Thứ ba, 17/09/2024 14:32 GMT+7

Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ và ngập lụt cho các địa phương thuộc khu vực Nam Trung Bộ

Nhằm xây dựng các cấp độ rủi ro và hệ thống nghiệp vụ cảnh báo các cấp độ rủi ro do lũ lụt cho lưu vực sông Kôn - Hà Thanh đáp ứng yêu cầu phòng tránh thiên tai, ThS. Nguyễn Văn Lý cùng nhóm nghiên cứu tại Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ (NTB) thực hiện Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ và ngập lụt cho các địa phương thuộc khu vực NTB. Áp dụng thí điểm cho lưu vực sông Kôn-Hà Thanh”.
Sau thời gian nghiên cứu, Đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Đề tài đã nghiên cứu được cơ sở khoa học và thực tiễn xác định cấp độ rủi ro do ngập lụt hạ lưu các sông khu vực NTB. Đã phân tích và lựa chọn phương pháp xác định cấp độ rủi ro dựa trên quan điểm của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC). Sử dụng phương pháp điều tra bằng phiếu theo hình thức điền phiếu đến người dân và cán bộ xã.
Áp dụng thử nghiệm chi tiết cấp độ rủi ro do ngập lụt hạ lưu sông Kôn - Hà Thanh phục vụ cảnh báo trong công tác nghiệp vụ dự báo thủy văn nguy hiểm. Đã xây dựng bản đồ chi tiết cấp độ rủi ro đến cấp xã và chi tiết theo cấp mực nước một khoảng 20cm từ cấp báo động 2 tại trạm thủy văn Thạnh Hòa đến lũ tần suất 0,05%. Kết quả chi tiết như trên sẽ phát huy hiệu quả cao khi ứng dụng bản đồ chi tiết cấp độ rủi ro ngập lụt trong công tác cảnh báo và phòng chống ứng phó vùng hạ lưu sông Kôn - Hà Thanh.
Kết quả chi tiết cấp độ rủi ro do ngập lụt dựa trên cơ sở khoa học của các công trình nghiên cứu và các tổ chức có uy tín; đồng thời dựa trên Quyết định 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ và đặc thù của các địa phương thuộc khu vực NTB để xây dựng bản đồ chi tiết cấp độ rủi do ngập lụt phù hợp với đặc thù từng địa phương.
Sử dụng công thức cộng theo quan điểm của IPCC phù hợp với thực tế hơn so với công thức nhân khi nghiên cứu xác định chỉ số rủi ro do ngập lụt ở khu vực NTB. Sử dụng phương pháp AHP (phương pháp phân tích thứ bậc) để xác định trọng số trong công thức cộng có tính khách quan và đánh giá được mức độ ảnh hưởng của từng thành phần trong công thức, từ đó xác định được chỉ số rủi ro phù hợp với thực tế.
Các dữ liệu sử dụng xác định bộ chỉ số rủi ro được số hóa trên bản đồ và tính toán theo các phương pháp đã được lựa chọn bằng công nghệ GIS (công cụ dùng để thu thập, quản lý và phân tích dữ liệu từ không gian địa lý) cho kết quả trực quan, chi tiết và độ chính xác cao. Phương pháp chống chập bản đồ và cài đặt phương pháp tính toán với càng nhiều lớp thông tin, trường dữ liệu thì cho kết quả càng chi tiết.
Toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19308/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
 

Nguồn: Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia

Lượt xem: 227

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)