Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Mạnh Hùng đã đề cập về sự cần thiết sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử. Bộ trưởng cho biết: Việc sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về năng lượng nguyên tử, thống nhất với các văn bản khác có liên quan và đáp ứng yêu cầu thực tiễn; xây dựng cơ sở pháp lý bảo đảm sự đầy đủ, toàn diện trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về năng lượng nguyên tử; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân; phát triển bền vững ứng dụng năng lượng nguyên tử; thực hiện cam kết, nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam; tăng cường hợp tác quốc tế; năng lượng nguyên tử góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Toàn cảnh Phiên họp. (Ảnh: Quốc hội).
Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) gồm 12 Chương, 73 Điều, được xây dựng trên cơ sở bám sát 4 chính sách lớn đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết 240/NQ-CP ngày 17/12/2024 về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 11/2024. Các chính sách bao gồm: Thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử; bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, phân cấp trong công tác quản lý nhà nước; tạo thuận lợi cho hoạt động thanh sát hạt nhân; quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân, trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng. (Ảnh: Quốc hội).
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy khẳng định, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) như đề xuất của Chính phủ tại Tờ trình số 164/TTr-CP ngày 01/4/2025. Đồng thời nhấn mạnh một số quan điểm và yêu cầu quan trọng trong quá trình sửa đổi Luật, cụ thể: (i) Thể chế hóa chủ trương của Đảng, nhất là nội dung về tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ của đất nước, từng bước làm chủ công nghệ điện hạt nhân; đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao năng lực trong nước nội địa hoá thiết bị điện hạt nhân; (ii) Kế thừa pháp luật về năng lượng nguyên tử hiện hành; sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp với hướng dẫn của IAEA; rà soát, chuẩn bị kịp thời số lượng lớn các văn bản hướng dẫn thi hành luật, đặc biệt là liên quan đến nhà máy điện hạt nhân; phân cấp, phân định rõ ràng, đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân; (iii) Cụ thể hóa đầy đủ 4 chính sách xây dựng dự án Luật đã được Quốc hội thông qua…
Về việc thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị thực hiện nghiêm Quy định số 178 và thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị. Về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật và tính tương thích với điều ước quốc tế, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị tiếp tục rà soát, đối chiếu các quy định của dự án Luật với các luật có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất; tiếp tục rà soát, tham chiếu, bảo đảm tương thích với điều ước quốc tế như công ước về an toàn hạt nhân, an ninh hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân, cam kết của Việt Nam tại các hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy. (Ảnh: Quốc hội).
Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy đã đề cập đến vấn đề phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; an toàn, an ninh cơ sở hạt nhân; chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân; bồi thường thiệt hại bức xạ, thiệt hại hạt nhân;
Về ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị tiếp tục rà soát, bảo đảm tính đầy đủ, thống nhất giữa nội dung các kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp quốc gia, cũng như tính khả thi, chặt chẽ của các kế hoạch; bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với Luật Phòng thủ dân sự và dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp, tính khả thi trong phối hợp giữa các cơ quan có liên quan.
Về bồi thường thiệt hại bức xạ, thiệt hại hạt nhân, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng, hiện nay Việt Nam chưa tham gia Công ước bồi thường hạt nhân nên cần có tuyên bố chính sách về vấn đề này để có căn cứ trong đàm phán và ký kết về các nội dung liên quan. Tuy nhiên, bồi thường thiệt hại hạt nhân là vấn đề mang tính quốc tế; Việt Nam chưa có kinh nghiệm thực tiễn. Do đó, đề nghị khi rà soát, hoàn thiện các quy định này cần tham khảo đầy đủ hướng dẫn của IAEA, tham vấn rộng rãi các chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực dân sự, công pháp, tư pháp quốc tế, bảo hiểm để bảo đảm tính khả thi. Rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi của dự án Luật với hệ thống pháp luật và các điều ước quốc tế.
Trong khuôn khổ Phiên họp, các Ủy viên Thường vụ Quốc hội đã tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung: Phân quyền quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; đảm bảo tính thực tiễn và khả thi của dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan liên quan và cơ chế phối hợp giữa các bên; an toàn, an ninh cơ sở hạt nhân; ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử...
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Bộ KH&CN, Ủy ban KH,CN&MT, các cơ quan khác của Quốc hội đã tích cực chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật có nhiều nội dung mới, phức tạp. Tuy nhiên, Chính phủ, Bộ KH&CN, Ủy ban KH,CN&MT, các cơ quan của Quốc hội đã rất cố gắng, nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ.
Để đảm bảo chất lượng dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị Chính phủ khẩn trương, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan chủ trì thẩm tra để hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới. Trong đó, lưu ý các nội dung như: Bảo đảm thể chế hóa, cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, các Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc Quy định số 178 ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất của dự án Luật với hệ thống pháp luật, các điều ước quốc tế và quy định tại Luật Năng lượng nguyên tử của IAEA. Đặc biệt, xem xét lại sự tương thích của Luật này với một số luật có liên quan như: Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Phòng thủ dân sự...
Tại Phiên họp, các Ủy viên Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị làm rõ thêm về thẩm quyền, những vấn đề không chỉ phục vụ cho nhà máy điện hạt nhân, các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội như y tế, nông nghiệp, vấn đề chiếu xạ, những rủi ro cao của bức xạ hạt nhân... Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan rà soát, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ, phù hợp ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban KH,CN&MT; ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); đảm bảo chất lượng và thời hạn gửi tài liệu để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 9.