Thứ ba, 04/02/2025 12:07 GMT+7

Phiên họp thứ 2 Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Sáng 04/02/2025, tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Phiên họp thứ 2 Ban Chỉ đạo.
Cùng dự có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương là thành viên Ban Chỉ đạo.
Phát triển năng lượng bền vững là yêu cầu đặt ra cấp bách
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển xanh, phát triển bền vững là mục tiêu của Đảng, Nhà nước đã đề ra. Biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp mà Việt Nam là một trong những nước  chịu tác động lớn, gây sụt lún, sạt lở, khô hạn, ngập mặn, thiếu nước… Do vậy, việc nỗ lực góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân. (Ảnh: TTXVN).
Trong bối cảnh đó, Việt Nam phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Do đó, yêu cầu tăng trưởng điện phải bảo đảm đạt ít nhất 12-16%/năm. Đây là yêu cầu cấp bách hiện nay.
Tại Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương rà soát, lập kế hoạch chi tiết triển khai: cần làm rõ ai làm, tiến độ như thế nào, sản phẩm là gì? Bộ Công thương tổng hợp trình Ban Chỉ đạo tại phiên họp thứ hai này. Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ dự án điện hạt nhân, khẩn trương triển khai công tác giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư bảo đảm tiến độ chung của dự án.
Thủ tướng chỉ đạo phải xây dựng kế hoạch hằng năm, kế hoạch 5 năm để hoàn thành xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân. Phiên họp này cần bàn thêm về đề xuất của các bộ, ngành, chỉ rõ vướng mắc gì? Vấn đề gì cần chỉ đạo để tháo gỡ? Đưa ra lộ trình trong bao nhiêu năm để xây dựng xong một hay hai nhà máy? Trong quá trình đó cũng đặt ra vấn đề chuyển giao công nghệ, phải có nguồn nhân lực, tính toán cần phải đào tạo tập trung thêm theo ngành, sản phẩm; nguồn nhân lực bao gồm cả kỹ sư, công trình sư, công nhân lành nghề… 
Thủ tướng khẳng định, xây dựng nhà máy điện hạt nhân là vấn đề lớn, vấn đề khó, nhạy cảm, mang tính quốc gia đại sự, do đó, tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể là rất cao, phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết. Thủ tướng mong Ban Chỉ đạo làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm, có sản phẩm. Bộ Công Thương cần rà soát lại, ổn định cơ cấu của Ban Chỉ đạo, cần có các chuyên gia giỏi để tham mưu, giúp việc; từng Phiên họp của Ban Chỉ đạo phải đạt mục tiêu cụ thể thì mới có thể đạt được mục tiêu chung.
Bộ KH&CN khẩn trương triển khai nhiệm vụ bám sát chỉ đạo
Tại Phiên họp, theo phạm vi chức năng quản lý và nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo một số công việc đã triển khai kể từ Phiên họp lần 1, bao gồm: 
Thứ nhất, xây dựng dự thảo Luật NLNT (sửa đổi): Ngày 15/01/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung dự án Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2025; dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 9 và thông qua vào kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025). Bộ KH&CN đang khẩn trương triển khai xây dựng dự thảo Luật để bảo đảm tiến độ được giao. Trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục rà soát các văn bản dưới luật và ưu tiên các văn bản phục vụ theo từng giai đoạn của dự án điện hạt nhân (trong đó đặc biệt lưu ý những vướng mắc khi triển khai nhà máy điện hạt nhân ở giai đoạn trước).
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Phiên họp. 
Thứ hai, đánh giá cơ sở hạ tầng điện hạt nhân của Việt Nam theo tiêu chuẩn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA): Nhân dịp tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 55 tại tại Davos, Thủ tướng đã có buổi làm việc với Tổng Giám đốc IAEA và đã đề xuất IAEA giúp Việt Nam triển khai dự án điện hạt nhân đầu tiên. Theo đó, dự kiến trong tháng 02/2025, Bộ KH&CN sẽ có văn bản đề nghị chính thức IAEA cử đoàn đánh giá INIR giúp Việt Nam đánh giá cơ sở hạ tầng điện hạt nhân theo tiêu chuẩn của IAEA và dự kiến sẽ triển khai ngay trong Quý II/2025. Trên cơ sở kết quả đánh giá của IAEA, Bộ KH&CN sẽ xây dựng và trình Thủ tướng ban hành kế hoạch tổng thể để hoàn thiện cơ sở hạ tầng điện hạt nhân.
Thứ ba, tham gia vào các điều ước quốc tế: Hiện tại, Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước, điều ước quốc tế về an toàn, an ninh, ứng phó sự cố và chống khủng bố hạt nhân, tuy nhiên chưa tham gia công ước về đền bù thiệt hại hạt nhân. Vì vậy, Bộ KH&CN sẽ sớm nghiên cứu và có báo cáo Chính phủ về việc tham gia công ước về đền bù thiệt hại hạt nhân.
Thứ tư, xây dựng và phê duyệt Chương trình nghiên cứu KH&CN đặc biệt cấp quốc gia về công nghệ và an toàn điện hạt nhân: Bộ KH&CN đang khẩn trương xây dựng và dự kiến sẽ ban hành Chương trình nghiên cứu KH&CN đặc biệt cấp quốc gia về công nghệ và an toàn điện hạt nhân nhằm nâng cao năng lực nội tại trong nước, hướng tới quản lý vận hành an toàn và hiệu quả, cũng như tiếp thu công nghệ phục vụ lâu dài các dự án điện hạt nhân.
Thứ năm, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quản lý nhà nước, nghiên cứu - khoa học, hỗ trợ khoa học và kỹ thuật phục vụ phát triển điện hạt nhân: Bộ KH&CN đã rà soát hiện trạng nguồn nhân lực của Bộ phục vụ chương trình điện hạt nhân; từ đó đề xuất xây dựng kế hoạch bổ sung nhân lực, cũng như đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quản lý nhà nước, nghiên cứu - khoa học, hỗ trợ khoa học và kỹ thuật phục vụ phát triển điện hạt nhân. Dự kiến sẽ trình Thủ tướng ban hành trong Quý III/2025.
Thứ sáu, về công tác thông tin, tuyên truyền triển khai dự án điện hạt nhân: Bộ KH&CN đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng Đề án “Tuyên truyền về chủ trương và nhiệm vụ phát triển điện hạt nhân” do Ban Tuyên giáo chủ trì. Trong thời gian tới, Bộ KH&CN cũng sẽ tích cực phối hợp với Tập đoàn Nhà nước Liên bang Nga về năng lượng nguyên tử (Tập đoàn Rosatom) hoàn hiện kế hoạch truyền thông năng lượng nguyên tử nhằm cung cấp các thông tin khoa học đầy đủ, tin cậy về điện hạt nhân, từ đó tạo sự tin tưởng, đồng thuận của người dân.
Ngoài ra, thực hiện yêu cầu của Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ KH&CN đang gấp rút triển khai xây dựng hồ sơ Nghị quyết của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình phục vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới” để kịp trình Bộ Chính trị vào cuối Quý II/2025. 
Ngoài các nội dung nêu trên, Bộ KH&CN đã bổ sung thêm 02 đề xuất, kiến nghị:
Một là, Chính phủ xem xét việc cần phải xây dựng cơ chế đặc thù để thu hút sinh viên theo học các ngành về điện hạt nhân, cũng như chính sách thu hút người làm việc trong lĩnh vực điện hạt nhân tại Bộ KH&CN nói riêng và các cơ quan nhà nước khác nói chung trong quá trình triển khai xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Hai là, cần bố trí nguồn kinh phí cũng như cơ chế lựa chọn nhà thầu rút gọn để nhanh chóng thuê đội ngũ tư vấn quốc tế thẩm định an toàn cho các giai đoạn của dự án điện hạt nhân đầu tiên (hiện nay Bộ KH&CN không đủ nguồn lực thực hiện, cũng như các cơ quan chuyên môn khác tại Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm thực hiện dự án đầu tiên này). 

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN (tổng hợp).

Lượt xem: 213

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)