Hội thảo có sự tham dự của đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Cơ quan sáng chế Nhật Bản (JPO) và Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Sở hữu trí tuệ, Tổng cục Hải Quan cùng đại diện một số cơ quan thực thi quyền của Việt Nam và một số, doanh nghiệp Nhật Bản...Cùng với sự phát triển của kinh tế, nhu cầu về hàng hoá của người tiêu dùng ngày càng trở nên đa dạng, phong phú, tạo ra thị trường mở và rộng lớn cho các nhà sản xuất. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn tiếp tục xảy ra với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi. Phó Đại sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam – Ông Shige Watanabe mong muốn thông qua Hội thảo, Phó Đại sứ mong muốn năng lực giải quyết vi phạm về SHTT hàng hóa Nhật Bản tại Việt Nam sẽ được nâng cao. Từ đó hỗ trợ 200 doanh nghiệp cũng như hơn 90 tổ chức Nhật Bản đang hoạt động trên thị trường Việt Nam.
Phó Đại sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Shige Watanabe.
Ngoài ra, Phó Đại sứ Shiga Watanabe đề cao vai trò của cơ chế hợp tác để lắng nghe ý kiến các bên liên quan, làm sao để thúc đẩy các sự kiện phòng chống xâm phạm sở hữu trí tuệ thế giới. Đây là sự kỳ vọng của cả JPO, JETRO cũng như các doanh nghiệp nhằm tìm được giải pháp thúc đẩy một cách phù hợp, chính đáng về quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Thanh Bình, đấu tranh phòng chống sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền SHTT là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng và sự tham gia tích cực của toàn xã hội.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại Hội thảo
Cũng theo Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Thanh Bình, công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền SHTT có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên bên cạnh đó,việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng thực thi gặp không ít khó khăn trong cách nhận biết hàng thật, hàng giả, các hàng hóa được bảo hộ là những loại nào; các hình thức gian lận mới của các đối tượng sản xuất, kinh doanh; các phương thức kinh doanh mới, sự phối hợp giữa chủ thể quyền và cơ quan kiểm tra… Việc phối hợp cung cấp thông tin của doanh nghiệp chủ thể quyền đóng vai trò rất quan trọng trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Chánh Thanh tra Nguyễn Như Quỳnh cho biết với vai trò được Chính phủ giao, Bộ KH&CN là Bộ chủ trì quản lý nước về sở hữu trí tuệ và là cơ quan thường trực Chương trình phối hợp hành động phòng chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2019 – 2023 (Chương trình 168 giai đoạn 3) với sự tham gia của 09 Bộ ngành liên quan trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ luôn đánh giá hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói chung, hoạt động chống hàng giả nói riêng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo động lực thu hút đầu tư nước ngoài, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khai thác, bảo hộ tài sản trí tuệ.
Bên cạnh các nỗ lực hoàn thiện thể chế về thực thi quyền SHTT, Bộ KH&CN (với Cục SHTT là cơ quan được giao quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp, Thanh tra Bộ là cơ quan thực thi quyền) đã và đang có nhiều nỗ lực trong hoạt động thực thi quyền SHTT, chống hàng giả. Thanh tra Bộ KH&CN với vai trò là một trong những cơ quan thực thi quyền SHTT, trong những năm qua đã có nhiều hoạt động thực thi quyền hiệu quả, đặc biệt là xử lý các vụ việc khó, phức tạp như các vụ việc xâm phạm quyền sáng chế, cạnh tranh không lành mạnh, các vụ việc vừa xâm phạm quyền nhãn hiệu vừa cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền, tên doanh nghiệp, trong đó xử lý nhiều vụ việc mà chủ thể quyền là các doanh nghiệp Nhật Bản như Toshiba, YKK, Shimizu, Riken, Kaminomoto,… . Đồng thời, Cục SHTT và Thanh tra Bộ KH&CN hàng năm cho ý kiến chuyên môn, hướng dẫn nghiệp vụ, cung cấp thông tin đối với hàng trăm vụ việc cho các lực lượng thực thi quyền SHTT (như Quản lý thị trường, hải quan, công an).
Chánh Thanh tra Nguyễn Như Quỳnh cũng tin tưởng rằng Hội thảo là cơ hội tốt để chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp thực thi quyền của nhiều chuyên gia đến từ nhiều cơ quan của Nhật Bản và Việt Nam sẽ là cơ hội tốt để tăng cường hợp tác về SHTT cũng như hợp tác về thực thi quyền SHTT giữa Nhật Bản và Việt Nam.
Tại Hội thảo, đại diện 06 thương hiệu đến từ Nhật Bản bao gồm: ASICS, Kikkoman, Kubota, Kokuyo, Daiichi Sankyo Healthcare, Panasonic đã chia sẻ tới các đại biểu tham dự Hội thảo về quá trình hình thành, phát triển của các nhãn hàng cũng như tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của các nhãn hàng trên thị trường hiện nay đồng thời mong muốn được hợp tác với các lực lượng chức năng tại Việt Nam trong phòng, chống và xử lý các vấn đề liên quan đến hàng giả mạo nhãn hiệu các sản phẩm của Nhật Bản tại thị trường Việt Nam.
Trước đó vào chiều ngày 27/02/2024, tại Trụ sở Bộ KH&CN đã diễn ra buổi làm việc, thảo luận giữa Thanh tra Bộ KH&CN, Cục Sở hữu trí tuệ, Vụ Hợp tác quốc tế với đại diện Cơ quan sáng chế Nhật Bản (JPO) và Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và đại diện một số thương hiệu đến từ Nhật Bản.