ quan thông tin, thư viện trong cả nước để tăng cường năng lực đàm phán bổ sung các nguồn tin KH&CN quốc tế và chia sẻ các nguồn tin nội sinh. Hiện nay, hoạt động của Liên hợp tập trung chủ yếu vào việc cùng nhau phối hợp mua chung các CSDL quốc tế để tiết kiệm chi phí, chia sẻ các nguồn tin nội sinh và tổ chức hội thảo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ thư viện và hướng dẫn người dùng tin. CSDL Proquest được mua trong khuôn khổ Liên hợp trong nhiều năm và CSDL ScicenceDirect mua cho nhóm 7+1 (Cục Thông tin KH&CN quốc gia và 07 Đại học lớn nhất cả nước) đã chứng minh được giá trị sử dụng và đóng góp cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu tại các đơn vị thụ hưởng.


Thứ trưởng Lê Xuân Định phát biểu kết luận Hội nghị.

Để phát triển Liên hợp giai đoạn đến năm 2030, Thứ trưởng Lê Xuân Định đề nghị Cục Thông tin KH&CN quốc gia cùng các đơn vị thành viên tập trung nghiên cứu và triển khai một số nội dung: Nghiên cứu đề xuất triển khai cơ chế phối hợp bổ sung các CSDL quốc tế cho các đơn vị thành viên trên cơ sở tăng cường xã hội hóa, giảm sự phụ thuộc vào cơ quan bảo trợ (Bộ KH&CN); Tiếp tục phổ biến và thúc đẩy sử dụng các nền tảng Openscience.vn và V-Compas (là công cụ trực tuyến chạy trên nền tảng dữ liệu lớn) tại các đơn vị thành viên Liên hợp; Triển khai thí điểm Hệ thống định danh cán bộ nghiên cứu (RID) kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại các đơn vị thành viên Liên hợp, làm cơ sở để xây dựng hệ thống CSDL quốc gia về KH&CN trong thời gian tới; Nghiên cứu các giải pháp xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, trong đó bao gồm các dịch vụ kỹ thuật số tích hợp trợ giúp cho các nhà nghiên cứu trong toàn bộ chu trình nghiên cứu từ khâu hình thành ý tưởng cho tới khi công bố kết quả nghiên cứu và quảng bá hậu công bố.


Các đại biểu tham dự Hội nghị.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 191

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)