Các thuốc tổng hợp hiện nay vẫn đóng vai trò chính trong điều trị bệnh gút với mục tiêu chính là hạ acid uric máu và chống viêm. Ưu điểm của thuốc tổng hợp là tác dụng nhanh, sử dụng thuận tiện nhưng các thuốc này thường đi kèm một số tác dụng không mong muốn như các phản ứng quá mẫn, hội chứng StevensJohson, độc với thận, tủy xương… làm hạn chế hiệu quả điều trị và giảm chất lượng sống của bệnh nhân. Mặt khác, do người bệnh phải dùng thuốc trong thời gian dài nên chi phí điều trị rất tốn kém.
Để khắc phục những nhược điểm của thuốc tổng hợp, các nhà khoa học trên thế giới đang rất quan tâm đến việc nghiên cứu tìm kiếm các thuốc điều trị gút có nguồn gốc tự nhiên. Đặc biệt, ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, việc nghiên cứu và phát triển dược liệu điều trị bệnh gút là hết sức cần thiết để tận dụng được thế mạnh về tài nguyên cây thuốc và tạo ra được các sản phẩm có hiệu quả điều trị cao, an toàn, ít tác dụng không mong muốn với chi phí điều trị hợp lý phù hợp với điều kiện của một nước đang phát triển như Việt Nam.
Cần tây (Apium graveolens L.) là loại cây rau ăn được trồng rất phổ biến trên thế giới và đã được di thực về trồng ở Việt Nam. Cần tây cũng đã được biết đến như một thảo dược ở một số quốc gia để chữa bệnh gút và các bệnh về khớp cho hiệu quả điều trị tốt. Các kết quả nghiên cứu bằng thực nghiệm khoa học đã chứng minh những tác dụng liên quan tới bệnh gút của hạt cần tây như tác dụng hạ acid uric huyết thanh, ức chế hoạt tính enzym xanthin oxidase là enzym chìa khóa trong bệnh gút, chống viêm và giảm đau. Do đó, hạt cần tây là một dược liệu tiềm năng cần được tiếp tục nghiên cứu để khai thác sử dụng theo hướng điều trị bệnh gút và các bệnh về khớp. Vì những lý do trên, nhóm nghiên cứu do PGS.TS. Nguyễn Thu Hằng, Bộ môn Dược liệu, Trường Đại học Dược Hà Nội đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu tác dụng hỗ trợ điều trị gút của hạt cần tây (Apium graveolens L.), họ Cần (Apiaceae)” với 6 mục tiêu đó là: Nghiên cứu một số thành phần hoá học chính của hạt cần tây; Chiết xuất, phân lập 1 chất đối chiếu từ hạt cần tây với khối lượng khoảng 10mg; Xây dựng quy trình chiết xuất và bào chế cao đặc từ hạt cần tây; Xây dựng tiêu chuẩn cơ sở của hạt cần tây và tiêu chuẩn cơ sở cao đặc hạt cần tây; Nghiên cứu độ an toàn của cao đặc hạt cần tây; và Thử tác dụng sinh học của cao đặc hạt cần tây theo hướng hỗ trợ điều trị gút.
Sau thời gian thực hiện, đề tài đã đạt được các mục tiêu đề ra và thu được những kết quả sau:
1. Thành phần hóa học của hạt cần tây
- Tinh dầu hạt cần tây
Định lượng được tinh dầu hạt cần tây bằng phương pháp cất kéo hơi nước cho kết quả hàm lượng tinh dầu trong hạt cần tây là 2,52 % tính theo dược liệu khô tuyệt đối.
Nghiên cứu thành phần hóa học tinh dầu hạt cần tây bằng phương pháp sắc ký khí kết hợp khối phổ (GC/MS), kết quả đã phát hiện 28 thành phần trong tinh dầu hạt cần tây, trong đó chứa chủ yếu là các monoterpenoid, các thành phần chính là β-Selinen (48,22%) và Limonen (24,32%).
- Định tính các nhóm chất chính trong hạt cần tây
Định tính các nhóm hợp chất chính trong hạt cần tây bằng phản ứng hóa học, kết quả trong hạt cần tây chứa các nhóm chất chinh gồm flavonoid, saponin, coumarin, tanin, đường khử, chất béo, caroten.
Định tính các phân đoạn dịch chiết hạt cần tây bằng phản ứng hóa học, kết quả trong phân đoạn n-hexan có chứa coumarin và chất béo, phân đoạn chloroform và ethyl acetat chứa coumarin và flavonoid.
2. Chiết xuất phân lập chất đối chiếu từ hạt cần tây
Bằng phương pháp sắc ký cột silica gel pha thuận, sắc ký cột pha đảo, SKLM chế hóa đã thu được 1 chất tinh khiết ký hiệu CT2.
Căn cứ vào số liệu khối phổ (MS) và phổ cộng hưởng từ hạt nhân (NMR), chất CT2 đã được nhận dạng là apigenin. Chất này sẽ được lựa chọn làm chất đối chiếu trong kiểm nghiệm dược liệu hạt cần tây và cao cần tây.
3. Xây dựng quy trình chiết xuất và bào chế cao cần tây
Đã xây dựng được qui trình chiết xuất và bào chế cao cần tây từ nguyên liệu là hạt cần tây đạt tiêu chuẩn. Cao cần tây được chiết xuất theo qui trình này được tiến hành xây dựng tiêu chuẩn kiểm nghiệm và đánh giá các tác dụng sinh học.
4. Xây dựng tiêu chuẩn kiểm nghiệm hạt cần tây và cao cần tây
Đã khảo sát và xây dựng được dự thảo tiêu chuẩn kiểm nghiệm dược liệu hạt cần tây với những chỉ tiêu sau : Mô tả, bột, định tính, mất khối lượng do làm khô, tro toàn phần, chất chiết được bằng ethanol, tạp chất, tỷ lệ vụn nát, định lượng, bảo quản.
Các chỉ tiêu đã khảo sát và xây dựng đối với cao cần tây gồm có: Mô tả, định tính, mất khối lượng do làm khô, chỉ số pH, độ đồng nhất, định lượng, độ nhiễm khuẩn, bảo quản.
5. Độc tính cấp của cao cần tây
Cao cần tây với liều cao nhất có thể cho chuột uống được (40 g/kg - gấp 160 lần liều thể hiện tác dụng dược lý) chưa thể hiện độc tính cấp trên chuột nhắt trắng.
Chưa xác định được LD50 của cao hạt cần tây (do không thể thử nghiệm được ở mức liều cao hơn).
6. Tác dụng sinh học của cao cần tây theo hướng hỗ trợ điều trị gút
- Tác dụng hạ acid uric huyết thanh trên mô hình gây tăng acid uric cấp thực nghiệm bằng kali oxonat
Cao hạt cần tây cả 3 liều 250 mg/kg, 500 mg/kg và 1000 mg/kg, uống liên tục trong 5 ngày có tác dụng làm giảm nồng độ acid uric huyết thanh có ý nghĩa thống kê so với lô chứng (p < 0,01), tỷ lệ giảm lần lượt là 59,3%; 52,6% và 43,8%. So sánh 3 lô thử này, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).
- Về tác dụng chống viêm trên mô hình gây viêm màng hoạt dịch khớp gối bằng tinh thể natri urat
Cao hạt cần tây liều 250 mg/kg uống liên tục trong 5 ngày làm giảm triệu chứng viêm có ý nghĩa thống kê so với lô chứng tại thời điểm 4 và 5 giờ sau khi gây viêm (p < 0,01 và p < 0,05).
Cao hạt cần tây liều 500 mg/kg uống liên tục trong 5 ngày làm giảm triệu chứng viêm có ý nghĩa thống kê so với lô chứng tại cả ba thời điểm 4; 5 và 6 giờ sau khi gây viêm (p < 0,01 và p < 0,05).
- Tác dụng giảm đau
Cao hạt cần tây liều 250 mg/kg và 500 mg/kg có tác dụng tăng ngưỡng phản ứng đau của chuột so với lô chứng tại các thời điểm 1 giờ và 2 giờ sau khi tiêm carrageenan (p < 0,05).
Từ những kết quả thu được, nhóm nghiên cứu kiến nghị được tiếp tục tiến hành đề tài ở giai đoạn kế tiếp đó là nghiên cứu tạo ra một sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh gút từ cao cần tây.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13097-2016) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia./.