Thứ tư, 12/08/2020 16:18 GMT+7

Hội thảo “Sử dụng đúng biểu tượng Chữ thập đỏ”

Ngày 11/8/2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức Hội thảo “Sử dụng đúng biểu tượng Chữ thập đỏ”.

Tham dự và chủ trì hội thảo có ông Trần Lê Hồng – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ  (SHTT), ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam, bà Trần Hương Giang – đại diện Ủy ban CTĐ quốc tế tại Việt Nam cùng sự tư vấn trực tuyến của các chuyên gia quốc tế.



Ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Tại Hội thảo, các báo cáo viên đến từ Ủy ban CTĐ quốc tế và Trung ương Hội CTĐ Việt Nam đã giới thiệu nguồn gốc của biểu tượng CTĐ, Trăng lưỡi liềm đỏ, Pha lê đỏ; ý nghĩa và quy định của các công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam về việc sử dụng các biểu tượng này.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Trung ương Hội CTĐ Việt Nam cho biết, mặc dù đã có những văn bản pháp lý quốc tế và Việt Nam quy định về biểu tượng và việc sử dụng biểu tượng CTĐ nhưng hiện nay, việc sử dụng sai biểu tượng CTĐ diễn ra khá phổ biến, nhất là trong hoạt động thương mại thì sự lạm dụng này xuất hiện nhiều hơn.



Ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Trung ương Hội CTĐ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

 

Biểu tượng CTĐ hiện đang bị vi phạm dưới nhiều hình thức khác nhau: Sử dụng sai (không phải cá nhân, tổ chức hoạt động CTĐ nhưng sử dụng biểu tượng CTĐ và biểu trưng của Hội CTĐ Việt Nam); bắt chước (sử dụng dấu hiệu gần giống về hình dáng, màu sắc của biểu tượng CTĐ, biểu trưng Hội CTĐ Việt Nam gây nhầm lẫn); mạo danh (các nhóm, cá nhân làm từ thiện “trá hình” sử dụng biểu tượng CTĐ, biểu trưng Hội CTĐ Việt Nam) để trục lợi.

Thực tiễn cho thấy việc bảo vệ biểu tượng CTĐ vô cùng khó khăn, một trong những nguyên nhân chính là do nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa, mục đích của biểu tượng, hơn nữa sự nổi tiếng của các biểu tượng này khiến nó dễ bị lạm dụng.

Ông Hoàng Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Thẩm định nhãn hiệu, Cục SHTT cho biết hiện nay biểu tượng CTĐ không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu theo quy định của Luật SHTT. Do đó, Cục SHTT không cấp độc quyền cho tổ chức/cá nhân nào sử dụng biểu tượng CTĐ trong thiết kế nhãn hiệu. Tuy nhiên, đối với việc thẩm định các nhãn hiệu có sử dụng dấu hiệu tương tự biểu tượng CTĐ được cách điệu, thay đổi, điều chỉnh thì cần tiến hành nghiên cứu chi tiết, làm rõ khả năng được sử dụng.

Đánh giá về hệ thống cơ sở pháp lý của Việt Nam liên quan đến việc bảo vệ biểu tượng CTĐ, bà Fiona Barnaby, Cố vấn pháp lý, Văn phòng khu vực của Ủy ban CTĐ Quốc tế tại Băng Cốc nhận định Việt Nam đã tích cực ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật (Luật Hoạt động CTĐ năm 2009; các văn bản của Bộ Y tế) nhằm quy định, hướng dẫn việc sử dụng cũng như ngăn ngừa việc lạm dụng biểu tượng CTĐ. Trong thời gian tới, cần hoàn thiện các quy định này, điển hình như việc sử dụng màu sắc, hình thức của biểu tượng CTĐ nhằm ngăn chặn các hành vi gây nhầm lẫn. 

Ông Trần Lê Hồng – Phó Cục trưởng Cục SHTT cho rằng, với cơ sở pháp lý kép liên quan đến biểu tượng CTĐ (Luật SHTT và Luật Hoạt động CTĐ), để đảm bảo việc sử dụng đúng biểu tượng CTĐ, dấu hiệu là chữ thập đỏ và các dấu hiệu gây nhầm lẫn với biểu tượng của Hội CTĐ quốc tế khác (Trăng lưỡi liềm đỏ, Pha lê đỏ, Sư tử đỏ) cần phải bị loại trừ ra khỏi các nhãn hiệu được yêu cầu đăng ký bảo hộ. Khi đó, chỉ Hội CTĐ Việt Nam mới có thẩm quyền cấp phép việc cho phép sử dụng biểu tượng CTĐ tại Việt Nam. Cục SHTT và Hội CTĐ Việt Nam cùng phối hợp xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết phục vụ công tác thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu liên quan đến biểu tượng CTĐ.

Tại hội thảo, đại diện các đơn vị chuyên môn của Cục SHTT cũng tích cực trao đổi các vấn đề thực tiễn trong công tác thẩm định, thực thi quyền SHTT nhằm bảo vệ biểu tượng CTĐ. Bà Trần Thu Hằng, Trưởng ban Truyền thông, Tình nguyện viên Trung ương Hội CTĐ đề xuất cần có nhiều hoạt động phối hợp chặt chẽ giữa Cục SHTT và Hội CTĐ hơn nữa, đặc biệt là trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các chủ thể trong xã hội về việc sử dụng đúng biểu tượng CTĐ. 

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Trần Lê Hồng nhấn mạnh trong thời gian tới Cục SHTT sẵn sàng phối hợp với Trung ương Hội CTĐ Việt Nam trong các hoạt động nghiên cứu và tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc sử dụng đúng biểu tượng CTĐ trong cộng đồng, nhất là trong hoạt động bảo hộ và thực thi quyền SHTT./.



Toàn cảnh Hội thảo

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 1970

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)