Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/HG
Ngày 8/11, tại Quảng Bình, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội nghị giao ban KHCN vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ năm 2024.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, KHCN và đổi mới sáng tạo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ trong 2 năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của Vùng.
Thông qua việc công bố Bộ chỉ số Đối mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023 đã phản ảnh được nội hàm, điểm mạnh, điểm yếu của từng địa phương, trong đó Đà Nẵng là một trong 5 địa phương có điểm số dẫn đầu cả nước (điều này khẳng định vai trò vị trí của trung tâm vùng).
Hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất, kinh doanh được tăng cường đã góp phần nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh, tạo lập và phát triển thị trường đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản của từng địa phương trong vùng.
Tính riêng các dự án cấp quốc gia hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật cho vùng thực hiện trong năm 2023 - 2024: Có 43 dự án đang triển khai, trong đó 20 dự án đã được nghiệm thu. Đã hỗ trợ chuyển giao được 137 quy trình công nghệ; hỗ trợ xây dựng được 115 mô hình sản xuất dựa trên ứng dụng công nghệ; đào tạo được 309 cán bộ kỹ thuật; tập huấn được 6.070 lượt nông dân về quy trình kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất.
Các chương trình KHCN cấp quốc gia về nghiên cứu ứng dụng KHCN tại các địa phương thuộc Vùng được thúc đẩy triển khai; công tác hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đổi mới công nghệ quốc gia, phát triển tài sản trí tuệ, phát triển công nghệ cao được các địa phương trong vùng tích cực triển khai thực hiện, đạt nhiều kết quả…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, KHCN và đổi mới sáng tạo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ còn nhiều khó khăn, thách thức như: Tiềm lực KHCN của nhiều địa phương trong vùng còn hạn chế; nguồn nhân lực chất lượng cao, tham gia trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ còn thiếu.
Hoạt động ứng dụng công nghệ tuy có nhiều kết quả nhưng chủ yếu có quy mô nhỏ, ở phạm vi xây dựng mô hình và còn nhiều khó khăn, vướng mắc khi nhân rộng, phát triển; thiếu nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng quy mô lớn, có tính liên ngành, liên vùng để tạo ra sản phẩm theo chuỗi giá trị gia tăng lớn, tác động mạnh đến phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và vùng.
Thứ trưởng Lê Xuân Định mong muốn các giải pháp về KHCN và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới sẽ khơi thông được nguồn lực, phát huy được tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và của vùng trên các lĩnh vực.
Hội nghị giao ban KHCN vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ năm 2024 - Ảnh: VGP/HG
Tăng cường nguồn lực đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo
Từ thực tiễn địa phương, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, thời gian qua, ngành KHCN Quảng Bình đã đạt nhiều kết quả rõ nét, tích cực và tạo được hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong tỉnh, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh đã tập trung các nguồn lực để phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo trên các lĩnh vực mà địa phương có thế mạnh; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; hình thành chuỗi giá trị gia tăng sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc phục vụ tiêu thụ trong nước và hướng đến xuất khẩu…
Đồng thời, tỉnh đã tập trung triển khai các chương trình, đề án thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao KHCN phục vụ phát triển sản phẩm chủ lực, đặc thù, có lợi thế của địa phương; đổi mới cơ chế chính sách quản lý KHCN và cơ chế quản lý tài chính; kết quả nghiên cứu dần trở thành hàng hóa được các doanh nghiệp đón nhận; nhu cầu, năng lực tiếp nhận, hấp thụ và làm chủ công nghệ của các doanh nghiệp ngày càng được cải thiện; công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm KHCN tiếp tục được đẩy mạnh.
Tại Hội nghị, các nhà quản lý, nhà khoa học đã thảo luận về kết quả hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo vùng, của các địa phương; đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp để cùng thống nhất trong hành động, triển khai nhằm phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo phục vụ hiệu quả cho các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Sau khi lắng nghe, trao đổi với các ý kiến, Thứ trưởng Lê Xuân Định đề nghị các địa phương trong vùng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về KHCN và đổi mới sáng tạo, trọng tâm là việc sửa đổi Luật KHCN, các luật chuyên ngành.
Đồng thời tiếp tục tăng cường nguồn lực đầu tư cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo bao gồm ngân sách nhà nước và ngoài ngân sách nhà nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực của các tổ chức KHCN trong vùng. Có giải pháp thu hút nhân lực trình độ cao, chuyên gia KHCN tham gia hoạt động KHCN ở địa phương, nhất là để tham gia giải quyết các nhiệm vụ KHCN quy mô lớn, cấp thiết tại địa phương, có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội.
Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN, đổi mới công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, nhất là các sản phẩm chủ lực, đặc sản; các lĩnh vực thuộc tiềm năng, thế mạnh của địa phương/của vùng như: Phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng, an ninh; khai thác, nuôi trồng thuỷ, hải sản gắn với công nghiệp chế biến; phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế rừng và kinh tế dưới tán rừng; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển đảo; nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của vùng…
Thứ trưởng Lê Xuân Định cũng đề nghị các địa phương trong vùng tăng cường phối hợp với Bộ KH&CN trong đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia nhằm huy động, tận dụng nguồn lực quốc gia, bao gồm cả nguồn lực tài chính, chuyên gia KHCN, nhân lực trình độ cao… để giải quyết các vấn đề KHCN quy mô lớn, liên ngành, liên vùng.