Thứ ba, 21/08/2018 23:26 GMT+7

Hội thảo các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vùng Bắc Trung bộ năm 2018

Ngày 17/8/2018, tại Thành phố Huế, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội thảo các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ vùng Bắc Trung Bộ năm 2018.

Toàn cảnh Hội thảo.
 

Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận về hoạt động của các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (Trung tâm) trong vùng; Định hướng hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động đổi mới công nghệ; Đánh giá, xác định và lựa chọn một số sản phẩm có khả năng liên kết giữa các Trung tâm để phát triển theo chuỗi giá trị của vùng, từ đó hình thành nhiệm vụ chung cho các Trung tâm trong vùng nghiên cứu, triển khai. Đồng thời tạo điều kiện gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, học tập và chia sẻ kinh nghiệm để đưa ra các giải pháp đẩy mạnh sự phát triển của các Trung tâm trong thời gian tới.

Dự Hội thảo có đồng chí Phạm Thế Dũng - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ; đồng chí Trần Ngọc Nam - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện lãnh đạo các Sở Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo các Trung tâm và hơn 100 đại biểu là công chức, viên chức và người lao động tại Trung tâm các tỉnh trong vùng.
 

Đồng chí Trần Ngọc Nam - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế và đồng chí Phạm Thế Dũng - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đồng chủ trì Hội thảo.
 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá kết quả hoạt động của các Trung tâm năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018; nghe báo cáo tham luận, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn tại một số Trung tâm, như: Tăng cường hiệu quả hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN thông qua mô hình điểm kết nối cung - cầu công nghệ; kinh nghiệm xây dựng và triển khai dự án đầu tư nâng cao năng lực theo Quyết định số 317/QĐ-TTg, ngày 15/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh tại Trung tâm; Kinh nghiệm xây dựng và thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng; kinh nghiệm triển khai hoạt động ứng dụng và chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.

Theo báo cáo tại Hội thảo, tổng số nhân lực đến năm 2018 của 6 Trung tâm là 128 người (giảm so với năm 2017 là 10 người), trong đó, biên chế sự nghiệp là 43 người, chiếm 33,6%, còn lại 85 người là lao động hợp đồng, chiếm 66,4%. Về trình độ chuyên môn chủ yếu là thạc sỹ, kỹ sư và cử nhân trở lên (chiếm trên 95%) còn lại một số có trình độ cao đẳng, trung cấp và lao động phổ thông. Kết quả hoạt động năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, các Trung tâm đã xây dựng và thực hiện được 33 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng (TXTCN) trong năm 2017 (Thừa Thiên Huế: 05 nhiệm vụ; Quảng Trị: 09 nhiệm vụ; Nghệ An: 06 nhiệm vụ; Hà Tĩnh: 03 nhiệm vụ và Thanh Hóa: 10 nhiệm vụ) và 29 nhiệm vụ thực hiện trong năm 2018 (Thừa Thiên Huế: 05 nhiệm vụ; Quảng Trị: 06 nhiệm vụ; Nghệ An: 06 nhiệm vụ; Hà Tĩnh: 03 nhiệm vụ và Thanh Hóa: 09 nhiệm vụ). Riêng Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Bình là chưa được phê duyệt nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng. Các nhiệm vụ TXTCN của các Trung tâm các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ chủ yếu tập trung vào các nội dung: Xây dựng các mô hình ứng dụng về trồng trọt, chăn nuôi, cây dược liệu; Tập huấn, đào tạo, chuyển giao các tiến bộ KH&CN; Hội nghị, hội thảo; Nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công nghệ và sản xuất, chế biến một số sản phẩm từ nguyên liệu ở địa phương; Nghiên cứu, hoàn thiện quy trình và sản xuất một số loại nấm ăn và nấm dược liệu mới; Công nghệ sinh học (sản xuất các loại chế phẩm vi sinh; lưu giữ và sản xuất mốt số giống cây bằng phương pháp nuôi cấy mô),... Các nhiệm vụ được xây dựng đều xuất phát từ thực tế đã đưa lại kết quả thiết thực, có ý nghĩa nâng cao năng suất, giá trị, chất lượng sản phẩm và mang hàm lượng khoa học cao.

Thông qua triển khai, thực hiện nhiệm vụ, các Trung tâm đã được bổ sung cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cho các cán bộ, viên chức và người lao động của đơn vị, đồng thời tạo ra được một số sản phẩm, làm chủ được một số quy trình công nghệ để nâng cao nguồn thu và phục vụ các hoạt động trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các Trung tâm cũng đã thực hiện có hiệu quả các đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp Bộ, cấp Nhà nước, cấp Tỉnh và cấp cơ sở. Tuy nhiên so với bình quân chung cả nước thì số lượng nhiệm vụ bố trí cho các Trung tâm vùng Bắc Trung Bộ còn hạn chế, đặc biệt là nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở. Hoạt động dịch vụ của các Trung tâm về tư vấn, ứng dụng và chuyển giao công nghệ đã có nguồn thu, tuy nhiên chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Riêng các Trung tâm có chức năng thực hiện các dịch vụ về tư vấn công tác bảo vệ môi trường; dịch vụ an toàn bức xạ và dịch vụ phòng chống côn trùng (Thừa Thiên Huế; Quảng Bình; Hà Tĩnh và Thanh Hóa) nên nguồn thu của 4 Trung tâm này vượt trội so với 2 Trung tâm còn lại (Thừa Thiên Huế: 2,5 tỷ đồng năm 2017; Quảng Bình: 951,8 triệu đồng; Hà Tĩnh: 3,9 tỷ đồng và Thanh Hóa: 2,5 tỷ đồng năm 2017).

Về các quy trình công nghệ của các Trung tâm, chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực: Chế phẩm sinh học; sản xuất phân hữu cơ sinh học; sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu; hệ thống xử lý nước ngầm, sản xuất giống từ nuôi cấy mô,... Qua đó cho thấy, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ, chuyển giao công nghệ của các Trung tâm đã có bước phát triển tăng cả số lượng và chất lượng, đồng thời tạo được nguồn thu khá lớn trong hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất của các Trung tâm trong vùng.

Tham gia thảo luận tại Hội thảo, đồng chí Đỗ Khoa Văn - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: “Chúng tôi rất phấn khởi trước sự tiến bộ của các Trung tâm, đây là đơn vị rất quan trọng của các Sở. Bên cạnh đó, các Trung tâm phải thay đổi từ trong tư duy, nhận thức đến hành động thì mới có thể thành công. Chúng ta phải tham gia tích cực theo thị trường và theo mô hình doanh nghiệp”.
 

Đồng chí Phạm Thế Dũng - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ phát biểu tại Hội thảo.
 

Sau khi lắng nghe các ý kiến trao đổi, tham luận và những đề xuất, kiến nghị của các lãnh đạo Sở, Trung tâm, đồng chí Phạm Thế Dũng cho rằng lãnh đạo Sở các địa phương rất trăn trở và quan tâm đến hoạt động của các Trung tâm được thể hiện ở chất lượng và nội dung của các hội nghị giao ban diễn ra ngày càng phong phú và hiệu quả. Trong báo cáo tổng kết cho thấy các Trung tâm đã thực hiện đầy đủ nội dung, nhiệm vụ  theo định hướng của Bộ trong việc thực hiện Quyết định 317/QĐ-TTg về nâng cao năng lực cho các Trung tâm, Công văn số 2110/CV-BKHCN về hướng dẫn nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của các Trung tâm và đánh giá cao sự nỗ lực của các Trung tâm trong việc thực hiện vai trò hỗ trợ quản lý nhà nước về định hướng ứng dụng tiến bộ KH&CN vào các lĩnh vực của đời sống – xã hội. Về việc thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, hiện nay Bộ đang xây dựng Dự thảo Thông tư quy định các tiêu chí phân loại, sẽ được ban hành sớm nhất khi có Nghị định của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Về vấn đề cổ phần hóa tại các Trung tâm thực hiện theo Quyết định số 22/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị muốn cổ phần hóa phải đảm bảo đủ điều kiện thì có thể chuyển đổi sang mô hình này, nhưng mỗi địa phương vẫn phải đảm bảo có đơn vị thực hiện chức năng hỗ trợ quản lý nhà nước trong hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tại địa phương. Đối với các đề xuất, kiến nghị, đồng chí Phạm Thế Dũng cho biết Cục hoàn toàn ủng hộ và song hành cùng các địa phương để triển khai các nội dung đề xuất và cảm ơn sự chỉ đạo, lãnh đạo của Lãnh đạo các Sở đã chỉ đạo, hỗ trợ các Trung tâm trong quá trình phát triển và mong muốn các Trung tâm tiếp tục nổ lực, thay đổi và phát triển mạnh mẽ hơn nữa cho phù hợp với tình hình mới.

Kết thúc Hội thảo, đồng chí Trần Ngọc Nam - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổng kết những kết quả đã đạt được tại Hội thảo và đưa ra những đề xuất, trong đó đề nghị lãnh đạo Sở các địa phương và Trung tâm thống nhất duy trì Hội thảo khoa học này hằng năm như một hoạt động của khu vực dưới sự chỉ đạo của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ; Nhất trí việc chia sẻ kinh nghiệm, thông tin về các sản phẩm, nhiệm vụ giữa các Trung tâm trong vùng và đề nghị lãnh đạo các Sở triển khai quyết liệt Nghị quyết 19-NQ/TW theo hướng tự chủ, theo mô hình Trung tâm có các doanh nghiệp trực thuộc.

Trong khuôn khổ của Hội thảo các đại biểu đã tham quan một số mô hình khoa học và công nghệ tiêu biểu tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

 

Nguồn: Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN

Lượt xem: 5358

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)