Thứ bảy, 27/10/2018 08:54 GMT+7

Tập huấn Bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm đặc sản địa phương

Sáng 26/10/2018, tại hội trường Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Tiên Lãng diễn ra hội nghị tập huấn Bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm đặc sản địa phương. Hội nghị do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức nhằm giới thiệu về các hình thức quản lý, bảo hộ, khai thác và phát triển sở hữu trí tuệ, vai trò, ý nghĩa của sở hữu trí tuệ với các đặc sản địa phương trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Tham dự hội nghị có đại diện Sở Khoa học và Công nghệ; đại diện lãnh đạo UBND huyện Tiên Lãng; Chi cục Phát triển Nông thôn; đại diện các cá nhân, tập thể, đơn vị sở hữu sản phẩm đặc sản tại Hải Phòng.

 


Quang cảnh hội nghị tập huấn.

 

Tại hội nghị, ông Nguyễn Mai Ngọc - Trưởng Phòng Quản lý chuyên ngành (Sở KH&CN) đã giới thiệu tổng quan về sở hữu trí tuệ (SHTT), những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm bao gồm khái niệm về SHTT, Luật SHTT số 50/2005/QH11 và Luật SHTT sửa đổi bổ sung ngày 19/6/2009; các Thông tư, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật SHTT; các cơ quan quản lý Nhà nước về SHTT… Bên cạnh đó, các đại biểu dự hội nghị còn được tìm hiểu về các khái niệm chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và vai trò, tầm quan trọng, giá trị do các khái niệm này mang lại…

 


Tiên Lãng là địa phương có nhiều sản phẩm đặc sản được bảo hộ SHTT như: gạo nếp cái hoa vàng Đại Thắng, thuốc lào Tiên Lãng, nấm ăn - nấm dược liệu; rượu nếp cái hoa vàng và trứng vịt Chấn Hưng.

 

Theo báo cáo thực trạng, giải pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển đặc sản địa phương theo chương trình mỗi xã một sản phẩm, ông Nguyễn Duy Dương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn thành phố Hải Phòng cho biết, Hải Phòng hiện có 62 sản phẩm đặc sản, làng nghề được đăng ký bảo hộ SHTT trong đó sản phẩm đặc sản có 18 sản phẩm (chiếm 29,03%), sản phẩm làng nghề có 44 sản phẩm (70,79%). Phần lớn các sản phẩm do các tổ chức hội và hợp tác xã đứng tên đăng ký. Các sản phẩm chủ yếu sản xuất thủ công, số lượng ít và đơn lẻ, đóng gói bao bì đơn giản, chưa chú trọng gắn logo thương hiệu, chưa có doanh nghiệp tổ chức sản xuất hoặc bao tiêu sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế…

Thời gian qua Sở KH&CN đã tham mưu với thành phố đề xuất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển đặc sản địa phương như hỗ trợ đăng ký SHTT, tổ chức các lớp tập huấn về bảo hộ và khai thác quyền SHTT, quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản tại các sự kiện của Trung ương và thành phố… Đặc biệt, trong năm 2019 Sở KH&CN sẽ phối hợp cùng các Sở, ban ngành của thành phố để hỗ trợ phát triển 20 sản phẩm đặc sản đã có tại địa phương trên các khía cạnh: đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm; thiết kế, sử dụng bao bì - nhãn mác; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…

Nguồn: Sở KH&CN thành phố Hải Phòng

Lượt xem: 3284

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)