Tham dự hội thảo có Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia Hà Minh Hiệp, đại diện các đơn vị trực thuộc Ủy ban tham dự theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Chia sẻ tại hội thảo về định hướng xây dựng, hoàn thiện các nhóm tiêu chuẩn quốc gia phục vụ hàng hoá trọng điểm, ông Nguyễn Văn Khôi - Trưởng ban Ban Tiêu chuẩn cho biết, các nhóm tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) phục vụ hàng hoá trọng điểm như rà soát, cập nhật tiêu chuẩn về kiểm kê khí nhà kính: TCVN ISO 14067:2020 - Khí nhà kính – Dấu vết carbon của sản phẩm – Yêu cầu và hướng dẫn định lượng; Xây dựng TCVN theo ISO 14068-1:2023 Quản lý biến đổi khí hậu - Trung hòa carbon - Phần 1: Trung hòa carbon; Tiêu chuẩn hướng dẫn kiểm kê, thẩm định KNK theo hướng dẫn IPCC.
Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia Hà Minh Hiệp phát biểu tại Hội thảo.
Thứ hai, rà soát, xây dựng tiêu chuẩn về công nghệ trọng yếu mới nổi (CET), trí tuệ nhân tạo (AI): Hệ thống quản lý trí tuệ nhân tạo ISO/IEC 4200; Công nghệ thông tin - Trí tuệ nhân tạo - Tổng quan phương pháp tính toán cho các hệ thống trí tuệ nhân tạo: Khung hệ thống trí tuệ nhân tạo sử dụng học máy (ML); Công nghệ thông tin - Trí tuệ nhân tạo - Tổng quan các phương pháp tính toán cho hệ thống trí tuệ nhân tạo; Khung hệ thống trí tuệ nhân tạo sử dụng học máy (ML).
Thứ ba, rà soát, cập nhật, xây dựng mới tiêu chuẩn về kinh tế tuần hoàn: ISO 59004:2024 Kinh tế tuần hoàn - Từ vựng, nguyên tắc và hướng dẫn thực hiện; ISO 59020:2024 Kinh tế tuần hoàn - Đo lường và đánh giá hiệu suất tuần hoàn; ISO 59010:2024 Kinh tế tuần hoàn - Hướng dẫn về quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh và mạng lưới giá trị.
Thứ tư, rà soát, cập nhật, xây dựng mới tiêu chuẩn về chứng nhận năng lượng tái tạo: Hệ thống IEC để chứng nhận các tiêu chuẩn liên quan đến thiết bị sử dụng trong các ứng dụng năng lượng tái tạo (IECRE).
Thứ năm, rà soát, cập nhật, xây dựng mới tiêu chuẩn về xe điện phù hợp thực tiễn Việt Nam: Dự kiến 2024-2025 xây dựng mới các TCVN về Phích cắm, ổ cắm, đầu nối xe điện và ổ nối vào xe điện (theo bộ IEC 62196).
Thứ sáu, rà soát, cập nhật TCVN về hệ thống trạm sạc có dây dùng cho xe điện (theo bộ IEC 61851): Rà soát, xây dựng tiêu chuẩn về Halal; TCVN 14230:2024 Dịch vụ du lịch thân thiện với người hồi giáo – Các yêu cầu; Dự kiến 2024-2025 xây dựng mới các TCVN: 09 TCVN về Thực phẩm halal: Sản phẩm Halal – Yêu cầu vệ sinh; Hóa chất Halal…; 05 TCVN về Halal trong dược và mỹ phẩm; 05 TCVN về Logistics trong Halal: Hệ thống quản lý chuỗi cung ứng Halal; Bao bì Halal; 03 TCVN về Đánh giá sự phù hợp Halal.
Ông Nguyễn Văn Khôi - Trưởng ban Ban Tiêu chuẩn chia sẻ tại Hội thảo.
Trong khuôn khổ hội thảo, bà Đoàn Thị Thanh Vân – Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam chia sẻ về định hướng triển khai hoạt động tiêu chuẩn hóa đối với công nghiệp sản xuất chip bán dẫn.
Theo đó, công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang có những thay đổi và điều chỉnh lớn, xuất hiện những xu thế mới tạo cơ hội thúc đẩy khả năng tự chủ và phát triển năng lực sản xuất bán dẫn quốc gia. Ngành công nghiệp bán dẫn với vai trò then chốt trong nền kinh tế số, đang ngày càng khẳng định vị thế quan trọng trong bối cảnh thế giới bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Sản phẩm bán dẫn đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều hoạt động khác nhau của đời sống kinh tế, xã hội.
Trước đây, chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu phát triển theo hướng chuyên môn hóa cao, tập trung tại một số ít quốc gia, khu vực, vùng lãnh thổ; không có quốc gia nào có khả năng tự chủ hoàn toàn trong lĩnh vực bán dẫn. Những năm gần đây, các quốc gia lớn đã có sự cạnh tranh gay gắt dẫn đến phải điều chỉnh chiến lược bán dẫn theo hướng nâng cao năng lực trong nước và đẩy mạnh đa dạng hoá chuỗi cung ứng.
Việt Nam có lợi thế địa chính trị, nhân lực về công nghiệp bán dẫn. Đây là cơ hội cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Việt Nam nằm ở trung tâm khu vực đang chiếm tới 70% sản lượng sản xuất của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu; là quốc gia có nền chính trị ổn định, nằm trong nhóm các nước có tốc độ phát triển nhanh nhất; là quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược với nhiều cường quốc bán dẫn.
Việt Nam có tiềm năng về trữ lượng đất hiếm, ước đạt khoảng 20 triệu tấn; là 01 trong 16 quốc gia đông dân nhất trên thế giới, có tỷ lệ dân số trẻ, lợi thế nhân lực có năng lực về STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học), có khả năng đáp ứng nhanh chóng nhu cầu nhân lực để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Bà Đoàn Thị Thanh Vân - Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo.
Ngày 21 tháng 9 năm 2024 Thủ tướng Chính ban hành Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, trong đó, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2050 theo lộ trình 03 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (2024-2030) tận dụng lợi thế địa chính, nhân lực về công nghiệp bán dẫn, thu hút FDI có chọn lọc, phát triển trở thành một trong các trung tâm về nhân lực bán dẫn toàn cầu, hình thành năng lực cơ bản trong tất cả công đoạn từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói đến kiểm thử của công nghiệp bán dẫn;
Giai đoạn 2 (2030-2040) trở thành một trong các trung tâm về công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu; phát triển công nghiệp bán dẫn, điện tử kết hợp giữa tự cường và FDI;
Giai đoạn 3 (2040-2050) trở thành quốc gia thuộc nhóm các quốc gia đi đầu trên thế giới về công nghiệp bán dẫn, điện tử; làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử.
Về mục tiêu và lộ trình phát triển, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam theo lộ trình 3 giai đoạn với các mục tiêu cụ thể như sau:
Giai đoạn 1 (2024 - 2030): Thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 01 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; phát triển một số sản phẩm bán dẫn chuyên dụng trong một số ngành lĩnh vực; Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10 - 15%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 225 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10 - 15%; Quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 50.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Giai đoạn 2 (2030 - 2040): Phát triển công nghiệp bán dẫn kết hợp giữa tự cường và FDI, hình thành ít nhất 200 doanh nghiệp thiết kế, 02 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 15 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, từng bước tự chủ về công nghệ thiết kế, sản xuất sản phẩm bán dẫn chuyên dụng; Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 50 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 15 - 20%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 485 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 15 - 20%; Quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 100.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Giai đoạn 3 (2040 - 2050): Hình thành ít nhất 300 doanh nghiệp thiết kế, 03 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn; Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20 - 25%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 1.045 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20 - 25%; Quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển; Hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn Việt Nam tự chủ, có năng lực dẫn đầu ở một số công đoạn, phân khúc của chuỗi sản xuất.
Chia sẻ về nguyên tắc thực thi ESG, bà Bùi Ngọc Bích – Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cho hay, nguyên tắc thực thi ESG của ISO được thiết kế để: Hỗ trợ quản lý thực thi ESG; Củng cố đo lường và báo cáo theo các khung công bố hiện có để có sự nhất quán, khả năng so sánh và độ tin cậy của báo cáo, thực hành ESG trên toàn cầu; Tạo điều kiện cho khả năng tương tác bằng cách tiệm cận với tiêu chuẩn báo cáo hiện có, tạo lập cách tiếp cận hài hòa trong tuân thủ ESG giữa các quốc gia; Thúc đẩy tính nhất quán toàn cầu, hỗ trợ truyền tải rõ ràng các nỗ lực bền vững trên toàn thế giới.
Mục tiêu là hỗ trợ các tổ chức đạt được phát triển bền vững công bằng xã hội và quản trị tốt, đồng thời gắn kết mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Cũng theo bà Bích, khung thực hiện ESG bao gồm quản lý rủi ro và cơ hội: Nhận diện và quản lý rủi ro/cơ hội trong ESG để đưa ra kế hoạch chiến lược phù hợp; Trách nhiệm và minh bạch: Khuyến khích các tổ chức công khai thông tin liên quan đến ESG để xây dựng niềm tin với các bên liên quan; Đánh giá tính trọng yếu: Xác định và ưu tiên các tác động ESG quan trọng để hỗ trợ ra quyết định.
Bà Bùi Ngọc Bích - Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo.
Các khía cạnh ESG bao gồm: Môi trường: Đảm bảo sử dụng bền vững tài nguyên, giảm thiểu phát thải và bảo vệ đa dạng sinh học. Chỉ số hiệu suất chính (KPI): Cường độ carbon, tiêu thụ năng lượng tái tạo, quản lý chất thải và bảo tồn đa dạng sinh học.
Xã hội: Bảo vệ quyền con người, điều kiện làm việc an toàn, thúc đẩy phúc lợi và phát triển cộng đồng; KPI: Tính đa dạng lực lượng lao động, tác động đến cộng đồng và sức khỏe, an toàn lao động.
Quản trị: Cấu trúc và minh bạch hội đồng quản trị, phòng chống tham nhũng, đảm bảo cạnh tranh công bằng. KPI: Tính đa dạng trong hội đồng quản trị, tuân thủ chính sách và các biện pháp minh bạch.