Thứ ba, 21/08/2018 19:09 GMT+7

Bàn giải pháp thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam

Để phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), Việt Nam nên tập trung đầu tư vào nguồn nhân lực, xây dựng nguồn dữ liệu mở và tạo mối liên kết giữa các trường đại học Việt Nam với nguồn tri thức, cộng đồng thế giới…

Toàn cảnh Hội thảo.
 

Đó là chia sẻ của nhiều chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2018 (AI4VietNam 2018) do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì tổ chức ngày 21/8, tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chủ trì Hội thảo. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ KH&CN, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức từ ngày 18 đến ngày 24 tháng 8 năm 2018.

Tham dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo một số Bộ, Ban ngành; đại diện các doanh nghiệp, các nhà khoa học đang làm việc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trong và ngoài nước. Đặc biệt, AI4Việt Nam2018 quy tụ hàng chục chuyên gia công nghệ là các nhà khoa học, chuyên gia giàu kinh nghiệm về AI từ các ngành (công nghiệp, nông nghiệp, y tế, ngân hàng…), trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu hàng đầu trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Úc, Pháp, Ba Lan,...

Giải quyết bài toán AI cho Việt Nam

AI4VietNam 2018 được tổ chức nhằm chia sẻ tầm nhìn, quan điểm chiến lược của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ về cơ hội tiếp cận và tận dụng những thành tựu của KH&CN và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay vào những ngành, lĩnh vực trọng yếu. Hội thảo cũng nhằm kết nối, hội tụ, chia sẻ và định hướng nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ và triển khai ứng dụng về AI cho Việt Nam, của Việt Nam và tại Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để thu hút sự quan tâm, đóng góp của giới trí thức người Việt ở nước ngoài đang nghiên cứu, công tác trong các ngành, lĩnh vực KH&CN hàng đầu. Đồng thời, tạo dựng mạng lưới kết nối các trí thức người Việt tại các quốc gia với đội ngũ làm khoa học, công nghệ ở trong nước để có thể tham gia góp phần xây dựng các định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Các chuyên gia, nhà khoa học ở nước ngoài được mời tham dự là những người được đào tạo bài bản tại các trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới và công tác trong nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Họ có quá trình làm việc chuyên sâu trong các ngành, lĩnh vực công nghệ, đặc biệt trong việc phát triển ứng dụng công nghệ hiện đại (trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu lớn, an ninh mạng, Internet of Things…).

Đây là những cá nhân có những thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu và lao động, được trực tiếp ghi nhận bởi cơ sở đào tạo, các tổ chức quốc tế có uy tín, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước. Có thể kể đến các chuyên gia, nhà khoa học như TS. Lê Viết Quốc, Google Brain, Mỹ; GS.TS. Vũ Hà Văn, Đại học tổng hợp Yale, Mỹ; TS. Bùi Hải Hưng, Mỹ; TS. Vũ Duy Thức, Mỹ; TS. Đào Ngọc Thành, CEO & FOUNDER của Bap-Blockchain; ông Lê Minh Toàn, Công ty Bap-Blockchain, Nhật Bản; ông Trần Đặng Minh Trí, Tập đoàn Ramsay Health Care, Úc; TS. Đỗ Bình Minh, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ; PGS.TS. Nguyễn Lê Minh, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản;…
 

Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Những người làm AI hiện đang nhận được sự quan tâm, ủng hộ to lớn của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành, tập đoàn lớn và đội ngũ người Việt Nam ở nước ngoài. 
 

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho rằng, năm 2018 là năm cộng đồng AI Việt Nam có cơ hội thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ và từ những ý tưởng ban đầu, đến nay AI đã mở rộng hơn, hướng đến cuộc sống, ứng dụng và có bước phát triển “vượt bậc” tại Việt Nam. Đây cũng là cơ hội cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên chúng ta làm gì và làm như thế nào và Việt Nam có tận dụng được để vươn lên hay không đang là bài toán cần lời giải. Có thể tạm coi đây là một “Hội nghị Diên Hồng”, hợp nhất thành một mặt trận chung về AI của Việt Nam để xác định chúng ta sẽ làm gì và làm như thế nào để phát triển.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ, bàn luận về những nội dung liên quan đến hiện trạng AI tại Việt Nam; những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực AI; Blockchain và AI ứng dụng thực tiễn vào Việt Nam; AI mang lại cơ hội để bứt phá trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0;… Các chia sẻ của các chuyên gia, nhà khoa học về những phương pháp, kỹ thuật, công nghệ chuyên sâu trong lĩnh vực AI được lồng ghép với các nội dung về định hướng chính sách, nguồn lực làm nền tảng cho nghiên cứu và phát triển AI trong thời gian tới.

Trí tuệ nhân tạo cần hướng tới ứng dụng
 

GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày Báo cáo Hiện trạng về Trí tuệ Nhân tạo tại Việt Nam tại Hội thảo.
 

Nói về hiện trạng Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy, trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, năm 2018 đã có rất nhiều hoạt động, sự kiện về AI diễn ra ở Việt Nam, trong đó có Hội nghị Trí Tuệ Nhân Tạo - AI4Life 2018 vào tháng 5/2018 với sự góp mặt của nhiều diễn giả là chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước. Đây là Hội nghị Trí tuệ nhân tạo lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với mục đích đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai ứng dụng, đã tích hợp nhiều vấn đề từ triển khai ứng dụng, hoạt động đến đào tạo chuyên sâu đưa trí tuệ nhân tạo đến với vác doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh trí tuệ nhân tạo phải được ứng dụng, phải lấy ứng dụng và doanh nghiệp làm trung tâm để nghiên cứu.

Theo GS Nguyễn Thanh Thủy, AI4VietNam 2018 cũng như một cách thức quy tụ để chúng ta có hướng đi mới cho AI của Việt Nam trong thời gian tới. Sự cố gắng không chỉ từ phía Chính phủ, các doanh nghiệp mà cả phía các trường đại học. Hiện nay, chúng ta đã có 11 đơn vị nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, trong đó có 1 Viện hàn lâm và 10 trường đại học, chúng ta cũng có nhiều sản phẩm mang tính chất tiêu biểu.
 

TS Lê Viết Quốc (Google Brain, Mỹ) trình bày tham luận “Những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực AI” tại Hội thảo.

 

Tại Hội thảo, TS. Lê Viết Quốc đến từ Google Brain, Mỹ cho rằng, trong số các công nghệ AI hiện nay, đột phá lớn nhất là công nghệ nhận diện hình ảnh, nhận diện giọng nói, và tự hình thành ngôn ngữ tự nhiên. Trong đó, riêng công nghệ nhận diện hình ảnh đã có tốc độ tăng trưởng kỳ diệu, khi vượt qua khả năng nhận diện của con người vào năm 2016. Theo Tiến sĩ Quốc, Việt Nam nên đầu tư mạnh vào 3 mảng chính đó là đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nguồn dữ liệu mở, và tạo ra mối liên kết giữa các trường đại học Việt Nam với nguồn trí thức, cộng đồng thế giới.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh, trí tuệ nhân tạo phải hướng tới ứng dụng, tập trung vào ứng dụng và thực tiễn phát triển sản phẩm. Theo Thứ trưởng, hơn bao giờ hết, hiện nay những người làm AI đang nhận được sự quan tâm, ủng hộ to lớn của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành, doanh nghiệp trong đó có các tập đoàn lớn và cả đội ngũ người Việt Nam ở nước ngoài. Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn sẽ hình thành những nhóm nghiên cứu về AI như nhóm chiến lược; thị trường; dữ liệu; triển khai ứng dụng; đào tạo và nghiên cứu cơ bản và mong muốn các nhà khoa học tập hợp lại, xây dựng một mạng lưới vững mạnh về trí tuệ nhân tạo Việt Nam.
 

TS. Kum Dongwha, Viện trưởng, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) trình bày báo cáo: Cầu nối tới Ngành công nghiệp 4.0 tại Việt Nam tại Hội thảo. 
 

Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ thông tin xoay quanh các câu hỏi làm thế nào để phát triển AI tại Việt Nam? Những lĩnh vực mũi nhọn nào của AI mà Việt Nam nên ưu tiên tập trung? Nên phát triển sản phẩm đặc trưng nào của AI trong môi trường Việt Nam hiện nay? Cách đào tạo nguồn nhân lực; cách tiếp cận, xây dựng và phát triển hạ tầng tính toán nghiên cứu phát triển AI ở Việt Nam; cách thức xây dựng dữ liệu đặc thù để nghiên cứu, phát triển AI tại Việt Nam;… 

Hội thảo AI Việt Nam 2018 cũng giới thiệu các công nghệ, các kết quả nghiên cứu và phát triển AI từ các trường đại học, viện nghiên cứu và đặc biệt là các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực AI của Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia, AI Việt Nam 2018 là cơ hội để kết nối, hội tụ, định hướng chính sách, chia sẻ kinh nghiệm, tìm tiếng nói chung và nguồn lực để nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong các lĩnh vực kinh doanh tại thời điểm hiện nay.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Vụ Công nghệ cao

Lượt xem: 8071

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)