Thứ ba, 16/05/2017 17:29 GMT+7

Hoàn thiện quy trình công nghệ trồng và chế biến chè Ô long từ các giống chè mới

Chè Ô long bắt nguồn ở Trung Quốc, và là loại sản phẩm chè lên men bán phần. Chè Ô long có hương mùi hoa tươi rất thơm và bền, vị nồng hậu, nước xanh hoặc xanh vàng, bã xanh. Hiện nay, trên thị trường chè Ô long có giá bán cao nhất trong các loại chè. Ngày nay nhiều nước trên thế giới đã sử dụng sản phẩm chè Ô long, tuy nhiên thị trường chính vẫn là Châu Á.

Chất lượng chè Ô long phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: giống, điều kiện địa hình, đất đai, kỹ thuật canh tác, thu hái; thời vụ, thiết bị và công nghệ chế biến,… Đối với mỗi giống khác nhau, cần có các biện pháp kỹ thuật tác động khác nhau sao cho phù hợp nhất.

Những năm gần đây Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã nghiên cứu chọn tạo ra nhiều giống chè, trong đó 2 giống chè PH8, PH10 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống cây trồng mới, 2 giống chè mới này có nguyên liệu đáp ứng chế biến chè Ô long. Chính vì vậy, để tạo sản phẩm chè Ô long có chất lượng tốt cần phải hoàn thiện một số kỹ thuật sản xuất nguyên liệu và chế biến để hoàn thiện quy trình sản xuất đồng bộ từ khâu giống, kỹ thuật trồng trọt đến thời vụ, thiết bị và công nghệ chế biến,...

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trên đây, Cơ quan chủ trì dự án Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc phối kết hợp với TS. Đỗ Văn Ngọc là Chủ nhiệm dự án tiến hành nghiên cứu hoàn thiện các nội dung về kỹ thuật trồng trọt (phân bón, thu hái), chế biến (thời vụ chế biến, thời gian héo, thời gian sấy của dự án: “Hoàn thiện quy trình công nghệ trồng và chế biến chè Ô long từ các giống chè mới”.

Qua theo dõi và đánh giá ảnh hưởng của các công thức phân bón cho nguyên liệu chế biến chè Ô long giống PH8, PH10 tại các điểm khác nhau, và kết luận như sau:

- Về trồng trọt có hai khâu kỹ thuật mới là:

+ Bón MgSO4 75kg/ha, và bón bổ sung MgSO4 75kg/ha + đậu tương ngâm 1000kg/ha cho mật độ búp, khối lượng búp, năng suất búp cao nhất và sâu hại gây hại thấp nhất. Chất lượng chè Ô long qua điểm thử nếm cảm quan giống PH8 dao động từ 14,3 - 15,1 điểm xếp loại đạt và giống PH10 dao động từ 16,2 - 17,0 điểm xếp loại khá; trên 2 giống chè PH8, PH10 đều cho kết quả điểm thử nếm cảm quan chè Ô long ở Cao Bằng cao nhất, tiếp đến là Thái Nguyên và thấp nhất là Phú Thọ.

+ Hái nguyên liệu búp gồm 1 tôm 3 lá (khi cành chè có 1 tôm 6 lá) cho năng suất búp cao nhất ở Phú Thọ là PH8 đạt 8,03 tấn/ha và PH10 đạt 5,61 tấn/ha và các điểm Thái Nguyên, Cao Bằng cũng có kết quả tương tự như ở Phú Thọ. Chất lượng chè Ô long qua điểm thử nếm cảm quan ở Cao Bằng có điểm cao nhất (PH10: 16,4 điểm; PH8: 15,1 điểm), sau đó đến Thái Nguyên và Phú Thọ.

- Về kỹ thuật chế biến có 3 kỹ thuật mới:

+ Thời vụ chế biến chè Ô long nguyên liệu giống PH10 dài hơn ở vụ xuân (tháng 3 - 4) và vụ thu (tháng 9 - 10).

+ Thời gian héo mát, trong chế biến chè Ô long với nguyên liệu giống chè PH10 là 10 h.

+ Nhiệt độ sấy trong chế biến chè Ô long với nguyên liệu giống chè PH10 là 90 - 100oC.

Sau khi hoàn thành xong đề tài Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc mong muốn được áp dụng kết quả của dự án vào sản xuất đại trà.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 12249/2016) tại Cục Thông tin KHCNQG

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 1768

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)