Thứ tư, 25/12/2024 15:01 GMT+7

Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) và chuyển đổi số quốc gia.

Tổng Bí thư Tô Lâm quan sát thực địa vị trí quy hoạch Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Cảng biển tổng hợp Cà Ná tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, ngày 5/12. Ảnh: TTXVN

Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu rõ việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số, do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban.

Thành lập Hội đồng Tư vấn quốc gia về phát triển KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước.

Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, hoàn thiện pháp luật về phát triển KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số; tăng cường giám sát thực hiện theo quy định.

Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình hành động triển khai thực hiện nghị quyết.

Phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách nêu trong nghị quyết này và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện, cơ bản hoàn thành trong năm 2025...

Bộ Chính trị chỉ đạo ưu tiên nguồn lực phát triển KHC&CN

Bộ Chính trị khẳng định phát triển KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số  đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.

Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam đạt tiềm lực, trình độ KH,CN&ĐMST đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao;

Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt trình độ quốc tế. Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế. Tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến.

Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%; tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt tối thiểu 50%. Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP.

Tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%; giao dịch không dùng tiền mặt đạt 80%. Tỉ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp.

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần quan trọng xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, xã hội, con người Việt Nam, đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7.

Kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển KH,CN&ĐMST, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển.

Hệ thống tổ chức KH,CN&ĐMST được sắp xếp lại bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu - ứng dụng - đào tạo.

Nguồn nhân lực nghiên cứu KH,CN&ĐMST đạt 12 người trên một vạn dân; có từ 40 - 50 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới; số lượng công bố khoa học quốc tế tăng trung bình 10%/năm; số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 - 18%/năm, tỉ lệ khai thác thương mại đạt 8 - 10%.

Hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng ngang tầm các nước tiên tiến; từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược, công nghệ số như: Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, bán dẫn, công nghệ lượng tử, nano, thông tin di động 5G, 6G, thông tin vệ tinh và một số công nghệ mới nổi. Phủ sóng 5G toàn quốc…

Bộ Chính trị đề ra tầm nhìn đến năm 2045, KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về ĐMST, chuyển đổi số. Tỉ lệ doanh nghiệp công nghệ số tương đương các nước phát triển; tối thiểu có 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. Thu hút thêm ít nhất 5 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam.

Đột phá về đổi mới tư duy về phát triển KH&CN

Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ Chính trị yêu cầu 7 nhiệm vụ, giải pháp.

Một là, nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số quốc gia.

Hai là, khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan Triển lãm 65 năm ngành KH&CN .

Trong đó, Bộ Chính trị nhấn mạnh, khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật về KH,CN, đầu tư, đầu tư công, mua sắm công, ngân sách nhà nước, tài sản công, sở hữu trí tuệ, thuế… để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực, khuyến khích, phát triển KH,CN&ĐMST, chuyển đổi số quốc gia, phát triển nguồn nhân lực; cải cách phương thức quản lý, triển khai các nhiệm vụ KH&CN phù hợp với từng loại hình nghiên cứu; cải cách cơ chế quản lý tài chính trong việc thực hiện nhiệm vụ KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số, đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính; giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.

Có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra. Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu KH,CN&ĐMST.

Có cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước; có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan. Hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số.

Thống nhất, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số. Phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo. …

Có cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển các tổ chức nghiên cứu KH&CN công lập hoạt động hiệu quả; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn; được sử dụng ngân sách nhà nước thuê chuyên gia, sử dụng tài sản hữu hình và trí tuệ để liên kết, hợp tác KH&CN với các tổ chức, doanh nghiệp. Có cơ chế cho phép và khuyến khích các tổ chức nghiên cứu, nhà khoa học thành lập và tham gia điều hành doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu.

Thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển KH,CN&ĐMST, chuyển đổi số quốc gia. Ngân sách chi cho nghiên cứu, phát triển KH&CN ưu tiên thực hiện theo cơ chế quỹ, thông qua các quỹ phát triển KH&CN. Cơ cấu lại nguồn ngân sách chi sự nghiệp KH&CN bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải.

Có cơ chế khuyến khích mua sắm công đối với các sản phẩm, hàng hóa là kết quả nghiên cứu khoa học do doanh nghiệp trong nước tạo ra. Có cơ chế đặc biệt trong nghiên cứu, tiếp cận, mua các bí mật công nghệ, học hỏi, sao chép các công nghệ tiên tiến của nước ngoài.

Ba là, tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó bbố trí ít nhất 15% ngân sách nhà nước chi sự nghiệp khoa học phục vụ nghiên cứu công nghệ chiến lược; ban hành cơ chế, chính sách hợp tác công tư để nghiên cứu và phát triển công nghệ chiến lược.

Bốn là, có cơ chế, chính sách hấp dẫn về tín dụng, học bổng và học phí để thu hút học sinh, sinh viên giỏi theo học các lĩnh vực toán học, vật lý, sinh học, hóa học, kỹ thuật và công nghệ then chốt, nhất là ở các trình độ sau đại học. Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo tài năng trên các lĩnh vực. Ban hành cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống.

Có cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch, sở hữu nhà, đất, thu nhập, môi trường làm việc nhằm thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, các "tổng công trình sư" trong và ngoài nước có khả năng tổ chức, điều hành, chỉ huy, triển khai các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia về KH,CN&ĐMST, chuyển đổi số, phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo...

Năm là, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng KH,CN&ĐMST trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh

Sáu là, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Cuối cùng là tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 418

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)