Thứ sáu, 03/01/2025 15:05 GMT+7
Hỗ trợ phát triển kỹ năng hội nhập KH&CN quốc tế cho học sinh bậc Trung học phổ thông
“Trải nghiệm các hoạt động thực tiễn tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hội nhập khoa học và công nghệ quốc tế (VISTIP) đã hỗ trợ nhiều cho việc định hướng học thuật, phát triển kỹ năng hội nhập môi trường học tập đa văn hóa, giúp học sinh có thêm động lực để trở thành nhà khoa học quốc tế trong tương lai”.
Đó là chia sẻ của học sinh Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) sau khi kết thúc 8 tuần trải nghiệm thực tế tại VISTIP.
Từ tháng 11-12/2024, VISTIP đã tiếp nhận học sinh Dương Nghiệp Hoàng, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) và học sinh Nguyễn Thành Trung, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đến thực tập trải nghiệm tại môi trường làm việc của đơn vị. Các thực tập sinh đã được Trung tâm giới thiệu một số thành tựu khoa học và công nghệ (KH&CN) của Việt Nam và quốc tế, các nguyên tắc cơ bản của hoạt động hợp tác và hội nhập KH&CN cũng như tham gia trực tiếp hỗ trợ nhiệm vụ KH&CN đang thực hiện, gồm: “Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động hội nhập quốc tế về KH&CN” và “Nghiên cứu thí điểm thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý tại VISTIP”.
Bên cạnh một số kỹ năng chung về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KH&CN, các thực tập sinh được tham gia làm việc thử trong môi trường nghiên cứu thực tế, như: xây dựng kế hoạch nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tra cứu nguồn tài liệu quốc tế phục vụ nghiên cứu, cách biểu đạt và trình bày các sản phẩm, chuyên đề, nội dung khoa học… Cùng với đó, qua việc tham gia một số nội dung trong 2 nhiệm vụ KH&CN cụ thể liên quan đến hoạt động chuyển đổi số và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), các thực tập sinh đã trực tiếp tham gia trải nghiệm các tác nghiệp về chuyển đổi số và các quy trình thực hiện với phần mềm số hóa tài liệu và quản lý hành chính, tác vụ nội bộ, nghiên cứu và đánh giá tầm quan trọng của việc phát triển thương mại hóa các ứng dụng của AI trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Ngoài ra, thực tập sinh đã có điều kiện trao đổi với lãnh đạo và nhân sự phụ trách các phòng đã từng học tập, nghiên cứu ở nước ngoài hoặc đảm trách điều phối, tổ chức các đoàn công tác nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế, góp phần giúp trau dồi thêm kiến thức và các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm và quản lý thời gian.
Học sinh Dương Nghiệp Hoàng và học sinh Nguyễn Thành Trung tham gia hoạt động nghiên cứu số hóa tài liệu nghiên cứu hội nhập quốc tế về KH&CN với bản dùng thử phần mềm mã nguồn mở.
Chương trình thực tế trải nghiệm đã góp phần trang bị thêm một số kỹ năng cơ bản về nghiên cứu và kiến thức hội nhập KH&CN đối với học sinh bậc THPT, giúp cho các thực tập sinh tăng thêm niềm say mê nghiên cứu khoa học, tự tin tìm kiếm học bổng nghiên cứu tại nước ngoài.