Chủ nhật, 23/08/2020 14:16 GMT+7

Bộ KH&CN luôn chia sẻ, đồng hành cùng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã khẳng định như trên tại buổi tổng kết Chương trình hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Học viện) giai đoạn 2015 – 2020 và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình hợp tác giai đoạn 2021 – 2026 vừa diễn ra chiều ngày 21/8 tại Học viện, Hà Nội.

Toàn cảnh buổi làm việc.
 

Tham dự chủ trì buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN.

Về phía Bộ KH&CN còn có đồng chí Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ KH&CN, đồng chí Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ KH&CN và đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ KH&CN.

Nhiều kết quả nghiên cứu phục vụ Văn kiện Đại hội XIII

Tại buổi làm việc, PGS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện cho biết: ngày 30/12/2014, Học viện đã ký Chương trình hợp tác giai đoạn 2015 – 2020 với Bộ KH&CN. Trên cơ sở Chương trình hợp tác được ký kết, việc hợp tác giữa hai bên từ năm 2015 đến nay tập trung vào một số lĩnh vực: Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện quan điểm KH&CN là quốc sách hàng đầu. Tham gia ý kiến thẩm định các đề án, dự án được phân công trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Nghiên cứu phục vụ đổi mới nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và của hệ thống chính trị;…

Giai đoạn 2015-2020, một số nhiệm vụ khoa học trọng điểm đã được triển khai như: Đề án giai đoạn 2015-2016 “Hợp tác nghiên cứu, phổ biến tư tưởng Hồ Chí Minh giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với Viện Hồ Chí Minh của Trường Đại học Tổng hợp Xanh - Petecbua, Liên bang Nga”; Đề án khoa học cấp Bộ trọng điểm giai đoạn 2016-2017 “Nghiên cứu các luận cứ khoa học để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị ở nước ta”; Đề án khoa học cấp Bộ trọng điểm giai đoạn 2017-2018 “Những giải pháp đột phá nhằm thực hiện sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng”; Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu tổng kết, đề xuất bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin - Cấu phần quan trọng của nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh mới”; Chương trình khoa học cấp Bộ trọng điểm giai đoạn 2019-2020 “Nghiên cứu đề xuất định hướng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học nghệ thuật”.

Các nghiên cứu do Bộ KH&CN và Học viện thống nhất triển khai đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học có giá trị tham khảo cao, phục vụ trực tiếp cho công tác hoạch định chủ trương, chính sách nói chung, chủ trương, chính sách về phát triển KH&CN của Đảng và Nhà nước.  Đồng thời, đóng góp nhiều cho việc đổi mới nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và của hệ thống chính trị.

Ngoài ra, nhờ có Chương trình phối hợp nêu trên, lần đầu tiên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã được giao chủ trì tổ chức triển khai thực hiện một chương trình nghiên cứu KH&CN cấp quốc gia KX02. Các kết quả nghiên cứu hướng đến phục vụ việc biên soạn Văn kiện Đại hội XIII của Đảng gồm hai báo cáo kiến nghị như: Một số vấn đề về sở hữu và thành phần kinh tế ở nước ta;Về đổi mới nhận thức và tổ chức thực tiễn nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

Đồng quan điểm trên, Phó Bí thư Đảng ủy Học viện, GS.TS Trần Văn Phòng khẳng định: sự hợp tác của hai bên đã góp phần rất lớn trong việc hoàn thành chuẩn quốc gia cho cả hệ thống của Học viện, đặc biệt là việc cập nhật những kiến thức cơ bản cũng như năng lực nghiên cứu của Học viên đã được cải thiện, nâng cao rõ rệt trong thời gian qua.

Tuy nhiên, cũng theo Phó Giám đốc Học viện Lê Văn Lợi, sự phối hợp của mỗi bên trong xác định các nhiệm vụ hợp tác từng năm và xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện chưa được thường xuyên. Một số nội dung của Chương trình triển khai chưa thực hiện hiệu quả, sâu rộng qua một số hoạt động như: trao đổi, tham vấn, tổ chức tọa đàm, hội thảo về các nội dung thuộc lĩnh vực KH&CN; mời cán bộ Học viện tham gia nghiên cứu, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, khảo sát; Hỗ trợ Học viện mở rộng hợp tác quốc tế;…

Phát triển bền vững dựa trên nền tảng KHCN & ĐMST

Tại buổi làm việc, ngoài những chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, trên cơ sở những thành công đã đạt được, đại diện lãnh đạo của các đơn vị, ban, ngành liên quan của hai bên đều đi đến thống nhất, đề xuất triển khai một nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025: Xây dựng Đề án: “Nghiên cứu, tuyển tập một số tác phẩm tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh để dịch thuật sang tiếng Anh và một số tiếng nước ngoài để giới thiệu ra thế giới”; Nghiên cứu triển khai các đề án khoa học cấp Bộ trọng điểm: Đề án “Nghiên cứu đưa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống thực tiễn”. Đề án “Các giải pháp thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng”; Tiếp tục thực hiện Đề án khoa học cấp Bộ trọng điểm trong giai đoạn 2020-2025 “Nghiên cứu, tổ chức biên soạn bộ sách phổ thông về tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới đất nước”;…

Ngoài ra, hai bên sẽ tiến hành xem xét để triển khai các Dự án tăng cường năng lực nghiên cứu giai đoạn 2021-2022: Dự án Tăng cường năng lực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong bối cảnh hội nhập quốc tế; Dự án Đổi mới công nghệ, nâng cấp thư viện thành thư viện thông minh – Học viện Chính trị khu vực I; Dự án Nâng cao năng lực, đầu tư trang thiết bị trong công tác giảng dạy trên nền tảng công nghệ 4.0 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Phối hợp nghiên cứu đề xuất lập Giải thưởng Khoa học Xã hội và nhân văn hoặc Giải thưởng Khoa học Lý luận chính trị để tuyên dương, khuyến khích, động viên các nhà khoa học tích cực sáng tạo và cống hiến cho đất nước;…
 

Đồng chí Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc.
 

Phát biểu tại buổi làm việc, Đồng chí Chu Ngọc Anh trân trọng cảm ơn và đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Học viện và Bộ KH&CN trong giai đoạn 2015-2020; đặc biệt là những chỉ đạo xuyên suốt của Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng. Theo Bộ trưởng, sự phối hợp giữa hai bên trong thời gian qua đã được triển khai rất nhịp nhàng, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn bằng những kết quả cụ thể toàn diện. Từ các kết quả nghiên cứu, nội hàm KH&CN đã được cụ thể trong các nghị quyết của Trung ương Đảng khóa XII và các dự thảo văn kiện phục vụ Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đây là những định hướng đặc biệt quan trọng cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.  Đồng thời, việc triển khai thành công Chương trình phối hợp đã hỗ trợ nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của Học viện, góp phần từng bước hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược của Học viện. Nhất trí cao với 9 đề xuất của Học viện, Đồng chí Chu Ngọc Anh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ khẩn trương xây dựng phương án phối hợp triển khai, trong đó tập trung vào việc đưa các nội dung về nghiên cứu lý luận chính trị, tư tưởng Hồ Chí Minh vào dự thảo Đề án tái cơ cấu các Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn tới và đẩy nhanh tiến độ nghiệm thu Chương trình KX02/16-20, sớm đưa các kết quả nghiên cứu vào cuộc sống. 

Đối với các nhiệm vụ, giải pháp triển khai Chương trình hợp tác giữa Học viện và Bộ KH&CN giai đoạn 2021-2026, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh thống nhất với các nội dung đã xác định, tuy nhiên, trong đó cần ưu tiên triển khai các nghiên cứu để sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, cũng như các nghiên cứu hướng tới KH&CN và đổi mới sáng tạo phải là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững của đất nước.


Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại buổi làm việc.
 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định thành công của Chương trình hợp tác giữa hai đơn vị giai đoạn 2015-2020 và ghi nhận sự đồng hành, chia sẻ, vì sự nghiệp chung của Bộ KH&CN với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong quá trình triển khai nhiệm vụ chính trị. Thông qua việc triển khai các nhiệm vụ trong Chương trình hợp tác từ năm 2015 đến nay, Học viện đã có thêm nhiều điều kiện, nguồn lực tốt hơn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cho hệ thống chính trị; có nhiều đóng góp khoa học kịp thời, có chất lượng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp triển khai Chương trình hợp tác giữa hai bên giai đoạn 2021-2026; để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hợp tác, Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu trong thời gian tới hai bên cần tăng cường hơn nữa trong việc chia sẻ, trao đổi thông tin, cập nhật số liệu về khoa học và công nghệ; tăng cường hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cho cán bộ, quản lý hai đơn vị. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ KH&CN tiếp tục phối hợp với Học viện xây dựng các chương trình KH&CN trong thời gian tới. Đối với Giải thưởng Khoa học lý luận, Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng thống nhất với đề xuất của các đại biểu và đề nghị Bộ KH&CN ủng hộ, phối hợp trong việc trình xin Bộ Chính trị, Ban Bí thư phê duyệt.

Kết thúc Hội nghị, 2 cơ quan thống nhất sẽ tiếp tục triển khai Chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2016 và giao các đơn vị đầu mối làm việc của 2 cơ quan chuẩn bị, sẵn sàng ký kết vào đầu năm 2021./. 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3117

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)