Chủ nhật, 14/07/2019 16:14 GMT+7

Quảng Ngãi: Kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển ngành KH&CN

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Tỉnh.

Chiều 12/7/2019 tại thành phố Quảng Ngãi, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Quảng Ngãi (14/7/1989-14/7/2019) và ký kết Chương trình hợp tác KH&CN với Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Buỗi Lễ có sự góp mặt của đại diện Bộ KH&CN, các Sở KH&CN trong vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, đại diện Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các sở ban ngành của Tỉnh và đặc biệt là sự tham dự đông đảo của các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành KH&CN tỉnh Quảng Ngãi. Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã tham dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ.

Ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi, tiền thân của Sở KH&CN tỉnh Quảng Ngãi ngày nay, được thành lập ngày 14/7/1989 UBND theo Quyết định số 100/QĐ-UB của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được nhiều kết quả tốt, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Tỉnh:

Trong lĩnh vực công nghiệp, hoạt động KH&CN đã góp phần tạo ra những chuyển biến vượt bậc về năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường. Đặc biệt, phải kể đến Chương trình nghiên cứu Cảng biển nước sâu, Khu Công nghiệp Dung Quất, Khu lọc hóa dầu Bình Sơn là các chương trình nghiên cứu khoa học có giá trị và ý nghĩa vô cùng to lớn, những luận cứ khoa học của Chương trình đã đặt nền tảng cho sự hình thành và phát triển Khu Kinh tế Dung Quất, tác động to lớn đến sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh từ những năm đầu thập kỷ 90 cho đến ngày nay.

Thực hiện chủ trương “đồng hành cùng doanh nghiệp”, Tỉnh đã triển khai Chương trình KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; hỗ trợ xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu, sáng chế và kiểu dáng công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng như: ISO 9000, ISO 14.000, OHSAS-18001, LEAN, 5S, KAZEN,... Chương trình KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp đã tạo động lực và bước phát triển mới trong cộng đồng doanh nghiệp ở tỉnh, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, giảm tiêu hao nguyên nhiên vật liệu, giảm thiểu ô nhiểm môi trường, nâng cao trình độ công nghệ và khả năng cạnh tranh, tăng thu nhập cho doanh nghiệp và người lao động, tạo tiền đề để doanh nghiệp tiếp cận vận dụng thành công những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, việc triển khai thực hiện các dự án KH&CN thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp và thu nhập cho nông dân, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đóng góp tích cực trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Nhiều mô hình được nhân rộng thực tiễn sản xuất, đem lại hiệu quả thiết thực. Điểm nổi bật trong việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ KH&CN vào nông nghiệp, nông thôn là thông qua các nhiệm vụ KH&CN, đã xây dựng được các mô hình sản xuất nông sản sạch, an toàn, bảo đảm sức khỏe nhân dân, tạo tiền đề phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và đã hình thành một số chuỗi liên kết giữa người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp đóng trên địa bàn trong nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ các nông sản chủ lực, sản phẩm có lợi thế của tỉnh.

Trong lĩnh vực y tế, kết quả nghiên cứu và ứng dụng KH&CN đã cung cấp các luận cứ khoa học cho hoạch định về chính sách y tế, tiếp cận những thành tựu y học hiện đại ứng dụng vào thực tiễn, góp phần rất tích cực trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tỉnh.

Trong điều tra cơ bản về tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, các đề tài nghiên cứu khoa học về điều tra cơ bản đã thiết lập được một số ngân hàng cơ sở dữ liệu tương đối phong phú, đồng bộ về tài nguyên khoáng sản, điều kiện tự nhiên, môi trường trên địa bàn tỉnh phục vụ cho công tác quản lý chuyên ngành;xây dựng các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội; cung cấp luận cứ khoa học cho việc quy hoạch, quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hợp lý hơn, phục vụ quá trình CNH, HĐH và phát triển kinh tế - xã hội bền vững; dự báo, cảnh báo nguy cơ thiên tai có thể xảy ra để có giải pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Các đề tài nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân vănđã cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng các chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn và giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển của tỉnh.

Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, lao động sáng tạo đạt kết quả tích cực. Hội thi sáng tạo kỹ thuật tổ chức 2 năm/lần và Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tổ chức hàng năm đã thu hút hàng trăm giải pháp của các tổ chức và cá nhân trong tỉnh tham gia. Nhiều giải pháp tham gia Hội thi đã đạt giải thưởng cao và đem lại kết quả thiết thực.

Công tác quản lý nhà nước về KH&CN ngày càng được đổi mới và hiệu quả hơn. Đã kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm, chính sách phát triển về KH&CN của Trung ương và Chính phủ vào điều kiện cụ thể của địa phương để tổ chức thực hiện đạt kết quả. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về KH&CN từng bước được củng cố; hiệu lực, hiệu quả quản lý được nâng lên. Hoạt động KH&CN đã bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, tập trung phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ doanh nghiệp xác lập quyền sở hữu trí tuệ, đổi mới thiết bị công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, nâng cao năng suất, sản lượng và sức cạnh tranh. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức KH&CN được đẩy mạnh. Việc huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân cho hoạt động KH&CN được quan tâm thực hiện. Công tác quản lý nhà nước về công nghệ, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Công tác quản lý về tiêu chuẩn đo lường chất lượng được quan tâm thực hiện thường xuyên, đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá, bảo đảm tiêu chuẩn, đo lường; hạn chế  hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng thiếu định lượng lưu thông trên địa bàn tỉnh. Công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực KH&CN được tổ chức thực hiện nghiêm túc, xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người tiêu dùng.
 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi Lễ.
 

Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã đánh giá cao sự chỉ đạo sâu sát, và những định hướng chiến lược đúng đắn cho hoạt động KH&CN của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ngãi những năm qua với biểu hiện sinh động nhất gần đây làtỉnh đã khánh thành Thành phố giáo dục quốc tế và hôm nay là việc ký kết các Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN với Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế, Đại học Tôn Đức Thắng. Đồng thời Bộ trưởng cũng đã biểu dương những nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công chức viên chức và người lao động của ngành KH&CN Quảng ngãi nói riêng cũng như những người làm công tác KH&CN của tỉnh nói chung trong suốt 30 năm qua để có các kết quả tốt đẹp như ngày hôm nay.

Bộ trưởng cũng đã chỉ đạo hoạt động KH&CN của tỉnh Quảng Ngãi tới đây cần quan tâm tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như:xây dựng chủ trương, định hướng về phát triển KH,CN&ĐMTS với tầm nhìn chiến lược cho giai đoạn đến năm 2030, trước mắt là tập trung tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động trong thời gian qua để xây dựng nội dung KH,CN&ĐMST trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2020-2025; với tinh thần lấy doanh nghiệp làm trung tâm, cần xây dựng và thực thi hiệu quả các cơ chế, chính sách mang tính đột phá để khuyến khích và thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST, nhất là hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới công nghệ trong sản xuất kinh doanh, thu hút nguồn lực của xã hội cho phát triển KH&CN;đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nghiên cứu ứng dụng nhằm phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh của Tỉnh.

Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy đã nhấn mạnh: Những năm qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Trung ương, làm cho hoạt động KH&CN nói chung cũng như hoạt động nghiên cứu, ứng dụng của tỉnh nói riêng luôn bám sát các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội,đưa KH&CN trở thành nguồn lực và động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.Đặc biệt là từ khi có Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương khóa XI, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ban hành Chương trình hành động số 40-CTr/TU ngày 05/4/2013 về việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2835/KH-UBND ngày 29/7/2013 thực hiện Chương trình hành động số 40-CTr/TU. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX cũng như Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 cũng đã xác định phải đẩy mạnh “hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH-CN cho các vùng nông thôn, miền núi, xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến”.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đã phát biểu ghi nhận và biểu dương những thành tích mà các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành KH&CN tỉnh đạt được trong 30 năm qua và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các đồng chí lãnh đạo và các đơn vị của Bộ Khoa học Công nghệ, các viện, trường những năm qua đã không quản ngại khó khăn, quan tâm chỉ đạo, hợp tác, hỗ trợ có hiệu quả cho hoạt động KH&CN tỉnh thời gian qua và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
 

Các đồng chí lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm tại lễ kỷ niệm.
 

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Bí thư Lê Viết Chữ trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Sở KH&CN Quảng Ngãi.
 

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trao Cờ thi đua của Bộ KH&CN cho Sở KH&CN Quảng Ngãi.
 

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Bí thư Lê Viết chứng kiến lễ ký kết các chương trình phối hợp hoạt động giữa UBND tỉnh Quảng Ngãi và Đại học Huế, Đạo học Đà Nẵng và Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
 

Cũng tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Bí thư Lê Viết Chữ đã trao tặng Cờ thi đua năm 2018 của Chính phủ cho Sở KH&CN; Bộ trưởng cũng đã trao tặng Cờ thi đua năm 2018 của Bộ KH&CN, Bằng khen cho 02 tập thể và 07 cá nhân thuộc Sở KH&CN Quảng Ngãi và kỷ niệm chương vì sự nghiệp KH&CN cho 46 cá nhân trong tỉnh có thành tích xuất sắc trong hoạt động KH&CN.

Nhân dịp buổi Lễ, UBND Quảng Ngãi đã ký kết các chương trình phối hợp hoạt động với Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế, Trường Đại học Tôn Đức Thắng./.

Nguồn: Vụ Phát triển KH&CN nghệ địa phương, Sở KH&CN Quảng Ngãi và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN.

Lượt xem: 6916

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)