Thứ năm, 27/10/2016 15:38 GMT+7

Nghiên cứu công nghệ tuyển quặng thiếc gốc khu Suối Giang tỉnh Ninh Thuận

Theo đánh giá địa chất, quặng thiếc (Sn) ở Việt Nam có trữ lượng không lớn. Tài nguyên này ở cấp 332, 333 khoảng 97.600 tấn, ở cấp 334a khoảng 268 tấn Sn kim loại và tập trung ở các vùng Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Nghệ An…


Quặng thiếc được chia thành 2 loại: thiếc sa khoáng và thiếc gốc. Quặng thiếc sa khoáng dễ khai thác và chế biến, công nghệ chế biến đơn giản và chi phí sản xuất thấp. Quặng thiếc gốc khó khai thác và chế biến hơn, vì chúng có thành phần vật chất phức tạp, khoáng chứa thiếc xâm nhiễm rất mịn. Hiện nay, trên thế giới cũng như Việt Nam, quặng thiếc sa khoáng gần như cạn kiệt, công nghiệp khai thác và công nghệ chế biến đã được nghiên cứu hoàn thiện và ứng dụng rộng rãi. Trong khi đó, quặng thiếc gốc trên thế giới cũng chỉ được nghiên cứu ở một số nước như Trung Quốc, Nam Phi… Ở Việt Nam, quặng thiếc gốc xâm nhiễm mịn với hàm lượng thấp chưa được khai thác và nghiên cứu một cách chi tiết. Tuy nhiên, nhu cầu thiếc kim loại để phục vụ cuộc sống hàng ngày tăng cao, nên việc tìm kiếm, khai thác và chế biến có hiệu quả các mỏ thiếc gốc có trữ lượng nghèo nàn để tránh lãng phí tài nguyên cũng như mang lại nguồn lợi kinh tế cần được quan tâm và nghiên cứu sâu hơn. Vì vậy, từ tháng 8/2013 đến tháng 7/2014, nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim do KS. Trần Ngọc Anh dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu công nghệ tuyển quặng thiếc gốc khu Suối Giang tỉnh Ninh Thuận”.

Từ kết quả nghiên cứu công nghệ tuyển quặng thiếc gốc khu Suối Giang tỉnh Ninh Thuận ở quy mô phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã rút ra một số kết luận sau:
- Kết quả nghiên cứu thành phần vật chất mẫu nghiên cứu cho thấy:
Mẫu quặng thiếc khu Suối Giang tỉnh Ninh Thuận có hàm lượng thấp. Hàm lượng Sn trung bình trong mẫu nguyên khai là 0,182%, các tạp chất đi kèm SiO2 là 68,98%, Tfe là 4,01%.
Thành phần khoáng chủ yếu là casiterit, hematit, limonit, khoáng vật phi quặng bao gồm thạch anh và mica… Để tuyển tách Sn ra khỏi các tạp chất đi kèm trong mẫu quặng có thể dùng phương pháp tuyển trọng lực để loại bỏ thành phần phi quặng bao gồm thạch anh, mica. Quặng tinh tuyển trọng lực dùng tuyển để tách các khoáng vật có từ bao gồm hematit, limonit…
- Từ kết quả nghiên cứu tuyển trọng lực, tuyển từ mẫu nghiên cứu đưa ra kết luận sau:
Sơ đồ tuyển hợp lý đối với quặng thiếc gốc khu mỏ Suối Giang, tỉnh Ninh Thuận là tuyển trọng lực vít đứng kết hợp bàn đãi thu hồi tinh quặng thô, quặng trung gian của khâu tuyển trọng lực được gia công giải phóng kết hạch và cũng được tiến hành trên thiết bị vít đứng, bàn đãi để nâng cao thực thu, quặng tinh tuyển trọng lực sau đó tiến hành tuyển từ để thu hồi quặng tinh thiếc.

Sử dụng sơ đồ tuyển trọng lực kết hợp vít đứng và bàn đãi, thu được quặng tinh thiếc thô có hàm lượng 15 ÷ 16%, thực thu thiếc đạt khoảng 68%. Đã loại bỏ được 70% quặng đuôi của vít đứng hàm lượng Sn 0,013% với phân bố 5,039%.

Nghiên cứu xử lý quặng trung gian để nâng cao thực thu của toàn khâu công nghệ. Quặng trung gian được nghiền - 0,25 mm giải phóng kết hạch, sau đó, được tuyển trên các thiết bị truyền thống là vít đứng và bàn đãi thu được quặng có hàm lượng Sn 14 ÷ 15%, xấp xỉ với quặng tinh thô khâu tuyển trọng lực, thực thu khoảng 20%.

Quặng tinh thô và quặng tinh trung gian gộp lại đem đi tuyển từ thu được quặng tinh thiếc có hàm lượng 55,025% Sn, thực thu khoảng 73%.

Ngoài ra, đề tài đã tiến hành thí nghiệm trên thiết bị hiện đại siêu trọng lực knelson và phương pháp tuyển nổi để lựa chọn phương pháp tuyển tốt nhất cho quặng thiếc gốc khu Suối Giang.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 11207/2015) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Lượt xem: 12145

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)