Toàn cảnh buổi nghiệm thu đề tài KC.10.09/11-15Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nước do Văn phòng Các chương trình trọng điểm cấp nhà nước - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Ban Chủ nhiệm Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” (KC.10/11-15) tổ chức ngày 13/01/2016 tại Hà Nội.
Theo PGS.TS Trần Hậu Khang, ung thư da (UTD) là một trong những ung thư thường gặp ở trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng. UTD được chia thành 2 nhóm chính: ung thư tế bào hắc tố và ung thư tế bào không hắc tố. 3 loại ung thư thường gặp nhất trong UTD là ung thư tế bào đáy, ung thư tế bào vảy và ung thư tế bào hắc tố.
Ở Việt Nam, những năm gần đây, số người mắc ung thư nói chung và UTD nói riêng tăng rất nhanh. Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, số bệnh nhân UTD đến khám và điều trị năm 2009 tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2007. Có nhiều trường hợp mắc UTD, đặc biệt là nông dân, những người làm nghề chài lưới, nhưng do hạn chế hiểu biết về bệnh nên nhiều bệnh nhân mắc bệnh UTD đã không đến khám hoặc đến quá muộn khi tổ chức ung thư đã di căn. Trong khi đó, các cơ sở y tế có thể chẩn đoán và điều trị UTD ở nước ta không nhiều, chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Hầu hết các trường hợp bệnh nhân đến khám và điều trị ung thư da thường ở giai đoạn muộn.
Mặc dù đã có không ít nghiên cứu về UTD ở Việt Nam trong thời gian qua ở cả ba miền. Tuy nhiên, hầu hết là nghiên cứu hồi cứu về tình hình đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của các bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện với cỡ mẫu rất hạn chế, chưa phản ánh được thực trạng tình hình UTD ở nước ta. Đến nay, chưa có một nghiên cứu nào về đặc điểm dịch tễ cũng như các yếu tố nguy cơ của UTD một cách hệ thống. Nhiều trường hợp UTD không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Xuất phát từ thực tiễn đó, Bệnh viện Da liễu Trung ương đề xuất và được Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện đề tài “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, yếu tố nguy cơ, phương pháp chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư da” từ tháng 2/2012. Đề tài hướng đến mục tiêu xác định được đặc điểm dịch tễ học, yếu tố nguy cơ của bệnh UTD ở Việt Nam; đánh giá hiệu quả điều trị UTD tại Bệnh viện Da liễu Trung ương; xây dựng được quy trình chẩn đoán và điều trị UTD.
Sau quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu đã đưa ra được báo cáo đặc điểm dịch tễ học và các yếu tố nguy cơ của UTD. Cụ thể, xác định được tỉ lệ hiện mắc và các yếu tố nguy cơ gây UTD ở Việt Nam. Sản phẩm đã được công bố ở các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Cùng với đó, đưa ra quy trình chẩn đoán UTD có thể chẩn đoán sớm các loại UTD, độ chính xác cao trên 90% các trường hợp; quy trình điều trị UTD đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn và phù hợp với từng loại UTD; báo cáo đánh giá kết quả điều trị UTD với tỉ lệ tái phát dưới 5%, kéo dài thời gian sống sau điều trị; báo cáo đề xuất các biện pháp dự phòng UTD phù hợp và mang tính khả thi với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam; báo cáo tổng thể kết quả nghiên cứu đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu sản phẩm của đề tài. Cùng với đó, nhóm nghiên cứu đã xuất bản cuốn sách “Ung thư da và các biện pháp phòng tránh”. Đào tạo 4 thạc sĩ và 1 tiến sĩ chuyên ngành da liễu.
Theo đánh giá của các thành viên Hội đồng, phương pháp nghiên cứu của đề tài mang tính khoa học và thực tiễn cao. Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở giúp các nhà hoạch định chính sách về UTD của Bộ Y tế và của ngành da liễu xác định, định hướng chiến lược điều trị và phòng tránh UTD ở Việt Nam. Từ kết quả của đề tài, nhóm nghiên cứu có thể liên kết với ngành y tế của các địa phương trong việc điều trị và phòng tránh UTD và với các labo nghiên cứu về đột biến gen P53 và BRAF trong chẩn đoán ung thư nói chung và UTD nói riêng.