Thứ sáu, 03/04/2020 12:01 GMT+7

NAFOSTED tài trợ sau tiến sỹ: Bước khởi đầu

Những đầu tư mới của Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua chương trình tài trợ sau tiến sĩ được hy vọng góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và cải thiện môi trường học thuật Việt Nam nhưng để chương trình như vậy phát huy hiệu quả như mong đợi, có thể vẫn cần những điều chỉnh phù hợp trong tương lai.

Cách đây chừng năm năm, trong những cuộc họp hội đồng khoa học chuyên ngành của Quỹ NAFOSTED, giáo sư Đào Tiến Khoa (Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) – lúc đó là thành viên Hội đồng ngành Vật lý Quỹ, đã nêu một câu hỏi: “Tại sao Quỹ không có chương trình tài trợ sau tiến sĩ? Tôi không hiểu tại sao chúng ta lại không quan tâm đến nhu cầu nâng cao năng lực này của các tiến sỹ trẻ?” Ông cho biết thêm, dù nhận được nhiều lời đề nghị hướng dẫn của các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam và nước ngoài nhưng rút cục ông không thể nhận học trò do không có những khoản học bổng như các giáo sư nước ngoài.
 

TS. Lê Trọng Lư và học trò tại Phòng thí nghiệm Viện Kỹ thuật nhiệt đới (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
 

Không riêng giáo sư Đào Tiến Khoa mà nhiều đồng nghiệp có uy tín và giàu kinh nghiệm công bố quốc tế khác như các giáo sư Phạm Hùng Việt (Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ phân tích và kiểm định môi trường, thực phẩm Đại học Quốc gia Hà Nội), Nguyễn Văn Hiếu (Hiệu phó trường Đại học Phenikaa), Phan Thanh Sơn Nam (Trưởng khoa Kỹ thuật hóa học, Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh)… đều thường xuyên nhận được những đề nghị như vậy. Dù rất muốn có thêm những “người học việc đặc biệt” có thể dành toàn thời gian cho nghiên cứu cũng như phát triển nhóm nghiên cứu với những thành phần đa dạng hơn nhưng họ cũng không tìm ra cách giải quyết. Do đó, cách làm của họ thường là liên hệ với các nhà nghiên cứu quốc tế có uy tín, tìm nguồn học bổng để có thể gửi học trò ra nước ngoài.

Sự ra đời mới đây của chương trình tài trợ sau tiến sỹ của Quỹ NAFOSTED và trước đó là chương trình tuyển chọn chủ trì đề tài Khoa học và Công nghệ sau tiến sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vào năm 2017 hứa hẹn cơ hội “gỡ rối” cho các nhà khoa học, đồng thời đem lại thêm một tín hiệu tích cực nữa trong môi trường học thuật Việt Nam.

Cơ hội cho những nhà khoa học trẻ

Thông thường, trước đây, khi các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam mong muốn nâng cao năng lực nghiên cứu, họ đều phải tìm đường ra quốc tế, thông qua các giáo sư nước ngoài hoặc các quỹ quốc tế. “Trong một nhóm nghiên cứu thì postdoc đóng vai trò rất quan trọng vì anh ta sẽ là thành viên chủ chốt sau trưởng nhóm nghiên cứu và là người chủ động thực hiện các nghiên cứu sau khi được trưởng nhóm tư vấn. Mặt khác, quãng thời gian làm postdoc sẽ giúp nhà nghiên cứu định hướng nghiên cứu sau khi bắt đầu làm quen phương pháp nghiên cứu ở giai đoạn làm tiến sĩ”, giáo sư Phạm Hùng Việt đã cho biết như vậy về tầm quan trọng của postdoc trong một cuộc trao đổi năm 2017.

Tuy nhiên mọi sự đã thay đổi khi từ năm 2019, Quỹ NAFOSTED chính thức công bố tuyển chọn postdoc với những quy định vừa chặt chẽ về mặt học thuật nhưng lại vừa cởi mở về đối tượng thụ hưởng và không hạn chế số lượng hồ sơ. “Đây là một chương trình  được xây dựng theo quy định tại Thông tư số 09/2015/TT-BKHCN ngày 15/5/2015 về hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia. Về bản chất thì nhiệm vụ của NAFOSTED là nâng cao năng lực của các tổ chức nghiên cứu và việc hỗ trợ các nhà khoa học làm tốt công việc chuyên môn không nằm ngoài nhiệm vụ đó”, TS. Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Quỹ NAFOSTED cho biết như vậy khi đề cập đến đợt tài trợ sau tiến sĩ đầu tiên của Quỹ, được công bố kết quả vào ngày 28/2/2020 vừa qua.

Một điểm mạnh trong hơn 10 năm hoạt động của NAFOSTED là vận hành theo quy định quốc tế. Việc xây dựng các tiêu chí của chương trình tài trợ sau tiến sĩ cũng không nằm ngoài “truyền thống” này. Quỹ đã tham khảo kinh nghiệm các quỹ quốc tế mà Quỹ hợp tác hoặc những quỹ rất thành công với chương trình tương tự, bên cạnh việc vận dụng những quy định trong Thông tư số 09/2015/TT-BKHCN. “Ngay từ khi thành lập thì Quỹ đã muốn hướng tới việc hội nhập, học hỏi về đánh giá tài trợ và áp dụng thông lệ quốc tế của các quỹ quốc tế, ngay cả khi mức độ tài trợ và độ khó trong tài trợ vẫn còn chưa bằng các quỹ quốc tế”, TS. Phạm Đình Nguyên, Phó Giám đốc Quỹ NAFOSTED, nói. Đây là lý do để Quỹ học hỏi nhiều chương trình, ví dụ Quỹ Flanders (Bỉ), Quỹ DADD (Đức)…, và lựa chọn những tiêu chí sát nhất với hoàn cảnh Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Quỹ NAFOSTED đã xác định được những tiêu chí “đầu vào” khá hợp lý cho các ứng viên tham gia chương trình, trong đó có ba tiêu chí “cứng” quan trọng như: ứng viên phải có bằng tiến sĩ và là tác giả chính của ít nhất một bài báo quốc tế trong vòng năm năm; người bảo trợ/hướng dẫn là nhà khoa học có thành tích nghiên cứu tốt, bắt buộc trong năm năm phải có ít nhất một bài báo quốc tế xuất bản trên các tạp chí ISI uy tín; ứng viên phải có thuyết minh thuyết phục về vấn đề khoa học định giải quyết trong vòng một năm nhận tài trợ.

Về bản chất, những tiêu chí đầu vào này sẽ góp phần giúp sàng lọc các ứng viên cho Quỹ trước khi đến với các nhà bình duyệt độc lập và hội đồng xét duyệt. “Mỗi hồ sơ sẽ được gửi cho ba nhà khoa học chuyên sâu theo đúng hướng nghiên cứu của ứng viên và đại diện của ngành trong hội đồng xét duyệt sẽ đánh giá dựa trên bình duyệt đó”, TS. Phạm Đình Nguyên giải thích về quy trình xét duyệt của chương trình.

Với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho các tiến sĩ trẻ muốn nâng cao năng lực nghiên cứu, Quỹ NAFOSTED cũng có những quan điểm rất cởi mở, ví dụ trong điều kiện xem xét xét duyệt thì không phân biệt việc họ ở tổ chức khoa học và công nghệ công lập hay không; thời hạn hỗ trợ là 12 tháng, tuy nhiên nếu nhà khoa học muốn mở rộng triển khai vấn đề thì Quỹ cũng có thể xem xét gia hạn tối đa 12 tháng nữa. “Mặt khác, quy định của Quỹ rất mở, không hạn chế đối tượng thụ hưởng và người hướng dẫn là nhà nghiên cứu Việt Nam hay nước ngoài”, TS. Đỗ Tiến Dũng nói và lưu ý một trường hợp nhận tài trợ ngay trong đợt đầu tiên, TS. Nguyễn Thành Nho (Đại học Nguyễn Tất Thành) do TS. Emilie Strady (Trung tâm châu Á nghiên cứu về nước (Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh) hướng dẫn với đề tài “Tác động của hàm lượng vết nguyên tố được phóng thích từ lỗ rỗng của đất ngập mặn lên động học của chúng trong cột nước ở những con rạch chịu tác động bởi thủy triều ở khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ”.

Khởi động từ cuối năm 2019, Quỹ NAFOSTED đã nhận được 23 hồ sơ của các ứng viên ở bảy ngành là toán học, khoa học máy tính, vật lý, hóa học, khoa học trái đất, sinh học nông nghiệp, y sinh dược học. Sau khi bình xét, hội đồng khoa học đã chọn ra 11 hồ sơ đạt hỗn hợp yêu cầu: ngành toán học được tài trợ 3/5 hồ sơ; khoa học máy tính tài trợ 3/6 hồ sơ; vật lý tài trợ 1/3 hồ sơ; hóa học tài trợ 3/3hồ sơ; khoa học trái đất tài trợ 2/3 hồ sơ.

Trong số 11 nhà nghiên cứu được tài trợ, có 5 nhà nghiên cứu ở Hà Nội, 4 nhà nghiên cứu tại TPHCM, 1 nhà nghiên cứu tại Thái Nguyên và 1 nhà nghiên cứu tại Phú Thọ.

Vẫn cần những điều chỉnh

Hiện tại ở Việt Nam, không chỉ có chương trình tài trợ sau tiến sỹ của Quỹ NAFOSTED mà còn có một chương trình khác của Học viện Khoa học và Công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tồn tại hơn ba năm nay và tài trợ cho các nhà nghiên cứu trẻ trong và ngoài Viện. Theo thông báo tuyển chọn cá nhân chủ trì đề tài khoa học và công nghệ sau tiến sỹ của Học viện, dự kiến mỗi năm sẽ có khoảng 10 đề tài, mỗi ứng viên trúng tuyển sẽ được hưởng học bổng 4,5 triệu đồng/tháng trong vòng ba năm, đồng thời chủ trì đề tài nghiên cứu 300 triệu đồng/3 năm. “Đây là mức học bổng ở mức khá đối với điều kiện Việt Nam và có thể tạo điều kiện cho nhà nghiên cứu dành toàn bộ quỹ thời gian dành cho nghiên cứu”, GS. TS Phan Văn Tân (trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) – nguyên Chủ tịch Hội đồng ngành Khoa học trái đất NAFOSTED, nhận xét.

Tuy đã ở mức tốt và chứng tỏ được hiệu quả qua những đợt tài trợ đầu nhưng chương trình tài trợ sau tiến sỹ của Học viện Khoa học và Công nghệ vẫn còn một vài điểm tồn tại, “ví dụ như tôi thấy một điều kiện xét tuyển chưa thật sự rõ ràng ‘đang không là cán bộ trong biên chế hưởng lương trong ngân sách nhà nước hoặc đang không ký hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động không xác định thời hạn với đơn vị’. Tôi hiểu Học viện muốn yêu cầu ứng viên phải dành trọn thời gian cho nghiên cứu, tuy nhiên viết như thế này thì không biết khi nộp hồ sơ, họ có buộc trong tình trạng không hưởng lương như vậy không?”.

Điều giáo sư Phan Văn Tân chỉ ra cũng là “điểm rối” của nhiều nhà nghiên cứu muốn nộp đơn xin tài trợ. Một nhà nghiên cứu trẻ giấu tên hiện làm việc tại một viện thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng cho biết, anh và bạn bè đều băn khoăn về điều kiện này, “ai cũng ở trong diện đang được hưởng lương hợp đồng hoặc trong biên chế nên có thể không phải là đối tượng thụ hưởng tài trợ. Vì thế, nhiều người còn ngần ngại nộp hồ sơ”.

Vấn đề gây băn khoăn từ chương trình  đào tạo sau tiến sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho thấy, một chương trình dù tốt vẫn cần được hoàn thiện từ nhiều góc độ để thu hút được nhiều ứng viên tương lai, qua đó có thể tuyển chọn và tài trợ “đúng người, đúng việc”. Đây cũng là suy nghĩ của Quỹ NAFOSTED, khi tự nhận “mới trải qua được đợt tài trợ đầu tiên, chúng tôi cần vừa làm vừa lắng nghe phản hồi của các nhà nghiên cứu và cả những người thụ hưởng chương trình để có thể điều chỉnh cho sát yêu cầu thực tế hơn trong những đợt tài trợ sau”, TS. Phạm Đình Nguyên cho biết.

Ban giám đốc điều hành Quỹ cho biết, trong đợt tài trợ đầu tiên này, kinh phí tài trợ cho mỗi nghiên cứu viên sau tiến sĩ không lớn. Tuy nhiên, Quỹ có thể điều chỉnh con số này trong những đợt tới trên cơ sở xem xét phản ánh của các nhà khoa học, đặc biệt với ý kiến của những người làm trong lĩnh vực thực nghiệm cần nhiều vật tư, hóa chất…, để vừa có thể sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, vừa có thể hỗ trợ tối đa nhà khoa học hoàn thành đề tài. Theo quy định của Thông tư số 09/2015/TT-BKHCN thì yêu cầu về kết quả của ứng viên sau tiến sĩ là một bài báo trên tạp chí quốc tế uy tín có nội dung phù hợp với hướng nghiên cứu đã đăng ký (ứng viên phải là tác giả chính). Theo lịch trình, mỗi năm, Quỹ sẽ mở hai đợt tài trợ sau tiến sỹ và những điều chỉnh (nếu có) các quy định của chương trình tài trợ sau tiến sỹ của Quỹ NAFOSTED sẽ đến ở những đợt tiếp theo.

Mỗi chương trình mới, từ tài trợ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng đề tài tiềm năng đến đề tài song phương, hỗ trợ các nhà khoa học dự hội nghị, thực tập/nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài…, không chỉ góp phần nâng cao năng lực của các cá nhân và tổ chức KH&CN mà còn tăng cường sức hút, cởi mở và sự năng động cho môi trường học thuật Việt Nam. “Trên thực tế là Quỹ không giới hạn đối tượng thụ hưởng, do vậy chương trình không chỉ dành cho người Việt Nam mà còn cả người nước ngoài. Với tài trợ của Quỹ, nhiều nhà nghiên cứu trẻ nước ngoài có thể đến Việt Nam, nếu họ muốn nghiên cứu một ngành hoặc lĩnh vực đặc thù như nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm, bệnh nhiệt đới hoặc cũng có trường hợp họ thấy ở Việt Nam có thầy giỏi, dù kinh phí của chúng ta có thể chưa bằng nhiều quỹ quốc tế... Sự hiện diện của họ sẽ góp phần làm đa dạng môi trường học thuật Việt Nam”, TS. Đỗ Tiến Dũng cho biết.

Các điều kiện xem xét hỗ trợ:
Nhà nghiên cứu có bằng tiến sỹ và là tác giả chính của ít nhất một bài báo đăng trên tạp chí quốc tế uy tín trong năm năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ;
Được một nhà khoa học Việt Nam bảo trợ thực hiện nghiên cứu sau tiến sỹ và nhà khoa học đó phải đáp ứng được các điều kiện: i) là tác giả chính của ít nhất một bài báo ISI uy tín trong thời điểm 5 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ; ii) không là người hướng dẫn tiến sĩ cho nhà khoa học đề nghị hỗ trợ;
Có tổ chức KH&CN Việt Nam nhận làm đơn vị chủ trì nghiên cứu sau tiến sỹ, đơn vị đó phải có điều kiện cơ sở vật chất triển khai nghiên cứu và cho phép sử dụng thiết bị cho đề tài. Quỹ ưu tiên xem xét trường hợp đơn vị chủ trì nghiên cứu khác với đơn vị đào tạo tiến sĩ của nhà khoa học đề nghị hỗ trợ.

Các tiêu chí xem xét hỗ trợ:
Chất lượng thuyết minh đề cương nghiên cứu;
Kết quả nghiên cứu của người đề nghị tài trợ;
Kết quả nghiên cứu của người bảo trợ; sự phù hợp về chuyên môn và điều kiện vật chất của đơn vị chủ trì nghiên cứu.

Nội dung hỗ trợ
Quỹ hỗ trợ sinh hoạt phí và chi phí đi lại. Ngoài ra, nhà khoa học có thể được nhận công lao động khoa học do người bảo trợ nghiên cứu chi trả từ các nguồn kinh phí khác.

 

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 7076

TAGS : NAFOSTED
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)