Thứ tư, 21/09/2016 16:47 GMT+7

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết 19 tại Bộ Khoa học và Công nghệ

Sáng ngày 21/9/2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tới Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) để kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường...

Tham dự buổi làm việc về phía Bộ KH&CN có Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; Lãnh đạo Cục SHTT, Tổng cục TCĐLCL; các đơn vị khác trong Bộ, cùng đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam...


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc tại Cục SHTT- Bộ KH&CN

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Việt Thanh đã báo cáo với Phó Thủ tướng và Đoàn kiểm tra về những mặt công tác của Bộ KH&CN thời gian qua và những nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực Tiêu chuẩn và Sở hữu trí tuệ tại Bộ KH&CN.

Theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, triển khai thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ký Quyết định số 1348/QĐ-BKHCN ngày 27/5/2016 ban hành Chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết nói trên.

Trong công tác chỉ đạo, điều hành, Bộ KH&CN thường xuyên đôn đốc các đơn vị quán triệt, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ được giao, báo cáo kịp thời về Bộ KH&CN những vướng mắc để chỉ đạo xử lý; báo cáo định kỳ kết quả thực hiện hàng quý để tổng hợp báo cáo Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho biết, trong lĩnh vực hoạt động quản lý về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm và hàng hóa, Tổng cục TCĐLCL đã và đang tập trung vào việc khắc phục các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời tăng cường chống gian lận thương mại; bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo phù hợp với các quy định của hiệp định hay điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả của công tác kiểm tra chuyên ngành trong thời gian qua.

Có thể lấy ví dụ như đối với sản phẩm, hàng hoá nhóm 2 do Bộ KH&CN quản lý, thời gian dành cho hoạt động kiểm tra chất lượng đã được cắt giảm so với trước. (Từ trung bình 23 ngày xuống còn 1,26 ngày đối với nhóm sản phẩm LPG và cao nhất là 11,4 - 17,06 ngày đối với nhóm sản phẩm điện - điện tử).

Phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 110/TTLT-BTC-BKHCN ngày 30/6/2016 hướng dẫn phối hợp kiểm tra chất lượng và thông quan hàng hóa nhập khẩu, góp phần giảm bớt thời gian đọng hàng ở cửa khẩu chờ đợi kết quả đánh giá sự phù hợp và rút ngắn được thời gian trao đổi và cung cấp thông tin về kết quả kiểm tra, đánh giá sự phù hợp (các cơ quan kiểm tra, đánh giá sự phù hợp, hải quan chấp nhận trao đổi và xử lý thông tin trên file ảnh qua email, qua bản fax,...).

Ngoài ra, với một số sản phẩm hàng hoá nhóm 2 không quá rủi ro, theo nguyên tắc của Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, có thể chỉ cần áp dụng cơ chế công bố hợp quy và tăng cường hậu kiểm…

Thực hiện công việc này, Bộ KH&CN đã kiến nghị Chính phủ giao Bộ KH&CN làm đầu mối, phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục rà soát lại sản phẩm, hàng hoá để loại khỏi Danh mục sản phẩm, hàng hoá nhóm 2 đối với các sản phẩm không thực sự có nguy cơ cao về an toàn; giao Bộ KH&CN là đầu mối quản lý các tổ chức đánh giá sự phù hợp nói chung ngoài một số lĩnh vực đánh giá sự phù hợp chuyên sâu để thực sự đảm bảo tính khách quan trong việc thúc đẩy cơ chế xã hội hoá hoạt động đánh giá sự phù hợp, thừa nhận các tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài mà hiện nay các Bộ, ngành còn chưa thực hiện...


Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm việc với Bộ KH&CN về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực Tiêu chuẩn và SHTT. Ảnh Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu

Liên quan đến lĩnh vực SHTT, Thứ trưởng Trần Việt Thanh cũng cho biết, hiện nay hệ thống pháp luật về SHTT đã tương đối đầy đủ và đồng bộ làm nền tảng cho các hoạt động SHTT của cá nhân, doanh nghiệp và các chủ thể khác, qua đó đã đảm bảo việc tiếp nhận và cơ bản xử lý một khối lượng lớn đơn sở hữu công nghiệp: Tiếp nhận đến gần 100.000 đơn các loại và xử lý gần 80.000 đơn các loại mỗi năm; Tạo nên sự chuyển biến về chất trong nhận thức của doanh nghiệp và xã hội về tài sản trí tuệ, giúp cho tài sản trí tuệ trở thành một loại tài sản vô hình có giá trị lớn của doanh nghiệp để thương mại hóa và thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong kinh doanh; Đảm bảo sự thành công của quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó các cam kết về SHTT là yếu tố quan trọng đối với thành công của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; Hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong quản lý, khai thác, sử dụng và phát triển tài sản trí tuệ của mình thông qua Chương trình phát triển tài sản trí tuệ và các hoạt động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và chính các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Cục SHTT cũng gặp một số khó khăn trong xây dựng cơ chế, chính sách và pháp luật SHTT, tuy đã rất nỗ lực song vẫn chưa theo kịp nhu cầu của xã hội. Lượng đơn nộp vào Cục SHTT liên tục gia tăng, bản chất đơn ngày càng phức tạp, thời gian tra cứu để thẩm định đơn ngày càng lâu, trong khi đó các điều kiện để phục vụ công tác thẩm định đơn (quy trình, thủ tục, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng thông tin, trang thiết bị, cơ sở dữ liệu, v.v.,) chưa được cải thiện trong một thời gian dài đã dẫn đến việc tồn đọng một lượng đơn không nhỏ.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Việt Thanh cũng báo cáo một số nội dung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hình thành và phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, các trung tâm đổi mới sáng tạo và vườn ươm công nghệ; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp KH&CN, phát triển thị trường KH&CN.

Sau khi nghe báo cáo của Thứ trưởng Trần Việt Thanh, Phó Thủ tướng cũng được nghe ý kiến của đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế , Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam... liên quan đến những vướng mắc cần tháo gỡ.


Toàn cảnh buổi làm việc tại Tổng cục TCĐLCL

 
Tại buổi làm việc, Tổng Cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Trần Văn Vinh đã cung cấp thêm thông tin và giải đáp rõ một số thắc mắc với đại diện các cơ quan chức năng, và cho biết, Tổng cục sẽ phối hợp tốt hơn nữa với các bên, tháo gỡ những vấn đề doanh nghiệp còn vướng mắc.

Tiếp thu các ý kiến góp ý của các bộ ngành nêu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh giải đáp một số nội dung cơ bản và chỉ đạo các đơn vị trong ngành giải quyết, phối hợp với các bộ ngành có các giải pháp tháo gỡ kịp thời để tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp.


Trước khi vào buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới thăm Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL 1 thuộc Tổng cục TCĐLCL

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, Đảng và Chính phủ ý thức được muốn phát triển phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Tạo điều kiện trong khung khổ pháp lý đủ thông thoáng nhưng cũng phải chặt chẽ.

“Tất cả các bộ ngành đã vào cuộc rất tích cực, một số nơi đã có những kết quả rõ nét. Đã làm tốt nhưng mới chỉ đạt được kết quả bước đầu”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế pháp luật, thủ tục hành chính, nâng cao năng suất, chất lượng; để doanh nghiệp bớt thời gian lo các thủ tục liên quan đến chất lượng và SHTT.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới thăm Phòng xử lý đơn và tiếp nhận đơn tại Cục SHTT

Nhằm mục tiêu tiếp tục phấn đấu cải thiện về điểm số và vị trí xếp hạng về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngày 28/4/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã được nêu tên và giao những nhiệm vụ rất cụ thể trong Nghị quyết lần này. Đây là điểm khác biệt lớn nhất trong Nghị quyết 19 lần này so với hai Nghị quyết 19 của các năm 2014 và 2015.

Theo đó, phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt tối thiểu bằng trung bình của nhóm nước ASEAN 4; đến năm 2017 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên một số chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh thuộc nhóm chỉ số nâng cao hiệu quả (theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới); mục tiêu đến năm 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt mức trung bình của các nước ASEAN 3 trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế.

Trên cơ sở các mục tiêu đã đề ra, Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP đã chỉ rõ nhiệm vụ cụ thể đối với từng Bộ, ngành. Trong đó, Bộ Khoa học và Công nghệ có 5 nhiệm vụ cụ thể đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.

Lượt xem: 1972

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)