Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị có ông Cao Đông Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân, Điều phối viên FNCA của Việt Nam (Trưởng đoàn); bà Vũ Thị Tú Quyên, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và bà Trần Ngọc Hoàn, Phó Trưởng ban, Ban Hợp tác quốc tế, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN).
Diễn đàn FNCA tiền thân là Chương trình hợp tác hạt nhân Châu Á do Nhật Bản khởi xướng từ năm 1990. Hội nghị đầu tiên của Diễn đàn FNCA được tổ chức tại Băng Cốc, Thái Lan vào tháng 11/2000. Hội nghị FNCA cấp Bộ trưởng lần thứ 25 được tổ chức nhằm thảo luận các vấn đề liên quan đến chính sách nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình cũng như vai trò của hợp tác FNCA trong việc thực hiện các mục tiêu này. Tham dự Hội nghị có các đại diện là Thứ trưởng, Chủ tịch Uỷ Ban trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và các đại biểu đến từ 11 nước thành viên FNCA bao gồm: Bangladesh, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Kazakhstan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Philipin, Thái Lan, Việt Nam và đại diện từ Singapore tham gia với tư cách quan sát viên.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn FNCA lần thứ 25.
Trưởng đoàn các nước tại Hội nghị FNCA cấp Bộ trưởng lần thứ 25.
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị.
Việt Nam chính thức tham gia Chương trình Hợp tác hạt nhân Châu Á (tiền thân của Diễn đàn FNCA) từ năm 1996. Thông qua diễn đàn này, các chuyên gia Việt Nam đã có cơ hội trao đổi thông tin về các hướng ứng dụng công nghệ bức xạ trong công nghiệp, nông nghiệp, quản lý chất thải phóng xạ, an ninh, thanh sát hạt nhân, ứng dụng kỹ thuật đồng vị để giải quyết các vấn đề môi trường, cũng như cập nhật những kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh ung thư thường gặp. Trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia các dự án FNCA, đặc biệt về phát triển ứng dụng của lò phản ứng nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong đột biến tạo giống và ứng dụng đồng vị phóng xạ trong y tế.
Tại Hội nghị kỷ niệm 25 năm Diễn đàn FNCA tổ chức ngày 18/12/2024, các đại biểu đã nghe và thảo luận chi tiết về báo cáo hoạt động của các dự án FNCA trong những lĩnh vực ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ; an toàn và an ninh hạt nhân; quản lý chất thải phóng xạ với 08 dự án đang triển khai, bao gồm: (i) Đột biến tạo giống; (ii) Xử lý bức xạ và Biến tính polyme; (iii) Chống gian lận thực phẩm; (iv) Biến đổi khí hậu (Đánh giá phát thải carbon từ đất rừng); (v) Xạ trị ung thư; (vi) Sử dụng lò phản ứng nghiên cứu; (vii) An toàn bức xạ và quản lý chất thải phóng xạ, (viii) An ninh và thanh sát hạt nhân.
Trong 25 năm qua, Diễn đàn FNCA là một cơ chế hiệu quả để tăng cường phát triển kinh tế - xã hội thông qua hợp tác khu vực, góp phần thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ hạt nhân một cách hòa bình và an toàn. Thông qua Diễn đàn, các nước thành viên đã trao đổi những kiến thức, trải nghiệm về công nghệ mới nhất và có những điều chỉnh hướng nghiên cứu triển khai phù hợp tại mỗi quốc gia, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực hạt nhân. Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả, việc thiết lập hệ thống hỗ trợ trong nước cho các hoạt động của FNCA ở mỗi quốc gia đóng một vai trò rất quan trọng.
Các đại biểu tại Hội nghị kỷ niệm 25 năm Diễn đàn FNCA, 18/12/2024.
Trong phiên họp sáng ngày 19/12/2024, Tọa đàm với chủ đề “FNCA: 25 năm qua và các hoạt động trong tương lai” được tổ chức để đánh giá những kết quả hoạt động của FNCA trong thời gian qua và một số định hướng cho giai đoạn tiếp theo. Tại phiên họp chiều ngày 19/12/2024, các trưởng đoàn đại diện cho các nước tham dự đã báo cáo về chính sách, tình hình phát triển, ứng dụng công nghệ hạt nhân của nước mình. Trưởng đoàn Việt Nam, TS. Cao Đông Vũ đã trình bày báo cáo quốc gia về phát triển ứng dụng công nghệ bức xạ phục vụ các ngành kinh tế - xã hội, trong đó chia sẻ Việt Nam đã quyết định tiếp tục thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nhằm đáp ứng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP26. Trưởng đoàn cũng đánh giá cao các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ FNCA đối với các nước thành viên, khẳng định sự tham gia tích cực và ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam đối với chuơng trình hợp tác FNCA và bảy tỏ mong muốn các nước sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác, trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong khuôn khổ Diễn đàn để hoạt động FNCA hiệu quả, hiệu lực hơn trong giai đoạn tiếp theo.
Báo cáo quốc gia của Việt Nam tại Hội nghị.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Lễ trao giải thưởng FNCA được tổ chức để vinh danh những cá nhân, tổ chức của các nước thành viên đã có những kết quả nghiên cứu, ứng dụng đáng ghi nhận, đóng góp vào thành tựu triển khai các dự án FNCA ở ba hạng mục: (i) Giải thưởng cho Nhóm nghiên cứu xuất sắc nhất; (ii) Giải khuyến khích cho các nhà nghiên cứu trẻ; (iii) Giải khuyến khích cho các nhà nghiên cứu nữ.
Nghiên cứu viên Nguyễn Hữu Nghĩa, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt nhận Giải khuyến khích FNCA cho các nhà nghiên cứu trẻ.
Hội nghị cũng dành thời gian để thảo luận về kết quả thực hiện chương trình FNCA trong năm 2024, kế hoạch triển khai các hoạt động FNCA năm 2025 cũng như các vấn đề liên quan đến quản lý chung, đặc biệt nhất trí thông qua việc Singapore trở thành thành viên chính thức của FNCA và sẽ tham gia vào các hoạt động của Diễn đàn trong năm 2025.
Kết thúc hội nghị, các đại biểu đã thống nhất thông qua bản nghị quyết định hướng cho hoạt động trong thời gian tới, trong đó sẽ tập trung đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế/tổ chức liên chính phủ như với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Cơ quan năng lượng nguyên tử của OECD (OECD/NEA) và Khuôn khổ hợp tác năng lượng nguyên tử quốc tế (IFNEC),… cũng như thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của các nghiên cứu viên trẻ và vấn đề bình đẳng giới trong các hoạt động của Diễn đàn FNCA.