Thứ tư, 12/08/2020 15:26 GMT+7

Nghiên cứu thiết kế, chế tạo giàn chống tự hành áp dụng trong điều kiện vỉa dày trung bình, dốc thoải và nghiêng tại các mỏ than hầm lò cùng Quảng Ninh

Trong những năm gần đây, Tập đoàn Công nghiệp ngành Than - Khoáng sản Việt Nam đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển lĩnh vực chế tạo các sản phẩm, thiết bị mỏ nhằm thay thế hàng nhập ngoại, giảm chi phí, đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cho các đơn vị cơ khí trong ngành. Nhiều loại máy và thiết bị mỏ cũng như các sản phẩm cơ khí đã được các đơn vị trong nước nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công và được đưa vào sử dụng trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế kỹ thuật lớn.


Giàn chống tự hành MPVO2800

 

Trong đó, nổi bật nhất là các thiết bị phục vụ khai thác hầm lò như giá thủy lực di động XDY, giá khung thủy lực di động GK/1600/1.6/2.4/HT, giá xích ZH1600/16/24ZL, giàn chống tự hành ZZ3200/16/26, ZFY4800/16/28, Vinaalta… Các thiết bị chống giữ thủy lực này, trước đây phần lớn phải nhập khẩu từ nước ngoài, giá thành cao. Các đơn vị sử dụng thường bị động do phụ thuộc vào nhà cung cấp khi bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế linh kiện, phụ tùng.

Để đảm bảo hoạt động sản xuất liên tục, các đơn vị sử dụng thường phải mua dự phòng với số lượng lớn phụ tùng, gây tồn kho ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động sản xuất của đơn vị sử dụng.

Nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị sử dụng chủ động trong sản xuất, có thêm nhiều lựa chọn sản phẩm chất lượng, an toàn, giá cả cạnh tranh, đồng thời góp phần giảm chi phí sản xuất cho các đơn vị khai thác than hầm lò, năm 2007 thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin (Viện KHCN Mỏ) đã phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, sản xuất chế tạo trong nước và đối tác nước ngoài thiết kế, chế tạo thành công một số thiết bị chống giữ. Các sản phẩm được nghiên cứu chế tạo như giá khung thủy lực di động GK/1600/1.6/2.4/HT; giàn chống tự hành Vinaalta, KDT-1, KDT-2 đã được đưa vào áp dụng đồng bộ cùng thiết bị cơ giới hóa khai thác than tại một số mỏ phù hợp như Vàng Danh, Nam Mẫu, Hà Ráng, Mạo Khê....

Việc nội địa hóa chế tạo các thiết bị chống giữ hầm lò trong nước đã đem lại nhiều hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật. Nhiều loại thiết bị chống giữ trong hầm lò đã được áp dụng thử nghiệm tại các mỏ. Trong đó giàn chống tự hành là loại thiết bị được nhiều mỏ lựa chọn để đưa vào chống giữ do ưu điểm về kết cấu vững chắc, vận hành an toàn và hiệu quả, phù hợp với quá trình hiện đại hóa khai thác ngành than. Tuy nhiên, việc áp dụng thiết bị chống lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như điều kiện địa chất, áp lực mỏ, mức độ bùng nền, công nghệ khai thác… Vì vậy để sử dụng có hiệu quả các loại giàn chống tự hành trong điều kiện hầm lò Việt Nam cần phải có những nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn thông số hợp lý phù hợp trong khai thác hầm lò.

Chính vì vậy mà nhóm nghiên cứu Cơ quan chủ trì Viện Khoa học Công nghệ Mỏ- Vinacomin phối hợp Chủ nhiệm đề tài Th.S Vũ Đình Mạnh cùng thực hiện đề tài "Nghiên cứu thiết kế, chế tạo giàn chống tự hành áp dụng trong điều kiện vỉa dày trung bình, dốc thoải và nghiêng tại các mỏ than hầm lò cùng Quảng Ninh”.

Sau 2 năm tích cực triển khai thực hiện, đề tài: “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo giàn chống tự hành áp dụng trong điều kiện vỉa dày trung bình, dốc thoải và nghiêng tại các mỏ than hầm lò cùng Quảng Ninh” đã hoàn thành các nội dung theo hồ sơ đăng ký. Tất cả sản phẩm của đề tài đã hoàn tất. Sản phẩm thiết bị chế tạo đã được đưa vào sử dụng để đánh giá thử nghiệm trong thực tế sản xuất và bước đầu đã đạt các tiêu chí kỹ thuật theo yêu cầu. Các kết quả chính đạt được bao gồm:

1. Đã đánh giá về hiện trạng sử dụng các thiết bị chống giữ thủy lực trong các mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh.

2. Đã tổng hợp trữ lượng than của một số mỏ than vùng Quảng Ninh có chiều dày 1,8¸2,4 m, độ dốc đến 300 có khả năng áp dụng giàn chống tự hành, khấu gương bằng phương pháp khoan nổ mìn từ đó xác định nhu cầu, định hướng nghiên cứu nội địa hóa các sản phẩm chế tạo.

3. Phân tích điều kiện làm việc đặc biệt của giàn chống tự hành trong môi trường hầm lò như: Áp lực mỏ lớn, địa hình chật hẹp, môi trường ẩm thấp, có tính ăn mòn cao.... Từ đó đã lựa chọn các tiêu chuẩn phù hợp, xây dựng các yêu cầu cụ thể đảm bảo giàn chống tự hành làm việc tin cậy, hiệu quả.

4. Trên cơ sở giàn chống tự hành ZZ1800/16/24 do Trung Quốc chế tạo và đang được áp dụng tại Công ty than Khe Chàm đề tài đã tính toán, lựa chọn kích thước hợp lý của kết cấu giàn chống GC1800/16/24 phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất mỏ vùng Quảng Ninh.

5. Phân tích điều kiện áp dụng giàn chống tự hành đã phân tích các lực tác dụng lên giàn từ đó lập mô hình, phân tích và tính toán các ngoại lực tác dụng lên giàn chống.

6. Lựa chọn vật liệu chế tạo kết cấu. Thiết kế, tính toán kiểm nghiệm bền cho các cụm chi tiết điển hình của giàn chống tự hành: Tấm chắn gương, xà chính, cột chống.

7. Lập bộ hồ sơ thiết kế, chế tạo giàn chống và xây dựng bộ quy trình công nghệ bao gồm: Quy trình công nghệ chế tạo; quy trình kiểm tra tổng thể; quy trình hướng dẫn vận hành; quy trình công nghệ vận chuyển, lắp đặt, thử nghiệm giàn chống trong lò chợ.

8. Bộ hồ sơ thiết kế giàn chống tự hành được Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp - Bộ Công thương phê duyệt cấp phép theo Quyết định số 398/ATMT-MDK ngày 12/05/2016 cho chế tạo và đưa vào áp dụng thử nghiệm. Viện KHCN Mỏ đã phối hợp cùng Công ty CP Công nghiệp Ôtô chế tạo thành công 02 giàn chống tự hành và đưa vào áp dụng thử nghiệm tại vỉa than lò chợ V12-4 mức -200/-150 Công ty than Khe Chàm. Đề tài đã nghiên cứu hoàn thiện thêm một số chi tiết, kết cấu giàn chống.


*Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 14066/2017) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 2500

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)