Với tinh thần làm việc đổi mới, năng động và trách nhiệm cao của Ban Tổ chức, sự kiện đã hoàn thành các nội dung chương trình đề ra. Ban Tổ chức đã tiếp nhận và xử lý 100 nhu cầu công nghệ của các doanh nghiệp, tổ chức khu vực phía Nam; cung cấp thông tin 2.500 nguồn cung công nghệ trong nước và nước ngoài trên hệ thống dữ liệu công nghệ và cẩm nang công nghệ; hơn 500 sản phẩm/quy trình/công nghệ/thiết bị của 128 đơn vị trong nước và quốc tế được trưng bày, trình diễn tại sự kiện.
Về kết nối cung - cầu công nghệ, thông qua mạng lưới Điểm kết nối cung - cầu công nghệ (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Phú Yên, Đăk Lăk), đã thực hiện 61 buổi tư vấn, kết nối công nghệ; có 19 hợp đồng thỏa thuận chuyển giao công nghệ và cung ứng thiết bị cho doanh nghiệp được ký kết; 5 công nghệ được tư vấn hoàn thiện và hỗ trợ thương mại hóa tại cơ sở ứng dụng; đã tư vấn hỗ trợ thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển ngành phụ phẩm tôm và Quỹ học bổng “Phát triển ngành phụ phẩm thủy sản tại Việt Nam”.
Đồng thời tại sự kiện lần này đã có trên 50 lượt doanh nghiệp được tư vấn công nghệ và cải tiến quy trình kỹ thuật với sự tham gia của 20 chuyên gia công nghệ. Các bên tham gia kết nối cung-cầu đã trao đổi, thống nhất và ký kết 14 hợp đồng chuyển giao công nghệ, biên bản ghi nhớ với tổng giá trị hơn 240 tỷ đồng.
Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra chuỗi các hội thảo quốc tế, diễn đàn chuyên sâu giải quyết bài toán công nghệ cho doanh nghiệp, cho vùng, tập trung vào các vấn đề: Đánh giá thực trạng, xác định các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất trong nông nghiệp, phụ phẩm tôm Việt Nam; đề xuất các công nghệ phù hợp, các giải pháp về chính sách để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ trong sản xuất.
Điểm kết nối cung cầu công nghệ Vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại TP. Cần Thơ đã chính thức khai trương và đi vào hoạt động. Thông qua hoạt động của điểm kết nối cung cầu công nghệ sẽ hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện đổi mới công nghệ, kết nối các nhà khoa học với doanh nghiệp đưa nhanh kết quả, sản phẩm KH&CN vào sản xuất, kinh doanh.
Trong khuôn khổ sự kiện Trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ quốc tế 2018, lần đầu tiên Ban Tổ chức tôn vinh 8 doanh nghiệp đổi mới công nghệ tiêu biểu. Đây là một hoạt động hết sức có ý nghĩa để ghi nhận, động viên kịp thời các doanh nghiệp có hoạt động đổi mới công nghệ tiêu biểu.
Với nội dung phong phú, sự kiện đã thu hút trên 10.000 lượt khách trong nước và quốc tế thăm quan, tìm hiểu các thiết bị/công nghệ/sản phẩm mới, tham dự các hội thảo, diễn đàn chuyên sâu về công nghệ.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại lễ bế mạc.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh, Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ là hoạt động thường xuyên, liên tục. Vì vậy, sau khi chuỗi các sự kiện tại Cần Thơ kết thúc, Bộ KH&CN sẽ chỉ đạo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cùng với các đơn vị liên quan, doanh nghiệp tiếp tục triển khai các kết quả đã đạt được để nâng cao hiệu quả và thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ cũng như tiếp tục tổ chức các hoạt động điều tra khảo sát xác định nhu cầu công nghệ của doanh nghiệp, tổ chức tư vấn kỹ thuật, hội thảo giới thiệu công nghệ sẵn sàng chuyển giao, tăng cường hỗ trợ kết nối cung cầu công nghệ thông qua các mạng lưới điểm kết nối cung cầu công nghệ trong thời gian tới.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng và Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng trao Giấy chứng nhận cho các đơn vị tham gia TechDemo 2018.