Thứ sáu, 20/03/2020 15:09 GMT+7

Bộ Khoa học và Công nghệ: Sẵn sàng những giải pháp ứng phó lâu dài.

Việc cần phải có những giải pháp hữu hiệu để có thể ứng phó với dịch COVID-19, ngay cả trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, đang đặt ra những bài toán mới cho các nhà khoa học Việt Nam.

Do đó, sau kết quả ban đầu về bộ kit phát hiện nhanh virus SARS-CoV-2, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với các trường, viện để có được những giải pháp đó.
 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc phát biểu tại cuộc họp lấy ý kiến các nhà khoa học lần thứ hai của Bộ Khoa học và Công nghệ diễn ra ngày 17/3/2020.
 

Tại cuộc họp lấy ý kiến các nhà khoa học lần thứ hai của Bộ Khoa học và Công nghệ, diễn ra vào ngày 17/3/2020, các nhà khoa học đã tiếp tục đề xuất một số hướng quan trọng mà theo họ, có khả năng hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường kiểm soát dịch bệnh và cả sinh phẩm phục vụ điều trị, đó là sử dụng robot, sản xuất các kháng thể đơn dòng và phát triển các bộ kit phát hiện nhanh để khoanh vùng đối tượng trước khi sử dụng bộ kit phát hiện chính xác người nhiễm virus đã có.

Học hỏi kinh nghiệm dùng robot của quốc tế

Dịch COVID-19 lây lan nhanh trên toàn cầu, do đó mỗi quốc gia đều có những phương thức và giải pháp ứng phó riêng biệt. Việc học hỏi cách thức kiểm soát dịch bệnh của các quốc gia khác cũng là một cách tối ưu những giải pháp của mình. Với tâm thế đó, không chỉ GS.TS. Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới trung ương mà GS.TS. Lê Bách Quang, thành viên Ban Chủ nhiệm Chương trình KC.10/16-20, cũng đều thống nhất ở quan điểm: cần học hỏi cách làm của quốc tế, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, trong việc dùng robot vào việc hỗ trợ công việc của các nhân viên y tế, bác sĩ điều trị… bệnh nhân nhiễm coronavirus. Trong môi trường có những tác nhân và mầm bệnh nguy hiểm như SARS-CoV-19, robot có thể thay thế các nhân viên y tế thực hiện các công việc chăm sóc bệnh nhân hay thanh trùng, khử khuẩn khu vực cách ly. Đây là cách làm vừa giảm tải số lượng công việc của nhân viên y tế, nhân viên vệ sinh, vừa giúp thúc đẩy công việc điều trị tốt hơn trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.

Đây là cách thức mà Trung Quốc đã thực hiện rất hiệu quả trong thời gian dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc và đặc biệt là Vũ Hán, với hơn 90.000 người bị lây nhiễm. Do số lượng người cần chăm sóc quá lớn, lượng nhân viên y tế được bổ sung từ nhiều vùng khác cũng không đủ để giảm tải công việc. Vì vậy, chính quyền Hồ Bắc thực hiện nhanh một dự án với Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và áp dụng thử nghiệm tại bệnh viện Wuchang, theo thông tin từ Washington Post. Những robot nối mạng 5G đảm trách nhiệm vụ kiểm tra thân nhiệt, phát thuốc, hướng dẫn các quy định ở bệnh viện và khử trùng. Là sản phẩm của các nhà khoa học Trung Quốc và CloudMinds, một công ty công nghệ AI, các robot này không chỉ có khả năng thực hiện những chức năng trên mà có khả năng định vị và tránh vật cản trên đường, do đó không làm ảnh hưởng đến những người nó gặp trong khi thực thi nhiệm vụ. Trước những hiệu quả ban đầu, những dự án như thế tiếp tục được tiến hành để phòng ngừa dịch bệnh bùng phát trở lại. Một trong số đó là dự án hợp tác của nhà sản xuất Siasun và Viện nghiên cứu Tự động hóa Thẩm Dương (Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc) nhằm phát triển mộ robot có thể thay thế các y tế trong việc thực hiện các xét nghiệm lấy dịch họng của bệnh nhân.
 

Trung Quốc sử dụng robot để hỗ trợ công việc chăm sóc, điều trị và khử khuẩn. Nguồn: Xinhuanet.
 

Hiệu quả trong kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc đã đem lại gợi ý cho Việt Nam trong việc ứng dụng robot, điều mà ở một mức độ nào đó có thể thực hiện được. Hiện tại, nhiều trường đại học của Việt Nam và một số viện nghiên cứu ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có những nghiên cứu liên quan đến robot, hệ điều hành thông minh, tự động hóa… hay tham gia các chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ và bộ ngành khác quản lý. Bên cạnh đó, có một vài công ty tại Việt Nam cũng có năng lực thiết kế và chế tạo như công ty Chế Tạo Máy 3C do anh Trương Trọng Toại sáng lập vào năm 2014 với năng lực về các hệ thống điều khiển chính xác và thông minh, robot cho nghành bán dẫn, y tế, robot công nghiệp…

Nếu việc tập hợp các nhà nghiên cứu và sản xuất được thực hiện như cách thức Việt Nam có được bộ kit phát hiện nhanh virus SARS-CoV-19 mà Học viện Quân y và công ty Việt Á thực hiện thời gian qua thì chúng ta có thể chờ đợi vào những robot chuyên dụng mà chúng ta tự phát triển để sẵn sàng ứng phó với bệnh dịch. Do đó, tại phiên họp này, TS. Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) cho rằng, cần ưu tiên phát triển các loại robot có chức năng khử trùng, diệt khuẩn làm sạch phòng ốc và chăm sóc bệnh nhân.

Nghiên cứu và phát triển sản phẩm hỗ trợ điều trị

Kể từ khi phát hiện trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên vào ngày 22/1/2020, đến nay Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và giải pháp sáng tạo trong việc điều trị và phục hồi sức khỏe bệnh nhân. Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 125/QĐ-BYT ngày 16/1/2020 để hướng dẫn phương pháp chẩn đoán và phác đồ điều trị. Tuy nhiên về lâu dài, Việt Nam cần có những sản phẩm hỗ trợ điều trị hiệu quả hơn. Đó là ý kiến mà các chuyên gia y tế đưa ra trong phiên họp bàn tại Bộ Khoa học và Công nghệ.
 

Các nhà nghiên cứu của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương.
 

Hiện tại, về hướng điều trị, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt một đề tài độc lập cấp Nhà nước “Đánh giá hiệu quả và tính an toàn của việc bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm virus Corona mới” và trực tiếp giao cho Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chủ trì, phối hợp thực hiện cùng Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM, Viện Pasteur TPHCM, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc. Từ hơn 20 năm nay, lopinavir/ritonavir (LPV/r) được dùng để phối hợp liều cố định trong điều trị và phòng ngừa nhiễm HIV/AIDS. Đây cũng là loại thuốc mà một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc, sử dụng trong điều trị cho người nhiễm coronavirus. Nguyên nhân khiến họ lựa chọn lopinavir/ritonavir là do loại biệt dược này rất hiệu quả trong việc loại trừ các protein gai bám của virus corona lên tế bào người khi xâm nhập tế bào, tương tự cách thức nó loại bỏ protein gai bám của virus HIV/AIDS. Tuy nhiên, lopinavir/ritonavir lại ẩn chứa một số tác dụng phụ như tiêu chảy, nôn mửa…, thậm chí ảnh hưởng đến gan, tụy của người dùng.

Do đó, việc học hỏi cách thức của quốc tế cần phải có sự chọn lọc nhất định. Đây là lý do để Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ cho các đơn vị đánh giá, nhìn nhận lại sự hiệu quả và an toàn của thuốc trước khi quyết định áp dụng trong điều trị trên thực tế.

Bên cạnh đó, các chuyên gia đã đề xuất thêm một giải pháp khác trong điều trị, đó là dùng kháng thể đơn dòng. Đây là các các phân tử immunoglobulin do tế bào tạo ra để nhận biết và vô hiệu hóa các tác nhân lạ, chẳng hạn như các vi khuẩn hoặc virus, ngay khi chúng xâm nhập tế bào. Trao đổi với báo KH&PT, GS. TS Trương Nam Hải (Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, việc dùng kháng thể đơn dòng là một giải pháp hết sức hữu hiệu và chính xác và “nói nôm na thì đây là cách để chúng ta không cho các gai của virus corona cơ hội bám vào tế bào”. Cái khó của việc dùng kháng thể đơn dòng là mỗi kháng thể chỉ có thể nhận diện một epitope (vị trí cấu trúc trên một phân tử kháng nguyên) của kháng nguyên duy nhất và gắn một cách đặc hiệu với một kháng nguyên tương ứng, do đó nhà khoa học phải sàng lọc giữa rất nhiều kháng thể để có được đúng loại kháng thể đơn dòng đặc hiệu với virus corona.

Việc dùng kháng thể đơn dòng để vô hiệu hóa virus cũng là một phần trong xu hướng điều trị bệnh dịch của thế giới hiện nay và nhìn rộng ra, là một phần của y học chính xác. Vào ngày 20/2/2020, Jason McLellan, nhà sinh học cấu trúc tại trường đại học Texas tại Austin, Mỹ xuất bản một công trình phân tích cấu trúc của coronavirus trên Science, trong đó đề cập đến việc gai protein của virus liên kết với một thụ thể trên các tế bào người và gợi ý đó là đích tiềm năng cho các loại vaccine hoặc các liệu pháp điều trị, ví dụ một loại thuốc có khả năng ngăn chặn thụ thể này, từ đó có thể khiến coronavirus khó xâm nhập các tế bào hơn.

Ở thời điểm hiện nay, không chỉ có một số trường, viện thuộc Bộ Y tế mà có một số trường, viện và phòng thí nghiệm khác ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Việt Nam… đã có những nhà nghiên cứu và công trình nghiên cứu về các kháng thể đơn dòng. Đây sẽ là cơ hội để Bộ KH&CN cùng Bộ Y tế tuyển chọn, đặt hàng để có thể nghiên cứu, phát triển và sản xuất những sản phẩm hiệu quả, chính xác và độ an toàn cao.

Và những chuẩn bị khác

Để có được những giải pháp hữu hiệu bổ trợ cho các kịch bản ứng phó và kiểm soát dịch bệnh toàn diện, Việt Nam cần triển khai thêm nhiều hướng nghiên cứu quan trọng khác. Các chuyên gia đã tiếp tục đề xuất một số vấn đề quan trọng khác như nghiên cứu sự biến đổi gene và lưu hành của SARS-CoV-2 trên động vật, nhất là động vật có những tiếp xúc gần gũi người; đánh giá môi trường có virus lưu hành; thiết kế và chế tạo hệ thống khử khuẩn toàn thân có thể dùng ở các môi trường công cộng như sân bay, bệnh viện, bến tàu, trường học...

Cũng trong hướng góp phần ứng phó dịch bệnh trên diện rộng và lâu dài, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao cho Viện Pasteur TPHCM chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng, virus bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona 2019 (nCoV-2019) tại Việt Nam”. Việc hiểu được sâu hơn bản chất dịch tễ học và những biểu hiện lâm sàng của bệnh từ đề tài này sẽ gợi ý rất nhiều cho cách thức phòng chống, điều trị bệnh cũng như gợi ý cho các cơ quan quản lý những giải pháp ứng phó hiệu quả.

Về lâu dài, việc đi sâu vào nghiên cứu cơ bản về các vấn đề trong lĩnh vực công nghệ sinh học như protein, hệ gene… cùng với đầu tư cho nghiên cứu về các dịch bệnh mới nổi, bệnh truyền nhiễm thông qua các chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia, Quỹ NAFOSTED… sẽ là cơ hội quý giá để các nhà khoa học Việt Nam có đủ điều kiện và năng lực tiếp cận với những phát triển mới của thế giới. Mặt khác, những nhiệm vụ và đề tài nghiên cứu liên ngành, quy tụ các nhà nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực khác nhau như sinh học phân tử, miễn dịch học, virus học, sinh học tiến hóa, tin sinh học, tự động hóa, công nghệ thông tin… cũng là nơi có thể đem lại những giải pháp tổng thể, hiệu quả và góp phần giải quyết rốt ráo các vấn đề lớn.

“Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xem xét tất cả những đề xuất của các chuyên gia. Với những trường hợp cấp bách tương tự như với việc phát triển bộ kit phát hiện nhanh SARS-CoV 19, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với Bộ Y tế và các bộ/ngành liên quan sớm xem xét giải quyết.” Phát biểu của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc tại cuộc họp.

“Cần học hỏi cách làm của quốc tế, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, trong việc dùng robot vào việc hỗ trợ công việc của các nhân viên y tế, bác sĩ điều trị… bệnh nhân nhiễm coronavirus.” GS.TS. Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới trung ương.

 

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 4764

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)