Thứ hai, 20/08/2018 20:55 GMT+7

Hơn 100 nhà khoa học trẻ tài năng trong và ngoài nước trao đổi về phát triển KH&CN

Đề nghị đóng góp ý kiến xây dựng chiến lược phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển nền tảng khoa học mở cho AI… là những nội dung đã được Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy đặt hàng các nhà khoa học trẻ người Việt tài năng ở trong và ngoài nước.

Tăng cường kết nối, mở rộng hợp tác

Ngày 20/8/2018, hơn 100 người Việt trẻ tài năng làm việc trong lĩnh vực khoa học công nghệ ở trong và ngoài nước đã đến thăm và làm việc tại Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc. Tham gia làm việc và trao đổi với Đoàn có Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Tập đoàn lớn của Việt Nam đang đầu tư tại đây như Viettel, VNPT, FPT cùng nhiều phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí.

Sự kiện này nằm trong khuôn khổ Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 (Vietnam Innovation Network 2018) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN và các bộ, ngành liên quan tổ chức từ ngày 18-24/8/2018 tại Hà Nội, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Khu CNC Hòa Lạc là một trong nhiều điểm đến của Đoàn tại Hà Nội.
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại buổi làm việc.
 

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bùi Thế Duy bày tỏ tin tưởng với sự hỗ trợ từ phía các Bộ, ngành; với tiềm năng, thế mạnh phát triển của Khu CNC Hòa Lạc và các Tập đoàn công nghệ tại đây; với nhiệt huyết, tài năng, trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học và trí thức Việt Nam, buổi gặp gỡ ngày hôm nay sẽ tạo nhiều cơ hội hợp tác, từ đó đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của KH&CN nước nhà.

Với định hướng phát triển Khu CNC Hòa Lạc đã được phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ mong muốn nơi đây sẽ trở thành một hình mẫu thu nhỏ của nền kinh tế Việt Nam phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để hiện thực hóa điều này, cần huy động tối đa nguồn lực trí tuệ, đặc biệt là từ các chuyên gia, trí thức người Việt Nam được đào tạo, nghiên cứu, làm việc tại các quốc gia có nền khoa học công nghệ phát triển. Đây sẽ là nguồn lực quan trọng giúp đảm bảo sự thành công trong việc thực hiện chiến lược tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 đồng thời tận dụng được những cơ hội từ cuộc cách mạng này. Buổi làm việc với Đoàn cũng là dịp để Khu CNC Hòa Lạc và các Tập đoàn công nghệ Việt Nam đang hoạt động tại đây có thể trao đổi, thúc đẩy các cơ hội hợp tác, thu hút nhân tài, phát triển công nghệ, kết nối mạng lưới các nhà khoa học và trí thức Việt Nam trên khắp thế giới.

Nhiều đề xuất, đặt hàng và tinh thần “sẵn sàng hợp tác”
 

Toàn cảnh buổi làm việc.
 

Trao đổi với Đoàn, đại diện Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc đã giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh của Khu CNC Hòa Lạc cùng với các hoạt động thu hút đầu tư, phát triển tiềm lực KH&CN tại đây, đồng thời đề xuất với Đoàn về nguồn nhân lực tri thức, hoạt động kết nối, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… Tiếp đó, đại diện các tập đoàn Viettel, VNPT và FPT giới thiệu những công nghệ và sản phẩm tiêu biểu mà các tập đoàn đang nghiên cứu cũng như đề xuất các hướng hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ và sản phẩm. Các công nghệ trình diễn thuộc lĩnh vực mà các chuyên gia trong Đoàn đang nghiên cứu để việc kết nối, hợp tác phát triển sản phẩm đạt hiệu quả cao hơn. Các tập đoàn VNPT, Viettel cũng đưa ra những đặt hàng cụ thể về công nghệ viễn thông, công nghệ quốc phòng... Sau khi nghe nội dung đặt hàng, nhiều nhà khoa học đã bày tỏ quan điểm “sẵn sàng hợp tác”. 

Các nhà khoa học cũng chia sẻ, họ thực sự cảm kích và cảm thấy có động lực trước sự quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ, của lãnh đạo các Bộ, ban, ngành trong việc tiếp cận và đón nhận cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều nhà khoa học đã tâm sự, nếu như trước đây khi trở về Việt Nam, họ phải “vác” hồ sơ đi xin việc thì nay, tâm thế này đã thay đổi, nhiều nhà khoa học đã được lãnh đạo một số tập đoàn Việt Nam trực tiếp sang mời về hợp tác.


Các nhà khoa học tìm hiểu sản phẩm công nghệ giới thiệu tại Khu phần mềm F-Ville 2.
 

Tại buổi làm việc, nhiều nhà khoa học trở về từ Singapore, Pháp, Mỹ, Nhật Bản... đã đề xuất cần có nền tảng khoa học mở cho AI để các nhà khoa học Việt trên thế giới có thể sử dụng chung và chia sẻ kiến thức. Đề xuất này đã được Thứ trưởng Bùi Thế Duy ủng hộ và đặt hàng các nhà khoa học để họ có thể trực tiếp tham gia xây dựng mô hình này sớm nhất. Thứ trưởng cũng trực tiếp chỉ đạo các đơn vị có liên quan cần nghiên cứu, sớm tìm cơ chế hợp tác.

Các chuyên gia trong Đoàn cũng đã trao đổi với lãnh đạo Bộ KH&CN, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc và các Tập đoàn về các khả năng hợp tác, kết nối trong nghiên cứu phát triển các công nghệ và sản phẩm.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 5235

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)