Thứ ba, 30/08/2016 18:00 GMT+7

Hội thảo khoa học và công nghệ cấp Vụ

Với phương châm "Tự học tập nâng cao kiến thức, liên tục cập nhật thông tin khoa học và công nghệ (KH&CN) mới để phục vụ tốt cho công tác quản lý", Lãnh đạo Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật đã chủ trương định kỳ hàng tháng tổ chức hội...

Ngày 25/8/2016 tại trụ sở Bộ KH&CN, dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Đình Hậu, Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật lần đầu tiên tổ chức hội thảo KH&CN cấp Vụ. Với nội dung chuyên đề về lĩnh vực công nghệ sinh học, Vụ đã mời PGS.TS. Nguyễn Văn Thuận- Khoa Công nghệ sinh học, trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trình bày chuyên đề "Kỹ thuật tạo giống bằng công nghệ mới nhằm tạo ra vật nuôi chất lượng cao để xây dựng thương hiệu mạnh trong điều kiện hội nhập quốc tế" và TS. Trịnh Thành Trung- Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày chuyên đề “Melioidosis - một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang bị lãng quên ở Việt Nam”.


TS. Nguyễn Đình Hậu chủ trì Hội thảo


Trong bài báo cáo của mình, PGS.TS. Nguyễn Văn Thuận đã nêu:

- Việt Nam mong muốn làm chủ và thành công kỹ thuật nhân bản vô tính động vật từ năm 2015-2020.

- Ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại để tạo ra những dược phẩm thế hệ mới là hướng đi đúng của chiến lược “Green Biomedicine Industry” của thế giới và Việt Nam hiện nay.

- Bảo tồn động vật quý hiếm dựa trên thành tựu của nhân bản vô tính động vật.

- Tái biệt hóa tế bào cơ thể thành tế bào gốc và tạo ra cơ quan nội tạng (Bio-organ) phục vụ cho cấy ghép nội tạng trên người là những kỹ thuật trong công nghệ sinh học tương lai.

Tuy nhiên hiện nay, Việt Nam vẫn chưa nắm được những chìa khóa công nghệ để thực hiện những nhiệm vụ trên. Để thực hiện thành công những kết quả này, Việt Nam cần nắm vững và thực hiện được thành công Công nghệ nhân bản động vật bậc cao, Công nghệ tái biệt hóa tế bào và Công nghệ chuyển cấy gen trên động vật.

Với kinh nghiệm của PGS và nhóm nghiên cứu tại nước ngoài: thành công nhân bản động vật giống gốc (inbred) qua 25 thế hệ từ một tế bào cơ thể và đã gia tăng tỷ lệ thành công của nhân bản vô tính từ 1% lên đến 10%; tái biệt hóa tế bào tuyến tụy của chuột bị bệnh tiểu đường thành tế bào beta có thể sản xuất insulin bình thường; tạo ra dòng lợn có gan đã bất hoạt gen a1,3-galactosyltransferase định hướng có thể dùng để dị ghép sang người mà không bị thải ghép; lợn nhân bản vô tính và chuyển cấy gen có khả năng tạo ra thuốc kích thích tạo hồng cầu; tạo giống bò mới chất lượng cao, sữa giàu chất dinh dưỡng và vitamin; công nghệ chuyển cấy gen và tạo động vật khảm bò sữa tạo ra dược phẩm cho người (giá của những bò này từ 1.000.000 – 200.000.000 USD/bò). PGS.TS. Nguyễn Văn Thuận mong muốn triển khai tại Việt Nam để tạo sản phẩm công nghệ cao của công nghệ sinh học Made in Việt Nam.


PGS.TS. Nguyễn Văn Thuận trình bày tại Hội thảo

Với nội dung “Melioidosis - một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang bị lãng quên ở Việt Nam”, TS. Trịnh Thành Trung, Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tóm tắt tổng quan tình hình dịch tễ bệnh ở Việt Nam và trên toàn thế giới, đưa ra các bằng chứng khoa học chứng minh Việt Nam là nước nằm trong vùng dịch tễ ở mức báo động đỏ - mức báo động cao nhất. Với dẫn chứng khoa học, TS. Trung đã chỉ ra dự báo mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 10.000 ca nhiễm bệnh và khoảng 5.000 ca tử vong. TS. Trung đã phân tích những lỗi cơ bản trên lâm sàng và trong xét nghiệm vi sinh dẫn đến việc chẩn đoán nhầm bệnh melioidosis với các bệnh khác, từ đó làm cho bệnh melioidosis trở thành căn bệnh quên lãng tại Việt Nam.

Thông qua việc thực hiện đề tài nghị nghị thư với Cộng hòa dân chủ Đức do Bộ KH&CN tài trợ, những năm qua, nhóm nghiên cứu của TS. Trung đã hướng dẫn quy trình xét nghiệm bệnh ở nhiều bệnh viện tuyến tỉnh. Chỉ sau 1 năm, nhóm nghiên cứu đã phát hiện hàng trăm ca bệnh, với tỷ lệ tử vong khoảng 50%.

TS. Trung nêu vấn đề cần thiết hiện nay là triển khai quy trình xét nghiệm tới các bệnh Viện trong cả nước, phát triển các kỹ thuật chẩn đoán xét nghiệm nhanh bệnh melioidosis để giúp bác sỹ định hướng điều trị đúng kháng sinh cho bệnh nhân, bởi vi khuẩn gây bệnh đã kháng rất nhiều loại kháng sinh, từ đó giảm tỷ lệ tử vong cho người bệnh. Bên cạnh đó, việc xây dựng ngân hàng gene vi sinh vật Y học là rất cần thiết hiện nay, bởi ngân hàng gene sẽ là nguồn nguyên liệu khởi đầu cho các nghiên cứu phát triển các kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm đang lưu hành tại Việt Nam, đồng thời cũng là nơi cung cấp các chủng vi sinh vật chuẩn, đặc thù của Việt Nam, cho các nghiên cứu về phát triển dược phẩm và chuẩn hóa quy trình xét nghiệm bệnh.

Những nội dung mà hai chuyên gia nêu ra đã đem đến phần thảo luận sôi nổi về những thông tin mới, những định hướng mới của thế giới cũng như của Việt Nam. Thay mặt Lãnh đạo Vụ, TS. Nguyễn Đình Hậu cảm ơn sự đóng góp cho KH&CN của PGS.TS. Nguyễn Văn Thuận và TS. Trịnh Thành Trung, cảm ơn hai nhà khoa học đã dành thời gian, công sức báo cáo, cung cấp các thông tin mới cho Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật.

Lượt xem: 1698

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)