Thứ sáu, 11/11/2016 16:09 GMT+7

Ứng dụng công nghệ nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Ngày 10/11/2016, tại Thái Nguyên đã diễn ra Hội thảo “Ứng dụng công nghệ nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.

Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Bắc Trương Xuân Cừ và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Đoàn Văn Tuấn chủ trì.

Tham gia Hội thảo có đại diện Bộ KH&CN, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Viện Công nghệ và Môi trường, Đại học Thái Nguyên, các cơ quan quản lý về KH&CN của Trung ương/ địa phương, các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp.


Toàn cảnh Hội thảo


Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Đoàn Văn Tuấn khẳng định, xây dựng, phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, đủ sức cạnh tranh trong hội nhập, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao đời sống người nông dân là mục tiêu trong phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, nông nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển, song cũng phải đối mặt với nhiều thách thức với sự phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Để tìm hướng cho những khó khăn, thách thức này thì việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN, các kiến thức sản xuất tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nông nghiệp là hết sức cần thiết.

Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Tây Bắc Trương Xuân Cừ cho rằng, để nâng cao đời sống cho đồng bào vùng Tây Bắc, cần phải đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong tái cơ cấu nông nghiệp. Trọng tâm là nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn với thị trường và bảo vệ môi trường, tạo bước đột phá trong thực hiện tái cơ cấu. Ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, các giải pháp KH&CN tiên tiến. Xây dựng các mô hình công nghệ cao theo tinh thần chuyển số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng, nhân ra diện rộng. Phát triển các sản phẩm có lợi thế của vùng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh thị trường. Phát triển liên kết vùng trong lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân.

Tại Hội thảo, đã có nhiều ý kiến tham luận, chia sẻ tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong tái cơ cấu nông nghiệp. Trọng tâm là nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn với thị trường và bảo vệ môi trường, tạo bước đột phá trong thực hiện tái cơ cấu; ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, các giải pháp KH&CN tiên tiến; xây dựng các mô hình công nghệ cao theo tinh thần chuyển số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng, nhân ra diện rộng; phải tăng và ổn định năng suất, chất lượng bằng các loại giống mới; cải tiến kỹ thuật nuôi trồng nhằm giảm đầu vào; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường…

Để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, các đại biểu cho rằng, cần đặc biệt quan tâm đến cải tiến công nghệ bảo quản sau thu hoạch nhằm giảm thất thoát, ổn định chất lượng sản phẩm; tiếp tục quan tâm đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất; có sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”. Đồng thời, cần có cơ chế chính sách thúc đẩy đầu tư và đổi mới công nghệ trong bảo quản và chế biến nông lâm, thủy sản chủ lực, mà đối tượng chính là các doanh nghiệp có đề án tổ chức liên kết theo chuổi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tùy theo quy mô và đặc thù của mỗi vùng kinh tế và địa phương. Tăng cường đầu tư cho các hoạt động kết nối cung - cầu về sản phẩm KH&CN mới; tạo cơ chế hỗ trợ chuyển giao công nghệ từ các viện nghiên cứu và trường đại học đến với doanh nghiệp.

Lượt xem: 1889

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)