Thứ tư, 16/01/2019 16:51 GMT+7

Dự án Khởi tạo môi trường Sở hữu trí tuệ và định hướng một số hoạt động trong năm 2019

Dự án EIE (Khởi tạo môi trường Sở hữu trí tuệ) là một trong các Dự án do WIPO quản lý dưới sự thực hiện trực tiếp của Vụ Châu Á- Thái Bình Dương. Thời gian thực hiện Dự án kéo dài 6 năm (bắt đầu năm 2016 và kết thúc năm 2022).

Mục tiêu chính của Dự án EIE là tập trung vào lĩnh vực thương mại hóa sở hữu trí tuệ thông qua các trụ cột như: chuyển giao công nghệ và hệ thống đổi mới sáng tạo; phát triển công nghệ; quản lí công nghệ; quản lí sở hữu trí tuệ; xây dựng năng lực; liên kết viện-trường-ngành và các chủ thể khác.

Hiện tại có 8 quốc gia tham gia gồm: Malaysia, Thái Lan, Phillipines, Ấn Độ, Iran, Mông Cổ, Sri Lanka, Việt Nam, và In-đô-nê-xia. Mỗi một quốc gia tham gia sẽ có những lộ trình cụ thể khác nhau để thực hiện Dự án nhưng tất cả đều nhằm mục đích là đạt được mục tiêu chung của Dự án.

Dự án nhằm tạo ra một môi trường SHTT thuận lợi cho các chủ thể tham gia, bao gồm: một hệ thống đổi mới sáng tạo phù hợp; các viện/trường có cơ cấu tổ chức thích hợp; các qui trình hiệu quả với nhân lực có trình độ được bố trí hợp lí và mối quan hệ mật thiết giữa các ngành có liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Tất cả các yếu tố nêu trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình sáng tạo tri thức, chuyển giao tri thức và chuyển đổi từ tri thức thành các sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho xã hội.

Dự án được phát triển dựa trên mô hình Trục xoay và Nan hoa (Hub and Spokes), khi một bánh xe khi quay thì các nan hoa được xoay quanh trục, đồng thời cả hệ thống trục và nan hoa cùng được tiến lên phía trước.

Trục xoay (Hub) đóng vai trò là điểm trung tâm liên lạc và phối hợp trong các hoạt động và quy trình liên quan đến Dự án ở cấp quốc gia. Thông thường, như một số quốc gia đang tham gia Dự án, Trục xoay là Bộ chủ quản hoặc Cơ quan sở hữu trí tuệ của quốc gia đó. Trong một môi trường lý tưởng, Trục xoay sẽ trở thành trung tâm của nền tảng kiến thức của đất nước trong lĩnh vực phát triển công nghệ, quản lý và thương mại hóa liên quan đến SHTT.

Vai trò chính của Trục xoay bao gồm:

-    Là tổ chức dẫn dắt, chịu trách nhiệm về các hoạt động và quy trình chung của Dự án, tham gia vào tất cả các hoạt động và định hướng năng lực phát cho triển công nghệ, quản lý và thương mại hóa công nghệ dựa trên SHTT trong nước;
-    Tổ chức và quản lý các sự kiện và hoạt động cấp quốc gia của Dự án, phối hợp với Nan hoa, và giao dịch với các nhà bán hàng và nhà cung cấp dịch vụ hậu cần để đảm bảo sự thành công của các sự kiện.
-    Tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối và phối hợp các hoạt động giữa WIPO và các Nan hoa thuộc Dự án, bao gồm vai trò là đầu mối trung tâm, trong đó WIPO tham gia vào dự án ở trong nước;
-    Kết nối và theo dõi tất cả các nhiệm vụ được thực hiện bởi Nan hoa, và các bên liên quan khác để thực hiện Dự án một cách trơn tru;
-    Tổ chức và chủ trì các cuộc họp hoạt động của Dự án, lập tài liệu và theo dõi các cuộc thảo luận trong đó và lưu giữ hồ sơ, bao gồm biên bản cuộc họp, kết quả của các cuộc thảo luận như thỏa thuận và nhiệm vụ để theo dõi, tên của thành viên tham gia cuộc họp và thông tin liên hệ, để nộp cho WIPO; và
-    Hợp tác chặt chẽ với WIPO và Nan hoa trong tất cả các hoạt động và quá trình của Dự án và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo dựng hoặc củng cố mạng lưới các bên liên quan trong phát triển công nghệ.

Nan hoa (spokes) là các tổ chức nghiên cứu, các trường đại học được lựa chọn tham gia vào Dự án. Nan hoa giữ một vai trò quan trọng và cũng là tâm điểm của Dự án trong các hoạt động hướng về viện nghiên cứu, trường đại học của WIPO.

Ông Francis Gurry - Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), đã nói "Các trường đại học là động lực của nền kinh tế tri thức. Sở hữu trí tuệ cho biết thêm một cơ chế khác cho các trường đại học để phổ biến tri thức mà họ tạo ra và để sử dụng tri thức đó trong lĩnh vực kinh tế”.

Vai trò của Nan hoa bao gồm:

-    Tham gia vào tất cả các nỗ lực xây dựng năng lực của Dự án để phát triển, quản lý và thương mại hóa công nghệ dựa trên SHTT với mục đích áp dụng kiến thức và kỹ năng và tăng đầu ra phát triển công nghệ và thương mại hóa ở cấp độ tổ chức;
-    Tham gia vào tất cả các cuộc họp và hội thảo của Dự án, để thu thập ý kiến và phản hồi từ các tổ chức tham gia và có được các thỏa thuận cho các hành động hiện tại và tương lai để giải quyết các vấn đề triển khai và cải thiện hiệu quả của Dự án;
-    Hỗ trợ Trục xoay trong việc xác định, mời và phối hợp với những người tham gia tiềm năng trong các hoạt động khác nhau của Dự án, phối hợp với Ban Thư ký Dự án và WIPO;
-    Làm việc với các Trục xoay và các Nan hoa khác để phổ biến chương trình đào tạo của WIPO cho các bên liên quan khác;
-    Đề xuất các sáng chế được tạo ra và sở hữu bởi tổ chức có tiềm năng bảo hộ SHTT và thương mại hóa, sẽ được bộc lộ đầy đủ, theo các điều khoản bảo mật thích hợp, để hưởng lợi từ việc cố vấn có kinh nghiệm được thực hiện tại chỗ và từ xa (ví dụ: email, hội thảo từ xa) để tiếp tục phát triển và quản lý công nghệ hiệu quả hơn theo hướng thương mại hóa; và
-    Cung cấp địa điểm cho một số sự kiện cấp quốc gia với tư cách là đơn vị đồng tổ chức với WIPO và quản lý các hoạt động cùng với Hub và các “spoke” khác để tối ưu hóa nguồn lực của Dự án và tăng khả năng tiếp cận với nhiều bên liên quan hơn trong các tổ chức tham gia
Ngoài ra, còn có các thành phần khác của Dự án bao gồm: Ban thư ký Dự án, Ủy ban điều phối Dự án, các nhà sáng tạo, nhà đầu tư, xúc tiến công nghệ, nhà cung cấp dịch vụ và các tổ chức khác có liên quan.
Việt Nam là một trong số các quốc gia tham gia vào Dự án khá sớm. Tháng 3/2017, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Giám đốc Tổ chức SHTT thế giới Francis Gurry, Cục SHTT đã phối hợp với WIPO tổ chức Hội thảo về Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo tại trường đại học và viện nghiên cứu thông qua mô hình “trục xoay và nan hoa”, Tọa đàm về thực trạng hoạt động nghiên cứu triển khai, bảo hộ sáng chế và thương mại hóa sáng chế tại trường đại học và viện nghiên cứu.
Tiếp theo các hoạt động trên, trong tháng 9/2017, Cục SHTT đã phối hợp với WIPO tổ chức Hội nghị phỏng vấn các viện nghiên cứu/trường đại học tại TP Hồ Chí Minh và tại Hà Nội để lựa chọn các đơn vị tham gia Dự án và đồng thời, tổ chức Khóa đào tạo nâng cao về chuyển giao công nghệ thành công (STL) tại TP. Hồ Chí Minh.


Chuyến thăm Cục SHTT của Tổng giám đốc Tổ chức SHTT thế giới Francis Gurry vào tháng 3/2017.

Trong năm 2018, Cục SHTT đã phối hợp với WIPO tổ chức Hội thảo Xây dựng chính sách SHTT cho các trường đại học và viện nghiên cứu dành cho các Nan hoa sẽ tham gia vào Dự án và mời thêm các tổ chức thuộc mạng lưới TISC. Bên lề Hội thảo WIPO tiếp tục phỏng vấn để chính thức lựa chọn các tổ chức tham gia vào Dự án với vai trò là một Nan hoa. Dự kiến sẽ lựa chọn khoảng 10 tổ chức là Nan hoa và sớm được WIPO và Cục SHTT công bố.

 

Hội thảo Xây dựng chính sách SHTT cho các trường đại học và viện nghiên cứu vào tháng 11/2018.

 

Một số hoạt động dự kiến trong năm 2019

 

Mô hình các giai đoạn của Dự án (tính đến hết năm 2018)

 

Trong năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục phối hợp cùng WIPO để vận hành Dự án một cách có hiệu quả nhất, tiếp tục phối hợp cùng các viện nghiên cứu, trường đại học trong tất cả các hoạt động của Dự án, một số công việc chính dự kiến sẽ thực hiện như:
-    Thành lập Văn phòng dự án trực thuộc Trung tâm thông tin SHCN (Cục SHTT);
-    Chuẩn bị kí kết bản ghi nhớ giữa WIPO và Bộ KHCN về thực hiện Dự án;
-    Công bố danh sách các Nan hoa và kí cam kết tham gia Dự án giữa WIPO và các Nan hoa;
-    Tổ chức một số buổi hội thảo trực tuyến (video conference) giữa các chuyên gia WIPO và các bên tham gia;
-    Tổ chức Hội thảo chuyên sâu dành cho các Nan hoa và mạng lưới TISC;
-    Cử cán bộ tham dự các lớp học đào tạo từ xa chuyên sâu do WIPO tổ chức; và
-    Hội nghị lãnh đạo cấp cao dành cho các viện nghiên cứu, trường đại học.
 

 

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 3262

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)