Thứ ba, 25/02/2025 09:42 GMT+7

Dẫn đầu chất lượng với Tiêu chuẩn Halal: Cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm Việt

Phát biểu tại Hội thảo chuyên môn tháng 2/2025 với chủ đề: Dẫn đầu chất lượng với Tiêu chuẩn Halal do Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) Quốc gia tổ chức mới đây, Quyền Chủ tịch Ủy ban TCĐLCL Quốc gia Hà Minh Hiệp cho biết, trước đây, việc tiếp cận thị trường Halal còn mang tính truyền thống, nên chưa đạt được kết quả như mong đợi. Từ năm 2021, Việt Nam đã chuyển sang một cách tiếp cận mới, tập trung vào việc nhận diện thách thức, tìm ra giải pháp và hợp tác với các chuyên gia trong lĩnh vực Halal để nâng cao hiểu biết và năng lực. Đồng thời, việc thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia (HACERT) đã góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động Halal tại Việt Nam.
 “Nếu chúng ta quyết tâm tiếp cận Halal theo hướng học hỏi, tiếp thu kiến thức, đặt niềm tin và xây dựng niềm tin vào thị trường Halal chúng ta sẽ đi được rất xa và rất lâu”, Quyền Chủ tịch Ủy ban nhấn mạnh.
Quyền Chủ tịch Ủy ban TCĐLCL Quốc gia Hà Minh Hiệp chia sẻ tại Hội thảo.
Chia sẻ tham luận tại Hội thảo, ông Ramlan Bin Osman - Giám đốc HALCERT cho biết, tại Việt Nam, Halal mới xuất hiện ở đồ ăn và đồ uống qua chế biến, thực phẩm hữu cơ hoặc phi hữu cơ và dịch vụ vận chuyển. Tuy nhiên, ở lĩnh vực mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc, thời trang và dịch vụ du lịch thân thiện với người Hồi giáo đang rất phát triển.
Khi đánh giá tiềm năng phát triển của Halal tại Việt Nam, có nhiều vấn đề quan trọng cần được phân tích như: Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt trung bình từ 6% đến 7% mỗi năm, cho thấy nền kinh tế nội địa vững mạnh với tiềm năng cao. Việt Nam sở hữu nguồn nguyên liệu thô tiềm năng dồi dào cho ngành Halal, bao gồm cà phê, gạo, hải sản, sản phẩm nuôi trồng thủy sản, gia vị, các loại hạt, rau củ và trái cây, cho thấy khả năng lớn trong việc sản xuất các sản phẩm cuối cùng.
Việt Nam cũng đã được công nhận là một trong những điểm đến du lịch quốc tế hàng đầu vào năm 2018, cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành dịch vụ lưu trú, bao gồm nhà hàng Halal và dịch vụ ăn uống.
Cũng theo ông Ramlan Bin Osman, điều kiện tiên quyết để chứng nhận Halal đó chính là phải đạt được chứng nhận liên quan đến an toàn thực phẩm, trong đó có thể là chứng nhận của HACCP, GWP, ISO, FDA… Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia vào thị trường thực phẩm Halal toàn cầu, trị giá 3 nghìn tỷ USD nhưng vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ, với chưa đến 10% nhu cầu được thỏa mãn.
“Với tiềm năng và thị trường như hiện nay đã đến lúc Việt Nam vươn mình phát triển trong thị trường Halal”, ông Ramlan Bin Osman khẳng định.
Ông Ramlan Bin Osman - Giám đốc HALCERT.
Liên quan đến trách nhiệm lãnh đạo khi áp dụng chương trình Halal, ông Ramlan Bin Osman cho biết, các trụ cột để thực hiện Halal bao gồm kiến thức, sự cam kết và sự chân thành. Khi thực hiện có thể tham khảo về trách nhiệm lãnh đạo tại tiêu chuẩn MS 1500 của Indonesia.
Về yêu cầu: Ban quản lý phải thành lập một ban gồm các nhân viên Hồi giáo, những người có trách nhiệm đảm bảo hiệu quả trong việc thực hiện hệ thống kiểm soát Halal nội bộ; Ban quản lý phải đảm bảo rằng các thành viên trong ban Halal được đào tạo về các nguyên tắc Halal và cách áp dụng; Ban quản lý phải chuẩn bị đầy đủ nguồn lực (tức là cơ sở vật chất, tài chính và cơ sở hạ tầng) để triển khai hệ thống kiểm soát Halal.
Chức năng và vai trò của ban Halal nội bộ đó chính là xây dựng chính sách Halal; Thực hiện hoạt động đánh giá nội bộ về Halal; Thực hành Halal tốt trong tổ chức, trong đó gồm: Nguyên liệu thô, quy trình sản xuất, vận chuyển và lưu trữ, các thực hành sản xuất tốt.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.
Về xem xét lãnh đạo, có thể xem xét định kỳ của ban lãnh đạo để đảm bảo tính phù hợp, đầy đủ, phản hồi, hiệu quả của các thực hành Halal; Bao gồm tất cả thành viên của ban Halal nội bộ và ban quản lý; Thảo luận các vấn đề liên quan đến phát triển, triển khai, bảo trì và đánh giá thực hành Halal; Đánh giá các cơ hội để cải thiện thực hành Halal.
Có thể nói, tính toàn vẹn của Halal là trách nhiệm của mọi người trong tổ chức, mọi người trong tổ chức phải hiểu rõ khái niệm về Halal.
Trong khuôn khổ Hội thảo cũng diễn ra phần trao đổi thảo luận, giải đáp những vướng mắc giữa chuyên gia và các đại diện tham dự.
 

Nguồn: Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia

Lượt xem: 114

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)