Thứ năm, 01/12/2016 13:42 GMT+7

Khóa bồi dưỡng về vật lý và an toàn lò phản ứng sử dụng các chương trình tính toán

Từ ngày 14 - 25/11/2016, Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ KH&CN) đã tổ chức “Khóa bồi dưỡng về vật lý và an toàn lò phản ứng sử dụng các chương trình tính toán” tại Hà Nội. Tham gia Khóa bồi dưỡng có 15 cán bộ kỹ thuật làm công tác quản lý, nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực kỹ thuật và an toàn lò phản ứng hạt nhân đến từ các cơ quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các trường đại học (Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Đà Lạt, Đại học Điện lực và Đại học Khoa học và Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh).

Toàn cảnh Lễ khai giảng Khóa bồi dưỡng


Khóa bồi dưỡng có sự tham gia giảng dạy của các giảng viên có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu và tính toán về vật lý và an toàn lò phản ứng hạt nhân. Mục tiêu của Khóa bồi dưỡng là trang bị kiến thức, kỹ năng thực hành cơ bản về tính toán vật lý lò phản ứng.
Theo chương trình bồi dưỡng do Cục Năng lượng nguyên tử phê duyệt, các học viên đã được hệ thống hóa kiến thức về cơ sở lý thuyết vật lý và động học lò phản ứng; các phương pháp giải phương trình vận chuyển nơtron (phương pháp Monte-Carlo, phương pháp Pn và phương pháp Sn), các phương pháp giải phương trình khuếch tán nhiều nhóm năng lượng nhiều chiều; phương pháp tính toán hằng số nhóm đồng nhất hóa. Ngoài ra, các học viên đã tham gia thực hành tính toán sử dụng bộ chương trình SRAC để giải các bài toán ô mạng, bó thanh nhiên liệu và toàn vùng hoạt lò phản ứng VVER-1000 trong gần đúng khuếch tán hai nhóm năng lượng, hai chiều mạng hình học lục giác. Bộ chương trình tính toán SRAC do Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nhật Bản (JAEA) phát triển với mục đích tính toán ô mạng và toàn lò phản ứng bằng phương pháp vận chuyển, phương pháp khuếch tán nơtron, tính toán cháy nhiên liệu hạt nhân cho nhiều loại lò phản ứng hạt nhân khác nhau để xác định các thông số vật lý và thiết kế lò phản ứng.
Kiến thức và kỹ năng của các học viên được đánh giá dựa trên kết quả các bài kiểm tra viết và báo cáo chuyên đề theo nhóm. Thông qua Khóa bồi dưỡng, các học viên đã được hệ thống hóa phương pháp tính toán tất định trong tính toán vật lý lò phản ứng, có kỹ năng ban đầu áp dụng bộ chương trình SRAC trong tính toán ô mạng và toàn vùng hoạt để xác định các thông số vật lý cơ bản của lò phản ứng dạng VVER-1000.

Sơ đồ bố trí và cấu trúc bó thanh nhiên liệu lò phản ứng hạt nhân dạng VVER-1000 được sử dụng trong thực hành tính toán của Khóa bồi dưỡng

Chương trình tính toán SRAC (Standard thermal Reactor Analysis Code system) là bộ chương trình tính toán vật lý lò phản ứng được phát triển bởi Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nhật Bản (JAEA). Bộ chương trình SRAC được xây dựng với mục đích thực hiện tính toán vận chuyển và khuếch tán nơtron cho nhiều loại lò phản ứng hạt nhân khác nhau, tính toán ô mạng và toàn vùng hoạt, tính toán cháy nhiên liệu hạt nhân. Bộ chương trình cho phép thu được các tiết diện tương tác hiệu dụng theo nhóm năng lượng, các đặc trưng của ô mạng và vùng hoạt, bao gồm các thông số thiết kế lò phản ứng.

Bộ chương trình SRAC bao gồm 5 mô-đun như sau:

• Mô-đun PIJ: tính toán vận chuyển sử dụng phương pháp xác suất va chạm có thể áp dụng cho 16 dạng hình học;

• Mô-đun ANISN: tính toán vận chuyển một chiều SN gồm các dạng hình học bản phẳng (X), trụ( R) và cầu (RS);

• Mô-đun TWOTRAN: tính toán vận chuyển hai chiều SN bao gồm các dạng hình học bản phẳng (X-Y), trụ (R-Z) và tròn (R-θ);

• Mô-đun TUD: tính toán khuếch tán một chiều bao gồm các dạng hình học bản phẳng (X), trụ( R) và cầu( RS);

• Mô-đun CITATION: tính toán khuếch tán nhiều chiều có thể áp dụng cho 12 dạng hình học bao gồm các lưới mạng lục giác và tam giác.

 

 

Lượt xem: 1034

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)