Thứ hai, 27/07/2020 14:39 GMT+7

Khai thác và phát triển nguồn gen hồng Hạc Trì – Phú Thọ, hồng Quản Bạ - Hà Giang và hồng Điện Biên – Điện Biên

Cây hồng (Diospyros kaki L.) là loại cây ăn quả lâu năm, có giá trị dinh dưỡng, kinh tế và có ý nghĩa trong y học. Sản phẩm quả hồng được đánh giá là một trong những loại trái cây giàu dinh dưỡng và hoạt chất sinh học: Trong 100 gam thịt quả chín có: 0,7g protein, 0,1g lipit, 11g các chất carbonhydrate, 3,1g chất xơ, 10mg canxi, 19,1mg phospho, 0,2mg sắt, 49,7mg iot, 0,16mg caroten, 16mg vitamin C, ngoài ra còn vitamin PP, B1, B2… Các chất hydratcarbon trong quả hồng chiếm 12 - 16% (có thể tới 25%) chủ yếu là đường sacarose, glucose và fructose. Ngoài ra trong quả còn có pectin, tanin (0,25 - 0,4%) và một lượng nhỏ các hoạt chất khác. Trong y học, quả, lá và rễ cây hồng được sử dụng điều trị một số bệnh như: cao huyết áp, liệt, tê cóng, bỏng, tiêu chảy, viêm phế quản, ho khan, trừ giun sán, chống chảy máu, có tác dụng long đờm, phòng ngừa và điều trị bướu cổ... Theo đông y, quả hồng có tính “bình”, phù hợp với mọi người ở mọi lứa tuổi.


 

Ở Việt Nam, kết quả của quá trình canh tác lâu đời tại các tiểu vùng khí hậu khác biệt đã tạo ra hệ thống nguồn gen hồng tương đối phong phú với nhiều giống bản địa có giá trị cần được khai thác và phát triển, trong đó có hồng Hạc Trì, hồng Quản Bạ và hồng Điện Biên.

Trong quá trình canh tác, do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan khiến tiềm năng của các nguồn gen nêu trên chưa được phát huy hết. Phổ biến là tình trạng lẫn giống, thoái hoá giống, hiện tượng rụng quả, sâu bệnh hại... khiến năng suất, chất lượng của các nguồn gen không ổn định. Do đó, nhiệm vụ: “Khai thác và phát triển nguồn gen hồng Hạc Trì - Phú Thọ, hồng Quản Bạ - Hà Giang và hồng Điện Biên - Điện Biên” được thực hiện do Cơ quan chủ quản Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Chủ nhiệm nhiệm vụ ThS. Hà Quang Thưởng thực hiện, nhằm phục hồi, khai thác và phát triển hiệu quả các nguồn gen bản địa quý nêu trên.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Một số đặc điểm nông sinh học của các nguồn gen:

- Hồng Hạc Trì: năng suất (cây trên 10 tuổi): 42,83 kg/cây/năm, khối lượng quả trung bình: 88,13 g/quả, quả không hạt, thịt quả màu vàng đỏ, giòn, ngọt.

- Hồng Điện Biên: năng suất trung bình (cây trên 10 tuổi): 49,6 kg/cây, khối lượng quả trung bình: 148,2 g/quả, không hạt, thịt quả khi chín có màu đỏ, vị ngọt đậm, không chát.

- Hồng Quản Bạ: năng suất (cây trên 10 tuổi): 37,75 kg/cây/năm, khối lượng quả trung bình 34,70 g/quả, quả không hạt, thịt quả màu vàng nhạt, giòn, ngọt.

Tuyển chọn và lập hồ sơ công nhận 27 cây đầu dòng, xây dựng 0,9 ha vườn cây mẹ và 03 vườn ươm nhân giống các nguồn gen. Tỷ lệ sống của các nguồn gen tại vườn ươm đạt trên 70%, tỷ lệ cây xuất vườn đạt trên 60%.

Căn cứ vào kết quả các thí nghiệm, khuyến cáo các biện pháp kỹ thuật: Liều lượng bón phân: 50 kg phân chồng hoai mục + 0,5 kg N + 0,3 kg P2O5 + 0,5 kg K2O; sử dụng GA3 với nồng độ 40 ppm giúp hạn chế rụng quả, tủ gốc bằng các vật liệu rơm, rạ, lá khô...; cắt tỉa định kỳ cho cây, bao gồm đốn tạo quả, cắt tỉa vào các đợt lộc (loại bỏ cành sâu bệnh, cành tăm, cành vượt) và cắt tỉa sau thu hoạch; Sử dụng Bitadin WP phòng trừ sâu ăn lá, sử dụng GC-Mite.

70DD trong phòng trừ nhện, sử dụng Aliette 80WP trong phòng trừ bệnh thán thư; sử dụng kết hợp Anolyte 1,5% và Chitosan 3% trong bảo quản quả.

- Mô hình trồng mới: Tỷ lệ sống sau trồng đạt 93,18 - 97,44%, cây sinh trưởng, phát triển tốt.

- Mô hình thâm canh ứng dụng kỹ thuật mới: Cây mô hình có tốc độ tăng trưởng tốt, tỷ lệ rụng quả giảm, năng suất tăng 18,32 - 25,61%, hiệu quả kinh tế tăng từ 15,52 - 23,97% so với vườn hộ nông dân.
 

*Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 14044/2017) tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia.

 

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 2657

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)