Thứ bảy, 17/12/2016 16:28 GMT+7

Tích tụ công nghệ là con đường khả thi duy nhất

Làm thế nào để đưa khoa học công nghệ vào đời sống là vấn đề được nhiều nhà khoa học bày tỏ sự trăn trở tại cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sáng ngày 16/12/2016. Sự kiện do Tạp chí Tia Sáng tổ chức với mục đích tạo cơ hội cho các nhà khoa học được trực tiếp thảo luận với Bộ trưởng về các giải pháp thiết thực cần triển khai để cải thiện sự phát triển ngành KH&CN trong giai đoạn tới.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh (giữa) trao đổi với các nhà khoa học trong buổi gặp mặt

Trong bối cảnh Việt Nam không thể tiếp tục phát triển theo cách chỉ dựa vào tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ nữa vì tài nguyên đang dần cạn kiệt và tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định rằng, cách duy nhất để phát triển kinh tế là khối doanh nghiệp phải đi lên bằng cách tích tụ công nghệ chứ không phải là tận dụng tài nguyên sẵn có, phải dựa vào “know-how” thay vì “know-who”.
Để đẩy nhanh quá trình tích tụ công nghệ, GS. Đào Tiến Khoa nhận định một trong những vai trò quan trọng của khoa học công nghệ Việt Nam là đưa các công nghệ tiên tiến trên thế giới phục vụ cho nhu cầu quốc kế dân sinh. Ông lấy ví dụ về công nghệ chụp cắt lớp PET CT hoàn thiện từ những năm 70 và có thể áp dụng tại Việt Nam cuối những năm này thay vì phải chờ đến năm 2009. Ông so sánh một cách tương đối rằng Việt Nam chỉ có thể tham gia sáng tạo 1/1000 công nghệ của thế giới, còn 99,9% công nghệ còn lại cần phải được tìm cách đưa vào Việt Nam một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, quá trình đưa các kết quả nghiên cứu ứng dụng của các nhà khoa học và doanh nghiệp không hề đơn giản. Những nhà khoa học trẻ có mặt trong buổi gặp gỡ chia sẻ thẳng thắn quá trình họ thực hiện công đoạn phát triển sản phẩm thử (prototype) và…không thể đi tiếp được nữa.
PGS. Đỗ Thị Hương Giang, Phó Chủ nhiệm Khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ Nano, trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội kể rằng, nhóm nghiên cứu của chị đã phát triển các hệ thống cảm biến, hệ thống thu phát tín hiệu vệ tinh cho tàu thuyền đi biển, đã được thử nghiệm thành công và thậm chí được đánh giá cao bởi Hải quân của Mỹ nhưng mới chỉ dừng lại ở sản phẩm thử, còn chưa biết làm gì tiếp. Chị đã từng gặp gỡ doanh nghiệp và nhận ra rằng mình có thể giúp đỡ họ nhận ra những chỗ bất hợp lí trong quy trình sản xuất với thời gian ngắn hơn rất nhiều so với để doanh nghiệp tự loay hoay “thử và sai” như hiện nay. Nhưng để làm được hai điều này rất khó vì nhà khoa học không có thông tin về thị trường, cũng không lo được một nguồn vốn lớn để sản xuất thử nghiệm.
Đồng tình với PGS. Hương Giang, GS. Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm lọc hóa dầu, nơi đã đưa được các nghiên cứu ứng dụng của mình vào doanh nghiệp, nói rằng, mỗi khi thực hiện các dự án sản xuất thử nghiệm với doanh nghiệp, chị phải đi vay từ các cá nhân với lãi suất 12%/năm để thực hiện trước khi có kinh phí hỗ trợ của nhà nước.
PGS. Tạ Hải Tùng, Giám đốc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ định vị sử dụng vệ tinh, đã thương mại hóa được một phần kết quả nghiên cứu của mình, nhưng phải “mất quá nhiều công sức vào những việc mình không giỏi” (phải chuyển từ nghiên cứu cơ bản sang ứng dụng, rồi lập ra một công ty spin-off để nghiên cứu thị trường, hoàn thiện, phát triển và sản xuất sản phẩm, tìm kiếm khách hàng).
Các nhà khoa học có mặt tại buổi hội thảo có chia sẻ một số giải pháp để có thể kéo gần doanh nghiệp với các nhà khoa học, trong đó chuyên gia Phạm Chi Lan và PGS. Đỗ Thị Hương Giang đề xuất cần thúc đẩy nhiều diễn đàn giao lưu giữa các nhà khoa học, công nghệ và các doanh nghiệp. GS.Trần Đức Viên (Học viện Nông nghiệp) và TS. Phạm Thành Huy (Viện Tiên tiến KH&CN, Đại học Bách khoa Hà Nội) gợi ý một cơ chế tài trợ cho các nhóm liên kết (doanh nghiệp, viện trường) một cách minh bạch và quản lý dựa trên sản phẩm cuối cùng giống như dự án FIRST.
Đáp lại các thắc mắc của những nhà khoa học, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đồng tình với ý kiến của các nhà khoa học và ông đưa ra một số kế hoạch mà Bộ sẽ thực hiện để giải quyết những vấn đề trên. Bộ trưởng cho rằng, các sản phẩm khoa học đưa vào cuộc sống gặp nhiều khó khăn là do phải “đi theo dự án đầu tư, vào các ngành hàng cụ thể, bị chi phối bởi các luật khác” (nằm ngoài phạm vi quản lý của Bộ KH&CN). Để tháo gỡ vướng mắc này, Bộ trưởng cho biết sẽ phải nâng cao tiếng nói của Bộ KH&CN, ví dụ bằng cách tham gia tích cực vào các diễn đàn cấp cao như tham mưu cho Chính phủ về những thách thức của cuộc cách mạng KH&CN lần thứ tư, và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Bên cạnh đó, Bộ sẽ hoàn thiện Luật chuyển giao công nghệ để liên kết các Bộ khác một cách chặt chẽ, tham gia vào việc thẩm định và đầu tư cho KH&CN.
Bộ trưởng cũng đồng tình với quan điểm cho rằng Bộ KH&CN cần thúc đẩy hơn nữa những diễn đàn trao đổi với các nhà khoa học trong quá trình hoạch định, triển khai chính sách. Chia sẻ tại sự kiện, GS. Hoàng Tụy nhận định trong thời gian qua Chính phủ đã có sự tham vấn các nhà khoa học, nhưng chủ yếu mới tập trung trong phạm vi các nhà kinh tế; trong giai đoạn tới, đứng trước những thách thức không nhỏ của đất nước, công tác tham vấn các nhà khoa học (không chỉ là các nhà kinh tế) cần được tăng cường, tạo điều kiện cho các nhà khoa học được bày tỏ tiếng nói một cách thẳng thắn nhằm giúp nhận diện những trở ngại cốt lõi và đưa ra các phương hướng giải pháp có tính gốc rễ nhất.


Cuộc gặp mặt Bộ trưởng lần này đã quy tụ các nhà khoa học đầu ngành như GS.Hoàng Tụy, GS.Trần Xuân Hoài (Nguyên Viện trưởng Viện Vật lý ứng dụng), GS. Đào Tiến Khoa (Viện kỹ thuật hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam), GS. Phùng Hồ Hải (Phó viện trưởng Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), GS. Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng ĐH KHXH&NV)…các chuyên gia kinh tế như bà Phạm Chi Lan, TS. Lê Đăng Doanh, và một số nhà khoa học trẻ.

Hảo Linh

 

Nguồn: Tạp chí Tia Sáng

Lượt xem: 2524

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)