Qua 1 năm triển khai nghiên cứu (từ tháng 12/2014 đến 01/2014) nhóm nghiên cứu nhận thấy: Gỗ nhân tạo được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực xây dựng và kiến trúc. Các sản phẩm gỗ nhân tạo nền xi măng được ứng dụng đa dạng hơn nhờ tính chất riêng của nó, ngoài các sản phẩm nội thất thì sản phẩm này còn được sử dụng với nhiều tiện ích ngoại thất rất thông dụng như sàn, tường gỗ, hàng rào, ốp ngoài ngôi nhà, ngói, bàn ghế,... Đây là các ứng dụng mà gỗ tự nhiên và các sản phẩm liên quan không đáp ứng được. Sản phẩm gỗ nhân tạo hiện chiếm lĩnh một thị trường rộng lớn với nhiều ưu điểm và thân thiện với môi trường. Ở các nước phát triển trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản có tỷ lệ sử dụng các sản phẩm gỗ nhân tạo trong một công trình xây dựng lên đến 70%. Tại Châu Á và khu vực Đông Nam Á có tỷ lệ sử dụng gỗ nhân tạo là thấp nhất, không quá 20% ứng dụng của gỗ nhân tạo được sử dụng cho một công trình xây dựng. Một số nước trong khu vực này có tỷ lệ cao hơn là Thái Lan, Malaysia, Singarpo là do chính sách nhà nước, thói quen và đặc biệt do nắm bắt được công nghệ sản xuất. Hiện có một số thương hiệu gỗ nhân tạo hàng đầu trong khu vực này là Cemboard, Smartwood và Decorwood, đều là những doanh nghiệp sản xuất gỗ nhân tạo trên nền xi măng cốt sợi. Tuy nhiên, ở Việt Nam chỉ có duy nhất Công ty Vĩnh Tường cho ra mắt sản phẩm có tính chất tương tự trên cơ sở công nghệ Flow-on nhưng chỉ dừng lại ở dạng cơ bản. Do đó từ các kết quả nghiên cứu, phân tích và đánh giá các công nghệ phổ biến dùng sản xuất gỗ nhân tạo, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn công nghệ Xeo dùng để sản xuất thử nghiệm gỗ nhân tạo sử dụng vật liệu conposite nền xi măng gia cường sợi.
Để đảm bảo sản phẩm tạo ra từ công nghệ này có chất lượng ổn định và không sinh ra các khuyết tật, ngoài lựa chọn quy trình công nghệ thích hợp thì việc lựa chọn cấp phối hợp lý cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm.
Từ bảng cấp phối cơ sở, nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích thêm về bản chất và yêu cầu công nghệ đối với sản phẩm. Ngoài các đặc trưng cơ bản của các sản phẩm gỗ nhân tạo như độ bền thấm nước, tạo hình,... thì có một đặc tính của sản phẩm gỗ nhân tạo là độ cong vênh và ổn định thể tích. Đây cũng là vấn đề tồn tại trong các sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ Xeo, vì vậy, ngoài việc sử dụng nhóm vật liệu chính của công nghệ như xi măng và sợi PVA, nhóm nghiên cứu đã phân tích và bổ xung vào cấp phối các phụ gia để giúp ổn định thể tích Mica (X2Y4-6Z8O2z0(OH,F)4 hoặc Wollastonite (CaO.SiO2)
Các phụ gia được sử dụng trong cấp phối bao gồm: Silica fume; Bột giấy (bột cellulose); Bentonite; Wollastonite; Mica; Chất kết bông Flocculant.
Nghiên cứu các cấp phối: nhóm nghiên cứu đưa ra được 3 cấp phối khác nhau để thực hiện sản xuất thử nghiệm.
Nhóm nghiên cứu chạy khảo nghiệm 2 đợt với 3 cấp phối đã được lựa chọn. Các sản phẩm ở mỗi cấp phối được đánh giá và kiểm tra độ bền uốn tại Viện Công nghệ và Viện Vật Liệu xây dựng. Kết quả sau đánh giá kiểm tra cho thấy, các sản phẩm mẫu đều đạt yêu cầu độ bền uống là >20MPa.
Để có thể hoàn thiện sản phẩm và đưa mô hình sản xuất thử nghiệm vào sản xuất quy mô công nghiệp, nhóm nghiên cứu mong muốn được tiếp tục nghiên cứu các giải pháp công nghệ nhằm tối ưu hóa cấp phối và tạo ra các sản phẩm với chi phí và chất lượng phù hợp với thị trường trong nước.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 10906) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.