Thông tin được đưa ra tại phiên họp của Quốc hội sáng ngày 17/02/2025, thảo luận dự thảo Nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù gỡ vướng cho hoạt động KH,CN&ĐMST.
Nghiên cứu miễn trách nhiệm hình sự cho hoạt động nghiên cứu khoa học
Đóng góp ý kiến vào việc bảo đảm đầu ra của các nghiên cứu KH&CN, đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, cần bổ sung các chính sách, trong đó tập trung vào việc có chính sách để Nhà nước trở thành khách hàng đầu tiên và quan trọng nhất với các kết quả nghiên cứu KH&CN trong nước. Ví dụ, đối với ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn, lịch sử phát triển của ngành này cho thấy, nếu không có các chương trình của Nhà nước trong việc tiêu thụ, sử dụng chip bán dẫn vào thập kỷ 1950, 1960, các doanh nghiệp sản xuất chip vào thời điểm đó sẽ không đủ nguồn lực, động lực để tiếp tục đầu tư nghiên cứu, phát triển chip bán dẫn tiên tiến như ngày nay.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội cho rằng, với sản phẩm, dịch vụ được đặt hàng trong lĩnh vực KH&CN, sau khi nghiên cứu thành công và được nghiệm thu, đơn vị đặt hàng có thể trực tiếp ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm với đơn vị nghiên cứu mà không phải tuân thủ các quy định của Luật Đấu thầu. Theo bà Hà, các Bộ, ngành, địa phương phải dành tối thiểu 20% ngân sách để đặt hàng sản phẩm KH&CN trong nước. Hàng năm, các Bộ, ngành, địa phương phải ban hành danh mục đặt hàng sản phẩm KH&CN để các tổ chức, đơn vị nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, thậm chí cả các cá nhân có thể đăng ký tham gia và được hỗ trợ đầu ra sau khi nghiên cứu thành công sản phẩm.
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội đánh giá cao việc Chính phủ đề xuất vào Nghị quyết quy định chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D). Việc làm này sẽ góp phần tháo gỡ nút thắt và tạo niềm tin, yên tâm hơn trong công tác nghiên cứu đối với nhiều nhà khoa học.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các ĐBQH tham dự Phiên họp.
Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, với tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài R&D, khi đã tuân thủ đầy đủ quy trình và đảm bảo tính khách quan, nếu gây thiệt hại cho cả Nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác cần miễn trách nhiệm dân sự. Ngoài miễn trách nhiệm dân sự cũng cần nghiên cứu miễn cả trách nhiệm hình sự cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Bởi nếu không thì người làm khoa học hết sức rủi ro trong nghiên cứu.
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng, không quy trách nhiệm dân sự và được miễn trừ rủi ro nếu như kết quả nghiên cứu không đạt được khi đã thực hiện đúng quy trình, quy định của pháp luật. Đồng thời bổ sung việc miễn trừ trách nhiệm dân sự phải kèm theo áp dụng đầy đủ các biện pháp áp dụng thử nghiệm, phòng ngừa rủi ro trong quá trình nghiên cứu khoa học. Việc xem xét miễn trách nhiệm dân sự chỉ là với các đề tài nghiên cứu khoa học gây thiệt hại cho Nhà nước, còn gây thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân khác thì vẫn phải thực hiện việc bồi thường theo quy định của chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như trong Bộ luật Dân sự đã quy định.
Trong khuôn khổ Phiên thảo luận, các ĐBQH cũng tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung: Khoán chi trong triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước; ưu đãi thuế cho hoạt động KH,CN&ĐMST; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; trình tự, thủ tục đặc biệt trong đầu tư kết cấu hạ tầng KH&CN bằng nguồn ngân sách nhà nước...
Nghị quyết “đánh trúng” vào những điểm nghẽn kéo dài
Phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm về dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Nghị quyết không tham vọng tháo gỡ mọi điểm nghẽn, mà chỉ tập trung vào thí điểm một số ít chính sách, cơ chế đặc biệt thuộc thẩm quyền Quốc hội và "đánh trúng" vào các điểm nghẽn kéo dài, các vấn đề cấp bách, để tạo ra sự phát triển đột phá, thực hiện được ngay Nghị quyết 57.
Tháng 5/2025, Quốc hội sẽ thông qua Luật KH,CN&ĐMST, Luật Công nghiệp công nghệ số và các luật liên quan khác. Đây sẽ là cơ hội để tiếp tục giải quyết căn cơ hơn các vấn đề thể chế, chính sách và cơ chế cho KH,CN,ĐMST và chuyển đổi số.
Liên quan đến vấn đề cải cách cơ chế quản lý tài chính trong việc thực hiện R&D, giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu, về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, Nghị quyết lần này thí điểm cơ chế khoán chi đối với hầu hết các nghiên cứu mà không phải cam kết kết quả cuối cùng. Nhà nước sẽ quản lý thông qua đánh giá các giai đoạn nghiên cứu để tiếp tục cấp kinh phí, đánh giá các cơ sở nghiên cứu có kết quả để giao thực hiện tiếp các đề tài.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Phiên họp.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng quy định về việc miễn trách nhiệm dân sự và không phải trả lại kinh phí nếu nghiên cứu không đi đến kết quả như dự kiến. Với những chính sách, cơ chế đặc biệt này, hy vọng mức chi ngân sách nhà nước cho KH&CN sẽ tăng từ 1% hiện nay lên tối thiểu 2% như quy định của Luật KH&CN, Bộ trưởng cho biết.
Về thương mại hoá các kết quả nghiên cứu, theo Bộ trưởng, đây cũng đang là điểm nghẽn lớn kéo dài. Nghị quyết thí điểm việc cho phép người làm nghiên cứu được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hoá, được phép tham gia lập và điều hành doanh nghiệp. Đây là những chính sách rất mạnh mẽ về thương mại hóa kết quả nghiên cứu, kể cả kết quả nghiên cứu từ những năm trước.
Về vấn đề đầu tư của doanh nghiệp cho KH&CN, Bộ trưởng cho biết, hiện chi cho nghiên cứu và phát triển mới chỉ đạt 0,5% GDP, bằng 1/4 so với mục tiêu 2% do Trung ương giao. Trong 2% GDP này, chi của doanh nghiệp phải chiếm 70-80%, nhưng hiện nay mới chỉ đạt 1/6, tương ứng 20.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng nhấn mạnh, việc các doanh nghiệp tập trung vào nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, ĐMST sẽ tạo ra các sản phẩm có tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này rất cần những chính sách và cơ chế đột phá. Các cơ chế hiện hành đang giới hạn chi tiêu của doanh nghiệp cho hoạt động khoa học, chỉ ở mức 10% quỹ KH&CN, dẫn đến việc doanh nghiệp Việt Nam chi cho nghiên cứu và phát triển ít hơn các nước khác đến 10 lần.
Bộ trưởng đồng tình với các ĐBQH là cần có các giải pháp để giải phóng mạnh mẽ hơn nữa quỹ khoa học công nghệ của doanh nghiệp, cũng như chính sách khấu trừ thuế cho các khoản chi. Nhà nước cần chung tay với doanh nghiệp để đầu tư cho khoa học và khuyến khích doanh nghiệp chi cho lĩnh vực này.