Thứ năm, 27/06/2019 07:35 GMT+7

Chính sách và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng

Mặc dù đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích song cho đến thời điểm hiện tại, tổng sản lượng điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn trong toàn hệ thống điện quốc gia. Nguyên nhân chính có thể kể đến là do còn một số rào cản khi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo như rào cản về giá điện, rào cản về tính bất ổn định của năng lượng tái tạo, rào cản về tài chính và rào cản về năng lực công nghệ nội sinh.

Chính vì lý do đó, trong khuôn khổ Diễn đàn công nghệ và năng lượng năm 2019, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Cục Năng lượng Hàn Quốc phối hợp tổ chức Hội thảo “Chính sách và Công nghệ trong lĩnh vực năng lượng” nhằm truyền tải các thông tin đa chiều từ kinh nghiệm xây dựng chính sách tại quốc gia tiên tiến như Hàn Quốc, ý kiến của doanh nghiệp trong cuộc về chính sách và công nghệ tới các thông tin về công nghệ điển hình được nghiên cứu và phát triển thành công trong nước cũng như các công nghệ từ nước ngoài sẵn sàng chuyển giao vào Việt Nam.

Chia sẻ kinh nghiệm

Nội dung Hội thảo được mở đầu bằng bài tham luận của ông Lee Sang Hoon, Chủ tịch Trung tâm Năng lượng tái tạo, Cục Năng lượng Hàn Quốc giới thiệu về định hướng chính sách cho ngành ngăng lượng tái tạo mới của Chính phủ Hàn Quốc. Trung tâm năng lượng tái tạo là cơ quan chuyên trách duy nhất đảm nhiệm thúc đẩy cung ứng năng lượng tái tạo. Trước xu hướng thế giới đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo nhằm mục đích chuyển hóa năng lượng và đảm bảo động lực cho sự phát triển, các quốc gia trên thế giới đang tập trung đầu tư và cân đối tỷ trọng cho ngành năng lượng tái chế, tập trung vào năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Theo đó, các doanh nghiệp của các quốc gia trên thế giới cũng đang tập trung vào phát triển công nghệ và giảm giá thành. Chính phủ các nước cũng đang nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp nước mình.
 


Ông Lee Sang Hoon, Chủ tịch Trung tâm Năng lượng tái tạo, Cục Năng lượng Hàn Quốc

Về xu hướng thúc đẩy chính sách năng lượng tái tạo tại Hàn Quốc, ông Lee Sang Hoon cho biết, thành quả trong năm đầu tiên (2018) triển khai “Dự án năng lượng tái tạo 3020” cung cấp 2,989MW, vượt 72% so với mục tiêu thường niên ban đầu (1,737MW). Hàn Quốc đặt ra mục tiêu đạt 74% cung cấp năng lượng tái tạo với năng lượng mặt trời và gió, sản lượng gió tuy còn thấp nhưng tình hình khảo sát dự án theo tỷ trọng REC của năng lượng gió diễn ra sôi động. Hiện, Hàn Quốc thiết lập phương án tăng cường sức cạnh tranh của ngành năng lượng tái tạo nhằm tạo cơ chế tuần hoàn liên kết các chính sách mở rộng quy mô cung ứng năng lượng tái tạo.

“Định hướng chính sách cho năng lượng tái tạo tại Hàn Quốc là mở rộng quy mô cung cấp năng lượng tái tạo và tăng cường khả năng cạnh tranh, góp phần tích cực vào việc chuyển hóa năng lượng sạch và an toàn. Dự kiến Dự án năng lượng tái tạo 3020 sẽ hoàn thành mục tiêu cung ứng đến năm 2030 bằng việc đẩy nhanh tốc độ thực hiện. Cụ thể, mục tiêu cung ứng năng lượng sạch đạt 20 % tỷ trọng sản lượng điện vào năm 2030, trên 90% các thiết bị được lắp đặt mới thuộc năng lượng mặt trời và gió”, ông Lee Sang Hoon cho biết,

Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Nam Phong, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Điện Mặt Trời Vũ Phong chia sẻ về chính sách và công nghệ. Hiện Dự án Vũ Phong Solar đã triển khai dùng pin mặt trời mono và poly tại Việt Nam với các dự án: Solar farm, nhà xưởng tòa nhà văn phòng và hộ gia đình. Ông Phạm Nam Phong cho biết, thời gian qua Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách về điện mặt trời như: Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam; Thông tư số 16/2017/TT-BCT quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời; Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
 


Ông Nguyễn Vĩnh Khương -  Giám đốc Dự án phát triển trí tuệ nhân tạo chia sẻ tại Hội thảo

Trong khuôn khổ Hội thảo, ông Nguyễn Hồ Nam - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bamboo Capital về các giải pháp phát triển năng lượng sạch bền vững. Đến từ SolarBK, tham luận của ông Nguyễn Vĩnh Khương - Giám đốc Dự án phát triển trí tuệ nhân tạo đã chia sẻ về giải pháp giám sát, thu thập, và phân tích dữ liệu thông qua nền tảng ứng dụng SSOC, qua đó giúp đội ngũ kỹ thuật chủ động kiểm tra các lỗi từ các hệ thống điện mặt trời, nước nóng năng lượng mặt trời, cũng như các giải pháp phát triển thêm như máy lọc nước biển. Ngoài ra, các thuật toán kết hợp trí tuệ nhân tạo cũng được tích hợp vào SSOC, góp phần dự đoán mức tiêu thụ năng lượng, đưa ra cảnh báo nếu có sự thay đổi bất thường của tải sử dụng và tối ưu hóa quá trình tiết kiệm điện. Công nghệ này cho phép doanh nghiệp có thể tùy biến các tính năng thông minh theo yêu cầu cụ thể của khách hàng.

và đề xuất chính sách phát triển năng lượng tái tạo

Ông Phạm Nam Phong đã đưa ra đề xuất chính sách mới kể từ sau tháng 6/2019 đó là: Giữ giá điện mặt trời áp mái 9,35 cent tới hết 2021 để khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái do thời gian thực hiện Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg sửa đổi quá ngắn. Đồng thời, đồng ý sử dụng kết quả đo kiểm định tại trung tâm đo đạc để căn cứ thỏa thuận đấu nối mà không phải đo tại công trình tốn nhiều thời gian và chi phí. Bên cạnh đó là hỗ trợ quy trình đăng ký đấu nối đối với các dự án điện áp mái muốn lắp đặt hơn 1MWp và có nhiều hơn 1 điểm đo đếm.

Ông Trần Quốc Hiệu - Giám đốc kỹ thuật Công ty Indefol đã trao đổi về vấn đề “Nội địa hóa và làm chủ công nghệ sản xuất tua bin gió tại Việt Nam”. Trước thực tế tua bin gió nhập về từ nước ngoài hoạt động tối ưu tại vận tốc 10-14M/S, vận tốc gió trung bình tại các cột đo gió ở Việt Nam là 5-7 M/S. Đây là cơ hội để sản xuất tuabin phù hợp với điều kiện Việt Nam để việc đầu tư điện gió mang lại giá trị lan tỏa cho xã hội. Giá trị đóng góp về KH&CN khi làm chủ công nghệ tuabin gió sẽ thúc đẩy nghiên cứu cơ khí chính xác, nghiên cứu khuôn mẫu, nghiên cứu composite và thực hiện các đề tài khoa học có liên qua.

Để hiện thực hóa dự án máy phát điện gió của Việt Nam, ông Trần Quốc Hiệu đã đề xuất chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: cho phép dự án điện gió dưới 1MW được làm như điện mặt trời áp mái, được miễn đo gió và miễn giấy phép xây dựng; cho phép các dự án trang trại gió sử dụng công nghệ trong nước được hưởng lãi suất vay ưu đãi; tạo cơ chế cho vay vốn từ các tổ chức nước ngoài muốn tài trợ trực tiếp cho dự án thông qua tổ chức tín dụng trung gian. Để chuyển giao công nghệ, ông Trần Quốc Hiệu đề xuất dự kiến vào năm 2020-2030, nhà nước hỗ trợ 50% phí chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, doanh nghiệp bỏ 50% vốn còn lại và kết nối với Tập đoàn Điện lực để phát triển các trang trại gió sử dụng công nghệ trong nước vào quy hoạch phát triển điện lực góp phần phát triển kinh tế.

Trong khuôn khổ Diễn đàn công nghệ và năng lượng Việt Nam 2019, nhiều diễn giả đã đóng góp những ý kiến về chính sách và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng, nhằm truyền tải đến đại biểu các thông tin đa chiều từ kinh nghiệm xây dựng chính sách tại quốc gia tiên tiến như Hàn Quốc, ý kiến của doanh nghiệp trong cuộc về chính sách và công nghệ tới các thông tin về công nghệ điển hình được nghiên cứu và phát triển thành công trong nước cũng như các công nghệ từ nước ngoài sẵn sàng chuyển giao vào Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội để tiếp thêm sức mạnh và động lực cho Việt Nam tiến nhanh hơn nữa trên con đường đổi mới, làm chủ công nghệ và phát triển công nghệ nội sinh trong lĩnh vực năng lượng./.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ

Lượt xem: 5671

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)