Thứ năm, 29/09/2016 09:20 GMT+7

Hoàn thiện Tiêu chuẩn, Quy chuẩn để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ gạch không nung

Nhằm thảo luận, góp ý, hoàn thiện cho báo cáo “Rà soát, đánh giá thực trạng các văn bản tiêu chuẩn quy chuẩn về gạch không nung (GKN), đề xuất chương trình khung các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển sản phẩm gạch xây không nung ở Việt Nam...


Toàn cảnh Hội thảo


Tham dự và chủ trì Hội thảo có TS. Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH&CN); đại diện Lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học đến từ các đơn vị: Bộ Xây dựng, UNDP, Hội Vật liệu xây dựng, Hiệp hội gốm sứ xây dựng Việt Nam, Viện Vật liệu xây dựng, Viện KH&CN xây dựng, Trường Đại học Xây dựng, Trường cao đẳng nghề Viglacera; các doanh nghiệp cung cấp thiết bị như: Công ty cổ phần Cơ khí và Vật liệu xây dựng Thanh Phúc (Hải Phòng), Công ty cổ phần đầu tư và công nghệ Đức Thành (Hà Nội); Công ty cổ phần Gạch Khang Minh (Hà Nam), Công ty cổ phần Clever (Bắc Giang), Công ty cổ phần Bê tông khí Viglacera, Công ty cổ phần Sông Đà Cao Cường (Hải Dương),…

Phát biểu tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Giám đốc Dự án Nguyễn Đình Hậu gửi lời cảm ơn về những ý kiến trao đổi, đóng góp của các đại biểu và đề nghị nhóm tư vấn của Dự án tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện các dự thảo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về gạch không nung để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian sớm nhất.


Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật Nguyễn Đình Hậu phát biểu tại Hội thảo


Hội thảo đã được nghe các báo cáo chuyên đề về Rà soát, đánh giá thực trạng các văn bản tiêu chuẩn quy chuẩn về gạch không nung; Đề xuất chương trình khung các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sản xuất gạch xây không nung ở Việt Nam, chương trình khung về Tiêu chuẩn - Quy chuẩn GKN và Dự thảo 03 tiêu chuẩn đề nghị soát xét. Các báo cáo đã phản ánh kết quả khảo sát thực tế về tính đầy đủ, tính cấp thiết, sự phù hợp và những bất cập trong việc ban hành, sử dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, quản lý chất lượng sản phẩm GKN, công tác thiết kế, thi công, nghiệm thu và bảo trì công trình xây dựng sử dụng GKN cũng như tổng hợp kết quả điều tra, khảo sát về việc áp dụng tiêu chuẩn GKN tại một số tỉnh như: Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Long An, TP Hồ Chí Minh, Thái Bình, Hà Nam,…

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã có những góp ý phân tích, bổ sung, hoàn thiện các báo cáo nói trên và nhất trí đánh giá các văn bản về tiêu chuẩn, quy chuẩn GKN đã được ban hành tương đối đầy đủ và kịp thời góp phần vào thắng lợi bước đầu việc thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung theo Quyết định số 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hội thảo cũng đã chỉ ra một số bất cập, đó là việc triển khai, phổ biến tiêu chuẩn và quy chuẩn còn hết sức hạn chế. Việc ban hành chưa đảm bảo tính đồng bộ như thiếu định mức khối xây và hướng dẫn thi công, nghiệm thu công trình sử dụng gạch bê tông, thiếu tiêu chuẩn thiết kế cho GKN gây khó khăn cho việc thiết kế, dự toán và quyết toán, dẫn đến cản trở việc sử dụng GKN. Một số tiêu chí trong các tiêu chuẩn sản phẩm cũng cần được nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp thực tế, dễ áp dụng. Đặc biệt công tác quản lý chất lượng sản phẩm GKN theo Quy chuẩn QCVN 16: 2014 chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến nhiều sản phẩm không đạt chất lượng theo quy chuẩn vẫn lưu thông trên thị trường tạo nên sự cạnh tranh không bình đẳng.

Tại Hội thảo, các đại biểu thống nhất kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ KH&CN hoàn thiện hệ thống các văn bản Tiêu chuẩn GKN từ nay đến 2020 và đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, biên soạn hoàn thiện các tài liệu về giảng dạy, đào tạo công nghệ sản xuất GKN và đào tạo nghề sử dụng GKN, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu KH&CN sản xuất GKN phù hợp với điều kiện thực tế phát triển ở Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình phát triển GKN đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 với mục tiêu: đến năm 2015 thị phần GKN chiếm 20% - 25% và đến năm 2020 chiếm 30% - 40% sản lượng gạch xây; hàng năm sử dụng 10 - 20 triệu tấn phế thải công nghiệp (tro) từ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá và lò đốt than ở các ngành công nghiệp khác để sản xuất vật liệu GKN, từ đó tiết kiệm khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp mỗi năm; từng bước thay thế các cơ sở sản xuất gạch thủ công truyền thống bằng các nhà máy sản xuất GKN.

Lượt xem: 1926

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)