Thứ hai, 12/06/2017 08:38 GMT+7

Sử dụng amiăng trắng ở Việt Nam: Nghiên cứu thêm và có lộ trình thay thế thích hợp

Hầu hết đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học tại Tọa đàm trực tuyến “Sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam - Những vấn đề khoa học và thực tiễn” tổ chức chiều 8/6 tại Hà Nội đều cho rằng, cần nghiên cứu thêm về tính độc hại của amiăng và có lộ trình thích hợp để chuyển đổi công nghệ.

Theo báo cáo của Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam, ngành công nghiệp tấm lợp fibro xi măng đã tồn tại hơn 53 năm và hiện có 39 cơ sở sản xuất với công suất thiết kế hơn 110 triệu m2/năm, sử dụng hơn 5.000 lao động. Thời gian gần đây có thông tin amiăng trắng - một trong những nguyên liệu sản xuất tấm lợp fibro xi măng là nguyên nhân gây ung thư.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trương Minh Hoàng cho biết: Ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ hay miền núi, vùng sâu vùng xa hầu hết những ngôi nhà được lợp bằng tấm lợp fibro xi măng. Đây là loại tấm lợp được đánh giá là kinh tế, có độ bền cao, chịu được mặn. Nhiều bà con không những sử dụng mà còn uống nước mưa hứng từ mái nhà lợp fibro xi măng mấy chục năm nay.
 


Toàn cảnh tọa đàm

 

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho biết: Tấm lợp fibro xi măng đang được sử dụng phổ biến ở các vùng nông thôn của tỉnh Đồng Tháp, có ưu điểm chịu nhiệt tốt, chống nóng, chống ồn khi mưa, chống hóa chất ăn mòn, đặc biệt chống muối mặn xâm thực.

Giám đốc Bệnh viện Xây dựng, TS. Lê Thị Hằng khẳng định: Từ năm 2008 đến năm 2013, Bệnh viện Xây dựng đã triển khai đề tài khoa học cấp Nhà nước, xây dựng chương trình khám bệnh nghề nghiệp và đo môi trường lao động cho trên 1.300 công nhân sản xuất tấm lợp AC. Kết quả cho thấy không phát hiện tổn thương điển hình của bệnh bụi phổi liên quan đến amiăng trắng. Đặc biệt, theo thống kê tại Hồ sơ quốc gia về amiăng từ năm 2009 đến năm 2012 do Bộ Y tế và Viện Khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động xây dựng với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản cũng đã kết luận: Trong số các phim chụp X-quang và CT scanner cho người lao động tiếp xúc với amiăng từ năm 2004 đến nay chưa phát hiện các bệnh liên quan đến amiăng trắng.

Hầu hết các đại biểu Quốc hội, nhà khoa học cho rằng, trong khi chưa có kết luận khoa học amiăng trắng gây hại cho sức khỏe con người như thế nào thì Chính phủ nên tiếp tục cho phép sử dụng có kiểm soát amiăng trắng. Nhưng về lâu dài phải chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng lộ trình cụ thể để doanh nghiệp có điều kiện, đầu tư chuyển đổi công nghệ. Từ bài học tìm cây thay thế tại vùng trồng cây thuốc phiện và thuốc lá trước đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi cho rằng, việc loại bỏ ngay lập tức vật liệu này là điều khó khả thi trong điều kiện hiện nay. Một trong những giải pháp rất quan trọng là cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động, kiểm soát, ngăn ngừa sự phát tán bụi amiăng trong môi trường lao động. Duy trì nhà xưởng, trang thiết bị, máy móc và chỗ làm việc sao cho càng ít bụi càng tốt. Bên cạnh đó, phải tham gia đầy đủ khám sức khỏe tuyển dụng, khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp và các lớp tập huấn về an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống tác hại của amiăng.

Dưới góc nhìn của người làm chính sách đối ngoại, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà lưu ý: Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Hiệp định Liên minh Kinh tế Á - Âu. Theo đó, các quốc gia thành viên, bao gồm Việt Nam đều yêu cầu phải có thông báo, tham vấn và đàm phán trước khi có bất kỳ ý định ban hành lệnh cấm nào và phải có các bằng chứng khoa học cho lệnh cấm đó.

Kết luận Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Hồng Tịnh cho rằng, sự ảnh hưởng của amiăng trắng đến sức khỏe của con người vẫn là câu chuyện dài, cần có thêm những căn cứ khoa học, xác đáng, trung thực. Ngay cả khi có chứng cứ xác thực thì việc dừng sản xuất tấm lợp AC cũng cần có lộ trình thích hợp để bảo đảm công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, đặc biệt là bảo đảm cung cấp tấm lợp phù hợp thay thế tấm AC cho hàng triệu hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa.

Liên kết nguồn tin: http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=83&NewsId=391289

 

Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân

Lượt xem: 4796

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)