Thứ ba, 14/04/2020 15:36 GMT+7

Mạng lưới TISC và IP-HUB: Thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ trong các viện nghiên cứu, trường đại học

Ở mức độ cơ bản, Mạng lưới TISC hỗ trợ, phổ biến kỹ năng khai thác thông tin khoa học công nghệ nói chung, thông tin sở hữu công nghiệp và cụ thể là thông tin sáng chế nói riêng nhằm thúc đẩy quá trình đăng ký sở hữu trí tuệ của viện/trường. Ở mức độ nâng cao, Mạng lưới IP-HUB hướng tới xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ cho các viện/trường.

Giới thiệu về Mạng lưới TISC và IP-HUB tại Việt Nam

Mạng lưới TISC - Thúc đẩy hoạt động khai thác thông tin sở hữu công nghiệp và xác lập quyền sở hữu trí tuệ của viện/trường 

Mạng lưới TISC được thành lập trên cơ sở Dự án TISC (Technology and Innovation Support Centers - các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) khởi xướng trên phạm vi toàn cầu. Theo Báo cáo TISC năm 2018 của WIPO, tính đến tháng 12/2018 đã có 78 quốc gia với 750 tổ chức TISC tham gia vào Mạng lưới TISC toàn cầu.

Mục tiêu của Dự án TISC của WIPO nhằm hỗ trợ việc tiếp cận với thông tin khoa học công nghệ, thông tin sáng chế chất lượng cao và các dịch vụ liên quan; trợ giúp trong việc tra cứu thông tin sáng chế; đào tạo tra cứu thông tin sở hữu công nghiệp; thực hiện dịch vụ tra cứu theo yêu cầu; cung cấp thông tin phục vụ theo dõi tình trạng kỹ thuật và cạnh tranh, pháp luật về sở hữu trí tuệ, quản lý và thương mại hóa công nghệ (ở mức cơ bản). 

Kể từ khi Dự án TISC của WIPO được triển khai năm 2009, 71 quốc gia, trong đó có 24 quốc gia kém phát triển nhất, đã ký Thỏa thuận với WIPO để phát triển mạng lưới TISC quốc gia. Theo thông tin được cung cấp bởi các điều phối viên TISC quốc gia, 638 TISC đã được thành lập trong giai đoạn này.

Tại Việt Nam, từ lúc ban đầu năm 2010 chỉ có 03 thành viên tham gia, đến tháng 01/2017 Mạng lưới TISC của Việt Nam đã có 30 viện/trường tham gia. Đến tháng 12/2019, đã có gần 60 viện/trường trong toàn quốc đăng ký tham gia mạng lưới TISC của Việt Nam, đặc biệt mạng lưới còn có sự tham gia của một số doanh nghiệp như Viettel, Sao Thái Dương ...

Với sự hỗ trợ của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) và Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO), ngày 27-28/03/2019 tại Hà Nội, Việt Nam vinh dự được đăng cai tổ chức Hội thảo Phát triển Mạng lưới các Trung tâm Hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC) khu vực ASEAN. Tại hội thảo này, ông Alejandro Roca Campaña - Giám đốc cao cấp phòng tiếp cận thông tin và kiến thức (WIPO) đã nhấn mạnh rằng trong xã hội dựa trên tri thức hiện nay, thách thức quan trọng nhất đối với tất cả các quốc gia là làm thế nào có thể chuyển đổi từ nền kinh tế dựa trên tài nguyên thiên nhiên sang nền kinh tế dựa trên kiến ​​thức và vốn trí tuệ của mình để có một thế mạnh, năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Nhu cầu khai thác hiệu quả dữ liệu và thông tin để trở thành tri thức phục vụ nhu cầu kinh doanh phù hợp và hiệu quả của ngành công nghiệp đã trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia. 



Hội thảo khu vực ASEAN về Phát triển mạng lưới TISC do WIPO, JPO phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức tại Hà Nội, tháng 3 năm 2019

  

Các đại biểu thăm trường Đại học Bách khoa Hà nội trong khuôn khổ Hội thảo khu vực ASEAN về Phát triển mạng lưới TISC do WIPO, JPO phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức tại Hà Nội, tháng 3 năm 2019

 

Mạng lưới IP-HUB - Xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ trong viện/trường

Mạng lưới IP-HUB được thành lập trên cơ sở Dự án EIE (Enabling IP Environment - Môi trường Sở hữu trí tuệ kiến tạo) là dự án tiếp theo của Dự án TISC nhằm tăng cường năng lực cho mạng lưới TISC nêu trên. Các thành viên tham gia Dự án EIE được WIPO lựa chọn từ mạng lưới TISC thông qua quá trình phỏng vấn, khảo sát thực địa. So với Mạng lưới TISC, Mạng lưới IP-HUB được kết cấu chặt chẽ hơn, trong đó mạng lưới hoạt động theo mô hình Trục xoay (Hub - Cục Sở hữu trí tuệ) và Nan hoa (Spokes-các viện/trường thành viên), ngoài ra còn có các Trục phụ (sub-Hub). 

Mục tiêu của dự án EIE là hình thành đội ngũ chuyên nghiệp về sở hữu trí tuệ của các Nan hoa (viện/trường) để nâng cấp hoạt động nghiên cứu sáng tạo, đăng ký sáng chế và đặc biệt là chuyển giao công nghệ. Một lợi ích có thể thấy rõ là giúp nâng cao số lượng, chất lượng và giá trị thương mại của sáng chế, thúc đẩy khai thác thông tin sáng chế để tránh trùng lặp trong nghiên cứu. So với Dự án TISC, Dự án EIE có tính chuyên sâu và đòi hỏi lộ trình thực hiện một cách bài bản hơn.

Ngày 21/10/2016, Cục Sở hữu trí tuệ đã gửi công văn cho WIPO về việc đề nghị tham gia Dự án EIE của WIPO nhằm xây dựng Mạng lưới IP-HUB ở Việt Nam. Tháng 3/2017, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng Giám đốc Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới Francis Gurry, các hoạt động của Dự án EIE được bắt đầu triển khai.

WIPO đã cử chuyên gia sang Việt Nam để phỏng vấn các đơn vị được lựa chọn tham gia Mạng lưới IP-HUB, vào tháng 9/2017 và tháng 11-12/2018. Trên cơ sở đó, các chuyên gia WIPO đã gửi cho Cục Sở hữu trí tuệ Báo cáo đánh giá sơ bộ (tháng 5/2018) và Báo cáo đánh giá bổ sung (tháng 2/2019). Trong hai Báo cáo này, WIPO đã khuyến nghị mô hình hoạt động của Dự án EIE tại Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến các nguồn lực cần thiết để triển khai Dự án EIE. Các nhân lực chịu trách nhiệm thực hiện dự án sẽ trở thành đội ngũ tiếp tục vận hành Mạng lưới IP-HUB khi dự án kết thúc. Có tổng số 12 viện/trường đã được WIPO lựa chọn tham gia vào Mạng lưới IP-HUB theo Dự án EIE do WIPO chủ trì. 

Dự án EIE sẽ triển khai tại Việt Nam trong 5 năm từ 2019 đến 2023. WIPO sẽ hỗ trợ chuyên gia tư vấn và phối hợp tổ chức một số hội thảo tại Việt Nam, mời đại biểu Việt Nam đi họp ở nước ngoài trong khuôn khổ dự án. Kinh phí cho các hoạt động của dự án EIE tại Việt Nam do phía Việt Nam chịu trách nhiệm, trừ một số hội thảo quốc tế có sự hỗ trợ một phần của WIPO.

Ngày 01/10/2019, tại Giơneva, Thụy Sỹ, với sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam Chu Ngọc Anh và Đại sứ Dương Chí Dũng - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ và Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry đã ký kết Thỏa thuận hợp tác triển khai Dự án “Môi trường sở hữu trí tuệ kiến tạo” (Enabling IP Environment - EIE) theo mô hình Trục xoay và Nan hoa (IP-Hub).



Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT và Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry ký kết Thỏa thuận hợp tác về Môi trường sở hữu trí tuệ kiến tạo, với sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam Chu Ngọc Anh và Đại sứ Dương Chí Dũng - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva, ngày 01/10/2019, tại Geneva, Thụy Sỹ

 

Mục tiêu của Mạng lưới

Mục tiêu tổng quát

Mục tiêu tổng quát của hai Mạng lưới này là hỗ trợ việc tiếp cận với thông tin khoa học công nghệ, thông tin sáng chế chất lượng cao và các dịch vụ liên quan; đào tạo đội ngũ chuyên nghiệp về sở hữu trí tuệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp; khai thác tiềm năng đổi mới sáng tạo và xác lập, bảo vệ và quản lý quyền sở hữu trí tuệ, giúp gia tăng số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nói chung, đơn đăng ký sáng chế nói riêng của chủ đơn Việt Nam, đặc biệt là từ các trường đại học, viện nghiên cứu; gắn hoạt động nghiên cứu-triển khai của các trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp; đưa sở hữu trí tuệ trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội. 

Mục tiêu trong giai đoạn 2019-2023

Với vai trò là trung tâm của Mạng lưới TISC và IP-HUB của Việt Nam, trong giai đoạn sắp tới, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tập trung vào các hoạt động phát triển mạng lưới nhằm phát triển được Mạng lưới TISC bao gồm ít nhất 50 Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, trong đó có 10 thành viên TISC tiêu biểu tham gia vào Mạng lưới IP-HUB theo dự án EIE; đào tạo giai đoạn cơ bản và chuyên sâu cho đội ngũ chuyên nghiệp về sở hữu trí tuệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp; phấn đấu để lượng đơn đăng ký sáng chế của chủ đơn Việt Nam đạt mức tăng trưởng hằng năm theo kỳ vọng.

Phát triển đồng thời hai Mạng lưới TISC và IP-HUB

Ở mức độ cơ bản, Mạng lưới TISC hỗ trợ, phổ biến kỹ năng khai thác thông tin khoa học công nghệ nói chung, thông tin sở hữu công nghiệp và cụ thể là thông tin sáng chế nói riêng nhằm thúc đẩy quá trình đăng ký sở hữu trí tuệ của viện/trường. Ở mức độ nâng cao, Mạng lưới IP-HUB hướng tới xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ cho các viện/trường. Do vậy, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần tập trung phát triển song song cả hai Mạng lưới TISC và IP-HUB. 

Cả hai Mạng lưới nêu trên đều đã được xây dựng và phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới dưới sự chủ trì của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), với sự tham gia trực tiếp của đội ngũ chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm về sở hữu trí tuệ và thương mại hóa công nghệ. Nhiều quốc gia đã có những bài học thành công có thể tham khảo để áp dụng ở Việt Nam. Do đó, nếu quan tâm phát triển đúng hướng thì sẽ có tác động không nhỏ đến môi trường sở hữu trí tuệ của Việt Nam, đặc biệt là thúc đẩy việc nộp đơn đăng ký sáng chế đối với các công nghệ được tạo ra từ các viện/trường, mở rộng ra cả các doanh nghiệp, đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện việc nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam theo chỉ đạo tại Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2017 và 2018 của Chính phủ, các Nghị quyết 01/NQ-CP và 02/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ.


Vai trò của Cục Sở hữu trí tuệ và các viện/trường thành viên

Cục Sở hữu trí tuệ là trục xoay điều phối

- Đóng vai trò Trung tâm kết nối, điều phối các hoạt động của Mạng lưới;

- Lập kế hoạch hoạt động hàng năm và trong toàn quá trình dự án;

- Duy trì và phát triển Mạng lưới sau khi WIPO kết thúc quá trình tư vấn;

- Thành lập Ban điều phối Mạng lưới và trang bị cơ sở vật chất như phòng làm việc, máy tính, internet;

- Lập kế hoạch và xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu cho các thành viên mạng lưới để có đủ kỹ năng tra cứu thông tin, tư vấn thủ tục xác lập quyền, thương mại hóa và chuyển giao công nghệ cho các nhà sáng chế trong tổ chức của viện/trường/doanh nghiệp.

- Bố trí các nguồn lực để triển khai Dự án.

Sự cam kết và tính chủ động của các viện/trường thành viên là điều kiện cần thiết

- Thành lập và vận hành các Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ trong mỗi đơn vị, bao gồm thành viên là các cán bộ chuyên trách (tùy thuộc vào quy mô của viện/trường/doanh nghiệp, ít nhất 2-3 người) và cán bộ kiêm nhiệm (có thể là các cán bộ nghiên cứu hoặc giảng viên đại học làm việc theo chế độ bán thời gian);

- Trang bị cơ sở vật chất như phòng làm việc, máy tính, internet;

- Các trung tâm này có thể dưới dạng trung tâm hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu (từ khoản phí dịch vụ tra cứu thông tin, hỗ trợ xác lập quyền, tư vấn chuyển giao công nghệ…).

- Tạo điều kiện để các thành viên được đào tạo chuyên sâu (do WIPO và Cục Sở hữu trí tuệ hỗ trợ) để có đủ kỹ năng tra cứu thông tin, tư vấn thủ tục xác lập quyền, thương mại hóa và chuyển giao công nghệ cho các nhà sáng chế trong tổ chức của trường, viện hoặc doanh nghiệp.

- Cam kết bố trí các nguồn lực khi tham gia Dự án.
 

Các hoạt động đã triển khai trong giai đoạn 2016-2019

Chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã phân công Thứ trưởng Bùi Thế Duy trực tiếp chỉ đạo Dự án TISC và EIE và cho phép Cục Sở hữu trí tuệ ký kết văn bản hợp tác với WIPO để triển khai các hoạt động của Dự án tại Việt Nam.



Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi thế Duy phát biểu khai mạc tại hội thảo “Xây dựng chính sách SHTT cho các trường đại học và viện nghiên cứu” do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức từ ngày 26 - 28/11/2018 tại trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ.


Hoạt động của Cục Sở hữu trí tuệ 

Cục Sở hữu trí tuệ đã ký kết Bản ghi nhớ (MOU) với WIPO về hợp tác triển khai Dự án EIE tại Việt Nam. Cục đã ra quyết định thành lập Ban điều phối Mạng lưới TISC và IP-HUB và xây dựng chuyên mục về Mạng lưới TISC và IP-HUB để tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của Cục. Cục đã xây dựng các chương trình, kế hoạch phối hợp hằng năm với WIPO và các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp tham gia và bố trí nguồn lực cho các hoạt động của cả hai Dự án.

Ban điều phối Mạng lưới TISC và IP-HUB đặt tại Cục Sở hữu trí tuệ có chức năng chính là điều phối mạng lưới; xây dựng và phát triển các kênh kết nối, truyền thông; đào tạo, tuyên truyền, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; tư vấn, hỗ trợ cho các thành viên trong mạng lưới; nghiên cứu, đề xuất các vấn đề về cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho phát triển mạng lưới. Trung tâm Thông tin sở hữu công nghiệp (Cục Sở hữu trí tuệ) được giao chủ trì triển khai các nhiệm vụ liên quan đến Mạng lưới TISC và IP-HUB.

Trong giai đoạn 2016-2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã tổ chức được hàng chục khóa tập huấn về tra cứu thông tin và viết bản mô tả sáng chế cho các thành viên Mạng lưới TISC và IP-HUB. Đồng thời, hằng tháng Cục Sở hữu trí tuệ đều mở các lớp tập huấn miễn phí tại Thư viện Cục cho mọi đối tượng có nhu cầu tham gia, duy trì đều đặn từ 2016 đến nay.

Năm 2019 chương trình tập huấn cho các thành viên Mạng lưới TISC và IP-HUB lần đầu tiên được Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức một cách bài bản với 10 mô đun tập huấn chuyên sâu cho các thành viên ở cả khu vực Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Sự tham gia nhiệt tình của các chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng như các cán bộ có kinh nghiệm của Cục Sở hữu trí tuệ đã góp phần đem lại thành công cho 10 mô đun tập huấn. 

Liên quan đến Dự án TISC, ngày 25-26/03/2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với WIPO, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội thảo Tra cứu thông tin sáng chế dành cho Mạng lưới các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC). Tiếp theo, ngày 27-28/03/2019, Hội thảo khu vực Phát triển Mạng lưới các Trung tâm Hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC) khu vực ASEAN” đã được WIPO, JPO phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức thành công tại Hà Nội, với sự tham gia của đội ngũ chuyên gia TISC của WIPO và các đại biểu đến từ 10 quốc gia ASEAN.

Liên quan đến Dự án EIE, trong giai đoạn 2017-2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với WIPO tổ chức Hội thảo Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của trường đại học và viện nghiên cứu thông qua mô hình “Trục xoay và Nan hoa” nhằm giới thiệu về Dự án EIE và Mạng lưới IP-HUB (tổ chức tại Trụ sở Bộ KH&CN, ngày 22/3/2017); Khóa đào tạo nâng cao “Chuyển giao công nghệ thành công (STL)" cho các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ 25-29 tháng 9 năm 2017; Hội thảo Xây dựng chính sách sở hữu trí tuệ cho các trường đại học và viện nghiên cứu tại Hà Nội, từ 26-28 tháng 11 năm 2018; và Hội thảo quốc tế về Quản trị tài sản trí tuệ và thương mại hóa công nghệ dành cho các viện/trường thành viên trong khuôn khổ dự án Môi trường sở hữu trí tuệ kiến tạo (EIE) do WIPO, Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ và Trường đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức ngày 28-31/10/2019.



Hội thảo quốc tế về Xây dựng Chính sách Sở hữu trí tuệ trong các viện nghiên cứu/trường đại học trong khuôn khổ dự án Môi trường sở hữu trí tuệ kiến tạo do WIPO phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức năm 2018

 


Hội thảo quốc tế về Quản trị tài sản trí tuệ và thương mại hóa công nghệ dành cho các viện/trường thành viên trong khuôn khổ dự án Môi trường sở hữu trí tuệ kiến tạo do WIPO phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức năm 2019


 

Cục trưởng Đinh Hữu Phí phát biểu khai mạc lớp tập huấn 10 mô đun dành cho các thành viên Mạng lưới TISC và IP-HUB được tổ chức trong năm 2019




Phó Cục trưởng Phan Ngân Sơn- Trưởng Ban điều phối Mạng lưới TISC và IP-HUB của Việt Nam.



Chuyên mục dành cho mạng lưới TISC và IP-HUB trên Cổng thông tin điện tử của Cục SHTT.

 

Sự phối hợp của các viện nghiên cứu, trường đại học

Các viện/trường đã gửi Văn bản đề nghị hợp tác với Cục Sở hữu trí tuệ về hợp tác triển khai Dự án TISC và EIE tại Việt Nam. Bước đầu, đã thành lập bộ phận hoặc nhóm cán bộ chuyên trách về sở hữu trí tuệ để tham gia các hoạt động của Dự án.

Từ năm 2016 đến nay, hằng năm WIPO đều mời đại diện tiêu biểu của các viện/trường tham dự các Hội nghị quốc tế của Mạng lưới TISC và IP-HUB. Năm 2019, WIPO đã mời đoàn đại biểu của Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao dành cho lãnh đạo các trường đại học/viện nghiên cứu và các nhà chính sách trong khuôn khổ Dự án EIE tại Osaka, Nhật Bản. Dự kiến năm 2020, WIPO sẽ cấp một số suất học bổng thực tập tại Nhật Bản về quản trị sở hữu trí tuệ và thương mại hóa công nghệ trong thời gian từ 2 đến 3 tháng dành cho các ứng viên tích cực của Mạng lưới.

Các viện/trường thành viên đã cử đầy đủ cán bộ tham gia các lớp đào tạo, tập huấn do Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, đã tập hợp, khuyến khích nhu cầu đăng ký sáng chế từ các nhà khoa học của đơn vị để đồng hành với Cục Sở hữu trí tuệ hỗ trợ đăng ký sáng chế. Đồng thời, đã và đang tiến hành nghiên cứu xây dựng quy chế hoặc chính sách về sở hữu trí tuệ trong đơn vị.

Trong đó, rất nhiều viện/trường đã tích cực, chủ động phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm cho các thành viên Mạng lưới TISC và IP-HUB như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Kinh tế Quốc dân, ...

 

Lớp tập huấn 10 mô đun do Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức dành cho các thành viên Mạng lưới tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019




Đại biểu tham dự Hội thảo “Tra cứu thông tin sáng chế dành cho Mạng lưới các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC)” do Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức ngày 25-26/03/2019 tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

 

Trong giai đoạn sắp tới, các hoạt động đào tạo, tập huấn, xây dựng và phát triển mạng lưới tiếp tục được Cục Sở hữu trí tuệ triển khai trên phạm vi toàn quốc. Sự tham gia tích cực, chủ động của các thành viên Mạng lưới là điều kiện cần thiết để có được sự thành công của các Dự án này, cũng như đạt được sự phát triển bền vững của Mạng lưới TISC và IP-HUB.

Các viện nghiên cứu và trường đại học cần tìm hiểu thông tin, đề nghị liên hệ với Trung tâm Thông tin sở hữu công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ, 386 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, email: phongthongtin@noip.gov.vn.

 

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 3675

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)