Trên cơ sở đó, ngày 17/1/2019 vừa qua, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã tổ chức thành công "Hội thảo mô hình trung tâm dịch vụ nhằm thúc đẩy phát triển bền vững trên nền tảng đổi mới sáng tạo tại Việt Nam". Sự kiện hướng tới lấy ý kiến chuyên gia và các đơn vị có liên quan về một trung tâm theo mô hình "một cửa", liên kết mạng lưới các tổ chức trung gian khoa học và công nghệ nhằm chia sẻ thông tin, chuẩn hóa các hoạt động và dịch vụ nhằm phát huy tối đa năng lực của các thành viên, hướng tới sự phát triển bền vững và góp phần tăng cường tác động của khoa học và công nghệ lên đời sống kinh tế - xã hội.
Toàn cảnh Hội thảo
Chủ trì Hội thảo là bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, với sự tham dự và đóng góp ý kiến của các chuyên gia từ các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; Sở KH&CN Hà Nội; các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, sự kiện có sự tham gia của các chuyên gia quốc tế: GS. Volker Alstadt - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển vật liệu mới Bang Bavaria và TS. Michael Braun - chuyên gia về chuyển giao công nghệ quốc tế.
Tại Hội thảo, các diễn giả và chuyên gia nước ngoài đã chia sẻ nhiều ý kiến và nội dung quan trọng, tập trung vào các vấn đề như: Hệ sinh thái khoa học và công nghệ tại Việt Nam; Hoạt động hỗ trợ công nghệ từ các tổ chức công ở Việt Nam; Mô hình ươm tạo công nghệ và chuyển giao công nghệ từ trường đại học.
Ths. Dương Thị Thu Nga - Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học công nghệ đã chia sẻ về hệ thống chính sách hỗ trợ và chuyển giao công nghệ tại Việt Nam. Cùng với đó là khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ qua mô hình doanh nghiệp KHCN. Qua đó, các đại biểu đã thấy được những kết quả rất đáng ghi nhận từ hoạt động, số doanh nghiệp đang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KHCN là khoảng 3000 DN, trong đó nhiều doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu và phát triển, chú trọng tới việc xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Số lượng sự kiện xúc tiến chuyển giao công nghệ thường xuyên được tổ chức với các quy mô, hình thức đa dạng. Đi cùng với đó là các giao dịch công nghệ thiết bị cũng tăng lên rất nhanh, có hơn 2000 hợp đồng và biên bản được ký kết với giá trị lớn.
TS. Nguyễn Hữu Xuyên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ chia sẻ một số chính sách hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ, cũng như giải pháp thúc đẩy hỗ trợ hoạt động hỗ trợ công nghệ từ tổ chức công. Đó là hoàn thiện môi trường pháp lý; xây dựng lộ trình hỗ trợ công nghệ một cách chiến lược; liên kết, hợp tác công tư trong hỗ trợ công nghệ; thúc đẩy khởi nghiệp dựa vào công nghệ và đẩy mạnh việc thực thi chính sách ưu đãi về hỗ trợ công nghệ. Đây cũng là những giải pháp rất thiết thực trong hỗ trợ chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.
Chia sẻ về mô hình hoạt động hỗ trợ công nghệ tại CHLB Đức, Đại diện Trung tâm nghiên cứu phát triển vật liệu mới Bang Bavaria - GS. Volker Alstadt đã trình bày những giải pháp, kinh nghiệm cụ thể trong sứ mệnh kết nối các doanh nghiệp với công nghệ, tạo điều kiện bảo vệ các sáng chế cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ đó đưa ra một số khuyến nghị, đề xuất trong áp dụng tại Việt Nam.
Về phía Việt Nam, ông Phạm Tuấn Hiệp - Giám đốc ươm tạo, Công ty Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách khoa Hà Nội (BK-Holdings) đã chia sẻ những kinh nghiệm và thành quả thực tế của hệ thống hỗ trợ chuyển giao công nghệ ở Đại học Bách khoa Hà Nội, mô hình ươm tạo công nghệ của BK-Holdings, cùng những thành tựu trong hoạt động nghiên cứu phát triển - hợp tác với các công ty như Haesung Vina, Nissan, và các tổ chức IPP, BIPP…
Ban tổ chức và các diễn giả chụp ảnh lưu niệm
Trên cơ sở các ý kiến thu được từ Hội thảo, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ sẽ tiếp tục hoàn thiện và thử nghiệm mô hình trong giai đoạn sắp tới nhằm đẩy mạnh hiệu quả hoạt động cung - cầu công nghệ và hỗ trợ tư vấn kỹ thuật./.