Thứ năm, 15/09/2016 16:55 GMT+7

Nghiên cứu quy trình công nghệ tổng hợp một số loại kháng sinh nhóm fluoroquinolon

Năm 2015, nhóm nghiên cứu do TS. Trần Đức Quân, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đứng đầu đã Nghiên cứu quy trình công nghệ tổng hợp một số loại kháng sinh nhóm fluoroquinolon nhằm có thể chủ động hơn về nguồn thuốc phục vụ...
Kháng sinh nhóm fluoroquinolon là nhóm kháng sinh tổng hợp, hiệu quả cao, đã và đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới, trong đó ciprofloxacin và levofloxacin được tiêu thụ mạnh nhất. Doanh số bán ra của hai loại thuốc này chiếm 65% tổng doanh thu các loại kháng sinh thuộc nhóm fluoroquinolon. Nhu cầu sử dụng levofloxacin nói riêng và các kháng sinh nhóm fluoroquinolon là rất lớn và ổn định. Đặc biệt nhu cầu sử dụng nhóm thuốc kháng sinh này để chữa bệnh tại Việt Nam là rất cao. Tuy nhiên, cho đến nay hầu hết các loại kháng sinh được sử dụng trong nước đều vẫn là các sản phẩm ngoại nhập, đặc biệt là đối với các loại biệt dược như levofloxacin và ciprofloxacin. Giá thành của nhóm thuốc này khá cao so với khả năng chi trả của người bệnh, đặc biệt là các bệnh nhân nghèo ở nước ta.

Để có thể chủ động hơn về nguồn thuốc này, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu tổng quan, sơ lược về các thuốc kháng sinh nhóm Fluoroquinolon, cơ chế tác dụng, các tác dụng phụ của thuốc kháng sinh thuộc nhóm Fluoroquinolon. Đồng thời nghiên cứu một số phương pháp tổng hợp các Fluoroquinolone đã được công bố, tình hình nghiên cứu và sử dụng ciprofloxacin, levofloxacin ở trong nước, nguyên liệu và phương pháp nghiên cứu, trang thiết bị, vật tư hóa chất. Từ đó xây dựng quy trình tổng hợp ciprofloxacin và quy trình tổng hợp levofloxacin với quy mô lớn.

Qua quá trình nghiên cứu, đối với việc tổng hợp ciprofloxacin, nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công quy trình công nghệ tổng hợp 2,4-dichloro-5-fluoro benzoic axit từ chất đầu là 2,4- dichloro-5-methyl aniline. So với một số kết quả đã được công bố trước đây, quy trình tổng hợp này có ưu điểm là các bước tổng hợp chất trung gian không quá phức tạp, không đòi hỏi phải sử dụng phải sử dụng các trang thiết bị đặc chủng. Phản ứng cho hiệu suất khá cao, dễ tinh chế và có thể tiến hành liên tục. Quy trình này đạt quy mô 2kg sản phẩm/mẻ, có tính ổn định cao, có thể áp dụng để tổng hợp ciprofloxacin quy mô lớn. Đã tổng hợp được 5,1kg ciprofloxacin đạt độ tinh khiết >98%. Sản phẩm có độ ổn định trên 24 tháng và đạt tiêu chuẩn Dược điện Anh (BP 2007).

Đối với tổng hợp levofloxacin, đã xây dựng được quy trình công nghệ để tổng hợp levofloxacin từ nguyên liệu đầu là 2,3,4-trifluoroaniline và methyl-D-lactate. Các bước tổng hợp chất trung gian đã thực hiện có độ chọn lọc cao về mặt lập thể, và có sử dụng cho các bước tổng hợp tiếp theo mà hầu như không cần phải tinh chế lại. Đã xây dựng được quy trình tổng hợp levofloxacin đạt quy mô 500g sản phẩm/mẻ. Quy trình có tính ổn định cao, có thể áp dụng để tổng hợp levofloxacin với quy mô lớn hơn.

Đã tổng hợp được 1020g levofloxacin đạt độ tinh khiết >99% ee. Sản phẩm có độ ổn định trên 24 tháng và đạt tiêu chuẩn Dược điện Mỹ (USP 34).

Nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị triển khai tiếp các giai đoạn nhằm hoàn thiện quy trình tổng hợp nguyên liệu, xây dựng quy trình bào chế thuốc, tiến hành các giai đoạn thử độc tính cấp, độc tính bán trường diễn và tiến tới thử nghiệm lâm sàng.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 11647) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Lượt xem: 3294

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)