Thứ năm, 05/12/2024 09:05 GMT+7

Điện hạt nhân: Một giải pháp trong chiến lược chuyển đổi năng lượng của Việt Nam

Phát triển điện hạt nhân không chỉ để giải quyết bài toán năng lượng mà còn góp phần xây dựng những tiềm lực mới cho Việt Nam trong tương lai.
 
Đại diện Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Bộ KH&CN trao đổi về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân vào năm 2014.
 
Khi chủ đề điện hạt nhân nóng trở lại trong các cuộc thảo luận trên nghị trường sau tám năm vắng bóng, người ta chợt nhận ra nhiều ưu điểm vượt trội của điện hạt nhân bên cạnh ưu điểm của những nguồn năng lượng truyền thống và tái tạo. Dường như điện hạt nhân là một giải pháp mà Việt Nam đang cần trong một chiến lược cho chuyển đổi năng lượng và đưa phát thải về không, giải pháp mà ngay cả nhiều quốc gia phát triển trên thế giới cũng đang áp dụng hay bắt đầu quay trở lại.
 
Sau các phiên thảo luận ở Quốc hội, điện hạt nhân cũng là một trong ba chủ đề lớn được nêu trong Hội nghị BCH Trung ương Đảng khóa XIII. Thông cáo báo chí của hội nghị, phát ngày 25/11/2024, đã nhấn mạnh vào quan điểm về Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam: cơ bản thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu Chương trình điện hạt nhân nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực KHCN và phát triển bền vững đất nước. Đó là cơ sở để nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam, trước mắt tiếp tục nghiên cứu Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
 
Con đường trở lại với điện hạt nhân, cụ thể là dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, đã rộng mở, đồng thời hứa hẹn một tương lai năng lượng hỗn hợp, linh hoạt và bền vững trong tương lai cho Việt Nam.
 
Một cơ cấu năng lượng mới
 
Tại nhiều hội thảo về năng lượng, các chuyên gia trong và ngoài ngành năng lượng đều thống nhất quan điểm: năng lượng là một trục quan trọng của phát triển kinh tế và xã hội, năng lượng phải đi trước một bước… Không ai nghi ngờ vào điều này nhưng chưa có nhiều người đưa ra đáp án thuyết phục về một cơ cấu năng lượng hỗn hợp, đa lớp và bền vững mới để phục vụ cho những yêu cầu lớn của một quốc gia phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5 - 7,5%/năm giai đoạn 2031 – 2050 và chuyển đổi xanh, bền vững đạt mức phát thải ròng về không.
 
Việc xác định được một cơ cấu năng lượng hợp lý là vấn đề của mọi nền kinh tế như Đài Loan, Nhật Bản...
 
Ông Chun-Li Lee, Phó tổng Giám đốc Cục Năng lượng, Bộ Kinh tế (Đài Loan), được Thời báo kinh tế Sài Gòn dẫn lời từ một cuộc họp báo tổ chức vào tháng 10/2024, đã cho biết, hai vấn đề cốt lõi của chuyển đổi năng lượng của Đài Loan là đa dạng hóa nguồn năng lượng xanh và tăng cường các giải pháp lưu trữ năng lượng. Trong nguồn năng lượng năm 2022 của họ có 79,6% là nhiên liệu hóa thạch (43,4% khí thiên nhiên, 34,8% than, 1,4% dầu mỏ, 1,4% đồng phát), 9,1% điện hạt nhân, 8,6% năng lượng tái tạo và 1,2% khí hydro.
 
Nhật Bản, quốc gia chịu nhiều tác động của tình trạng thiếu hụt năng lượng, ngay từ năm 2018 đã đảo chiều tình trạng này bằng việc thiết lập Chương trình năng lượng lần thứ 5, hướng tới một cấu trúc cung cầu năng lượng đa lớp, đa dạng và linh hoạt (multilayered and diversified flexible energy supply-demand structure). Đó là cơ sở để cơ cấu điện năng của Nhật Bản vào năm 2030 là khí thiên nhiên 27%, điện than 26%, năng lượng tái tạo 24%, điện hạt nhân 22%, dầu mỏ 1%.
 
Quyết định của Nhật Bản hay Đài Loan cho thấy cơ cấu năng lượng hỗn hợp là một giải pháp hữu hiệu cho một nền kinh tế đói khát nguồn năng lượng bền vững, tin cậy và giá cả hợp lý, đặc biệt với các ngành công nghiệp chủ lực như chế biến chế tạo, bán dẫn... Theo phân tích của Statista, một nền tảng dữ liệu toàn cầu về các ngành công nghiệp, trong năm 2023, nhà sản xuất bán dẫn Đài Loan TSMC đã vượt qua nhiều công ty bán dẫn khác như Micron và Intel về lượng điện tiêu thụ với khoảng 25.000 gigawatt giờ điện, nghĩa là chiếm khoảng 8,9% tổng lượng điện tiêu thụ của Đài Loan và tương đương với lượng điện của toàn bộ thành phố quy mô 1,65 triệu dân Phoenixa, bang Arizona (Mỹ).
 
Dĩ nhiên, việc xác định một cơ cấu năng lượng phù hợp là một bài toán khó. TS. Hannah Ritchie và TS. Pablo Rosado của tổ chức khoa học Our World In Data cho rằng “ngày nay khi nghĩ về các cơ cấu năng lượng hỗn hợp, chúng tôi nghĩ về một phạm vi đa dạng các nguồn cung – nhiệt điện than, dầu mỏ, khí thiên nhiên hóa lỏng, thủy điện, điện hạt nhân, điện Mặt trời, gió và nhiên liệu sinh học…”. Cơ cấu năng lượng hỗn hợp có thể rất đa dạng theo quy mô vùng, quốc gia, thời kỳ phát triển, và phụ thuộc vào nhu cầu năng lượng, các nguồn cung sẵn có, sự lựa chọn của chính sách năng lượng, ví dụ điện hạt nhân chiếm 70% tổng nguồn năng lượng Pháp nhưng trung bình toàn cầu thì chỉ chiếm 10%. Với các quốc gia giới hạn các nguồn năng lượng, việc lựa chọn một cơ cấu hỗn hợp vừa giúp họ tối ưu các nguồn cung sẵn có và có kế hoạch chuẩn bị các nguồn cung bổ sung mà vẫn có thể giảm phát thải khí nhà kính.
 
Việt Nam trong những năm gần đây quay cuồng với bài toán năng lượng, đảm bảo cung ứng nhu cầu điện năng sản xuất và sinh hoạt, ví dụ có những thời điểm nắng nóng, nhu cầu điện năng lên tới đỉnh điểm khiến sản lượng điện tiêu thụ toàn quốc lần đầu đạt đỉnh 1.0019 tỷ kWh trong ngày 28/5/2024. Nhìn về tương lai chịu tác động biến đổi khí hậu với những đợt hạn hán, những đợt sóng nhiệt diễn ra với tần suất ngày một dày hơn, thời gian xuất hiện dài hơn, tính chất khốc liệt hơn và cũng bất thường hơn, Việt Nam có thể còn phải đương đầu với những cột mốc tiêu thụ điện năng mới.
 
Tại hội thảo hợp tác Việt Nam - Pháp về thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam vào tháng 7/2024, Phó tổng Giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh chia sẻ, trong giai đoạn 10 năm (2011-2020), nhu cầu điện năng của Việt Nam tăng trưởng bình quân gần 10%/năm, trong đó mức sử dụng than tăng khoảng 16%/năm, và sử dụng sản phẩm dầu tăng 8,7%/năm. EVN dự báo, nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tăng gấp ba lần trong vòng 10 năm tới, với mức tăng trung bình là 12%/năm.
 
Nếu nhìn vào cơ cấu năng lượng của Việt Nam, theo thông cáo báo chí của EVN vào tháng 12/2023, có thể thấy để đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt, thủy điện và nhiệt điện than đã phải chạy hết công suất, với nhiệt điện than chiếm tỷ trọng 33,2%, thủy điện (bao gồm thủy điện nhỏ) 28,4%, bên cạnh các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện Mặt trời) 27%. “Trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp”, ông Hoàng Việt Dũng, Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) được báo chí dẫn lời từ một cuộc họp tháng 10/2023. Với cơ cấu năng lượng này, ông cho biết phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng chiếm khoảng 67,7% năm 2020 và được dự báo sẽ chiếm khoảng 73,1% năm 2030 và 79,7% năm 2050 theo kịch bản.
 
Quan điểm trở lại với điện hạt nhân của BCH Trung ương Đảng khóa VIII đem lại một sinh khí mới cho cơ cấu năng lượng Việt Nam: thủy điện, điện hạt nhân, điện than sẽ trở thành nguồn điện phụ tải nền hoạt động một cách ổn định và tin cậy, giữ an toàn lưới điện bên cạnh điện gió và điện Mặt trời, những nguồn điện phụ thuộc vào các nguồn lực tự nhiên, hoạt động theo chu kỳ như gió, Mặt trời. Sự hiện diện của điện hạt nhân không chỉ góp phần làm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch như điện than mà còn góp phần làm tăng giảm phát thải khí nhà kính. Năm 2022, châu Âu đã nhất trí xếp hạt nhân vào danh sách các nguồn năng lượng tái tạo.
 
Điện hạt nhân hứa hẹn gì cho Việt Nam?
 
Với việc nghiên cứu trở lại chương trình điện hạt nhân và trước mắt là Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội mới, không chỉ hứa hẹn bổ sung một nguồn năng lượng tin cậy và bền vững mà còn có thêm một giải pháp trong thời kỳ chuyển đổi từ phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch. “Điện hạt nhân, được biết đến với vết carbon thấp và sinh năng lượng tin cậy, đã xuất hiện như một nhân vật chính trong thời kỳ quan trọng này”, ông Henri Paillere, người phụ trách bộ phận nghiên cứu về quy hoạch và kinh tế của IAEA, trao đổi như vậy trong Diễn đàn Khoa học IAEA: Những đổi mới sáng tạo hạt nhân cho Net Zero.
 
Trong khi vấn đề điện hạt nhân ở Việt Nam được lật lại trong khuôn khổ Hội nghị BCH Trung ương Đảng khóa XIII thì ở Baku, Azerbaijan, điện hạt nhân cũng được đặt vào tâm điểm của Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP29), nơi các nguyên thủ quốc gia và ngành công nghiệp cùng trình bày những kế hoạch để sử dụng các công nghệ năng lượng phi carbon, xây dựng nó trên sự đồng thuận. Việc phải đạt được các mục tiêu giải carbon toàn cầu vào năm 2050 đòi hỏi sự mở rộng công suất điện hạt nhân. Danh sách 20 quốc gia đã cam kết đưa công suất điện hạt nhân lên gấp ba ở COP28 đã được bổ sung thêm nhiều quốc gia mới. Khả năng khử carbon của điện hạt nhân đã được chứng thực khi UAE trong vòng năm năm qua đã đầu tư vào năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân, đặc biệt nhà máy điện hạt nhân Barakah vận hành thương mại vào năm 2021, góp phần giải carbon một phần tư hệ thống điện năng quốc gia này.
 
Nếu được khởi động trở lại đầu tiên, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 với đối tác Nga sẽ là cơ sở điện hạt nhân của Việt Nam. Theo kế hoạch trước đây, công suất định danh của bốn lò phản ứng năng lượng sẽ vào khoảng 4000 MW. Xét về công suất điện năng từ nhà máy này với tổng nhu cầu năng lượng của Việt Nam thì đây cũng là một con số không lớn nhưng sự hiện diện của nó nói lên nhiều điều. Bởi lẽ, năng lượng hạt nhân là một công nghệ đặc biệt. “Điện hạt nhân có một vai trò rất quan trọng bởi điện hạt nhân không chỉ là nguồn điện ổn định, tin cậy nhất để đảm bảo công suất chạy nền cho cả một hệ thống điện quốc gia mà còn là bài toán mở về tiềm lực quốc gia, là ngành công nghiệp quan trọng”, TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, trao đổi vào năm 2021.
 
Về bản chất, công nghệ hạt nhân là một công nghệ liên ngành, đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau như các ngành khoa học cơ bản, ngành cơ khí chế tạo, tự động điều khiển, vật liệu thép hợp kim, hóa công nghiệp, công nghệ thông tin… Những yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn, chất lượng của công nghệ hạt nhân và các công nghệ liên quan trong một nhà máy hạt nhân không chỉ đòi hỏi năng lực của các ngành tham gia mà còn thúc đẩy năng lực ấy tăng lên. “Bởi vì việc phát triển điện hạt nhân đòi hỏi năng lực về mặt KH&CN hạt nhân, năng lực công nghiệp để có thể tham gia xây dựng và đưa các lò phản ứng vào vận hành với tiêu chuẩn cao và khắt khe nhất”.
 
Đó là lý do khiến Nhật Bản vẫn phát triển điện hạt nhân và triển khai rất nhiều đổi mới sáng tạo trong quá trình tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân trong thời gian qua. Không riêng gì Nhật Bản, khi nhìn sang Trung Quốc, “chúng ta có thể thấy cùng với năng lượng tái tạo, Trung Quốc có một chương trình phát triển điện hạt nhân lớn nhất thế giới (hiện nay đã có 56 lò phản ứng hạt nhân đang vận hành, 29 lò phản ứng đang xây dựng và dự kiến đến 2050 sẽ có khoảng hơn 270 lò phản ứng). Họ biết rằng, điện hạt nhân vừa là nguồn điện ổn định, hầu như không phát thải, cũng vừa là công cụ hữu hiệu trong nhiều vấn đề cạnh tranh, địa chính trị khu vực, năng lực quốc phòng…”, TS. Trần Chí Thành phân tích.
 
Chiến lược đầu tư phát triển công nghệ hạt nhân đã đem lại thành quả lớn cho Hàn Quốc, không chỉ ở việc với 26 lò phản ứng, điện hạt nhân đã chiếm 30,7 % cơ cấu điện năng quốc gia. Từ chỗ là một quốc gia đi nhập khẩu công nghệ, hiện nay Hàn Quốc đã trở thành quốc gia xuất khẩu công nghệ có uy tín. Sau khi bốn lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Barakah đi vào vận hành và nối lưới điện, uy tín của Hàn Quốc trên thị trường thế giới đã gia tăng đáng kể, đặc biệt với các quốc gia ‘lính mới’ lần đầu quan tâm đến điện hạt nhân. Theo Korea JoongAng Daily, trong lễ khởi công lò phản ứng số ba và bốn của nhà máy Shin-Hanul ở Bắc Gyeongsang vào ngày 30/10/2024, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã nhấn mạnh đến “thị trường hạt nhân toàn cầu trị giá 726 tỉ USD đang mở ra từ sự phục hưng điện hạt nhân”. Dự án xuất khẩu công nghệ hạt nhân sang Czech của Hàn Quốc sẽ đóng vai trò như “một bước tiến vững chắc mở ra con đường xuất khẩu cho ngành công nghiệp hạt nhân Hàn Quốc”. Tổng thống Yoon Suk Yeol cũng đã tuyên bố một kế hoạch hỗ trợ toàn diện để đem sức sống mới cho ngành công nghiệp hạt nhân, trong đó có một khoản đầu tư 4 nghìn tỉ won (tương đương 3 tỉ USD) cho R&D, theo quan sát của Viện Nghiên cứu Hàn Quốc tại Mỹ (KEIA).
 
Cũng như nhiều loại hình công nghệ tiên tiến khác, năng lượng hạt nhân luôn đổi mới sáng tạo. Kể từ kế hoạch phát triển hệ thống điện hạt nhân từ năm 2000, Hàn Quốc đã tập trung R&D về các lò phản ứng tiên tiến và kết quả là đến năm 2012, lò phản ứng công suất nhỏ đầu tiên của Hàn Quốc mang tên SMART, đã được cấp phép thiết kế tiêu chuẩn từ cơ quan pháp quy. Bộ trưởng Bộ KHCN và Công nghệ thông tin Hàn Quốc Lee Jong-Ho chia sẻ bên lề một phiên họp của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế “Giờ chúng tôi đang phát triển công nghệ lõi SMR thậm chí còn nhiều tiên tiến và đổi mới hơn trên cơ sở công nghệ SMART”. Không chỉ các công ty con của Tổng Công ty Điện lực Hàn Quốc (KEPCO), một công ty do Chính phủ Hàn Quốc thành lập, và các viện nghiên cứu tham gia phát triển công nghệ hạt nhân mà còn có nhiều công ty tư nhân tham gia. Chính phủ Hàn Quốc cho rằng lĩnh vực tư cũng cần tham gia dẫn dắt những đổi mới công nghệ, giúp thử nghiệm và thương mại hóa những lò phản ứng mới. “Sang những năm tiếp theo, chính phủ sẽ hợp tác với những công ty liên quan để đầu tư phát triển các lò khí nhiệt độ cao được thiết kế cho nhiệt xử lý trong công nghiệp với nhiều ứng dụng như sản xuất hydro”, ông nói.
 
Câu chuyện của Hàn Quốc và Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào trong câu lạc bộ năng lượng hạt nhân gợi mở rất nhiều tia hy vọng cho Việt Nam. “Có một hệ quả rất lớn mà tất cả các quốc gia phát triển điện hạt nhân có được là sự lớn mạnh về KH&CN và năng lực công nghiệp. Năng lực mới từ quá trình làm chủ công nghệ hạt nhân sẽ đóng góp rất lớn vào các ngành khác và trở thành tiềm lực của đất nước”, TS. Trần Chí Thành nhận xét. Những thành tựu trên con đường phát triển và làm chủ công nghệ hạt nhân của các quốc gia, trong đó có các cường quốc hàng đầu về phát triển công nghệ hạt nhân như Nga, Mỹ, Pháp, Anh… đến các quốc gia phát triển sau như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…, đã mở ra cho họ những cơ hội mới. “Họ đã tạo được tiềm lực rất tốt trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ khoa học cơ bản đến công nghiệp”.
 
Do đó, điện hạt nhân không chỉ là một giải pháp năng lượng mà còn là một con đường phát triển mới.

Nguồn: khoahocphattrien.vn

Lượt xem: 1602

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)